Chính quyền Biden thiếu phản ứng thiết thực khi Triều Tiên gia tăng thử vũ khí quân sự
Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử tên lửa và các chuyên gia đều cho rằng họ sẽ tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, chính quyền Biden vẫn không có phản ứng thiết thực gây sức ép lên nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, giới quan sát cho hay.
Embed from Getty Images
Ông Bruce Klingner, một nhà nghiên cứu cao cấp của Heritage Foundation nhận định: “Tuy đã có cam kết gây áp lực lên Triều Tiên và nhấn mạnh vấn đề nhân quyền của quốc gia này, nhưng chính quyền Biden không có hành động thiết thực. Cũng như các tình huống tương tự từ trước, chính quyền Biden vẫn chậm chạm áp đặt các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên cũng như lên các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc đang tạo điều kiện cho quốc gia này vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.”
Lệnh trừng phạt Triều Tiên lần đầu tiên được áp đặt là vào tháng 12/2021 về vấn đề vi phạm nhân quyền. Các chuyên gia nhìn nhận, lệnh trừng phạt này chỉ mang tính tượng trưng, và không có mấy ảnh hưởng đến vi phạm nhân quyền cũng như chương trình thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Đến tận tháng 1/2022, Hoa Kỳ mới ban hành lệnh trừng phạt Triều Tiên liên quan đến thử vũ khí, nhằm đáp trả một hoạt động thử nghiệm phóng tên lửa.
Sau đó lần lượt có các lệnh trừng phạt nhằm vào thử vũ khí vào tháng 3, 4, và đầu tháng 10 này. Trừng phạt kinh tế gần đây nhất là sau khi Triều Tiên liên tục phóng 6 tên lửa đạn đạo trong 12 ngày, trong đó có không ít lần bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên miêu tả đợt thử nghiệm này —điều mà ngoại trưởng Antony Blinken gọi là “chưa từng có cả về tiến độ, đẳng cấp, và phạm vi” — là để mô phỏng cuộc tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân, sau các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc.
“Hoa Kỳ đang gửi thông điệp rõ ràng rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục có hành động chống lại những ai ủng hộ và tạo điều kiện cho quân sự và vũ trang của Triều Tiên,” ông Blinken nêu rõ khi tuyên bố lệnh trừng phạt.
Nhưng theo một báo cáo gần đây của Viện Chính sách Đầu tiên của Mỹ, những áp chế này hầu như không nằm trong tầm chú trọng của chính quyền Biden.
Ông Fred Fleitz, cựu phân tích CIA và quan chức cao cấp Hội đồng An ninh Quốc gia phân tích: “Cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của Tổng thống Biden khá mờ nhạt, không đủ chú trọng và kém hiệu quả. Có thể nhận thấy, chính quyền Biden chỉ coi Triều Tiên là nguy cơ cấp thấp về an ninh. So sánh với những cuộc đối thoại từng có với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo trước đó, thì Bình Nhưỡng có thể coi việc chính quyền Biden bổ nhiệm một quan chức bán thời gian đã là một nỗ lực không đáng kể.”
Quan chức “bán thời gian” mà Fleitz nhắc tới đó, chính là ông Sung Kim, người mà chính quyền Biden giữ lại làm đặc phái viên của Hoa Kỳ ở Triều Tiên. Đó là vị trí mà ông Kim từng nắm giữ từ thời ông Trump. Nhưng ông Kim cũng đồng thời giữ vị trí đại sứ tại Indonesia, như vậy khiến cho vị trí của ông tại Triều Tiên trở thành vị trí “bán thời gian”.
Chính quyền Biden cũng không chỉ định vị trí đặc phái viên về vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên, đánh dấu sự khuyết thiếu vị trí này trong 6 năm.
Hiện tại, Triều Tiên liên tục thử nghiệm vũ khí và tên lửa, với con số kỷ lục lên đến 51 vụ trong năm nay. Một số nhà quan sát chỉ ra, hai lần thử nghiệm —lần cuối vào ngày 26/10 vừa qua và một lần khác hồi đầu năm— đều trùng với khoảng thời gian Phó tổng thống Kamala Harris đến thăm Hàn Quốc.
Năm ngoái, Bình Nhưỡng chi tiến hành 8 vụ thử tên lửa.
Các quan chức cả của Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều cảnh báo, Triều Tiên đang chuẩn bị thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 7 và lần đầu tiên tính từ năm 2017 cảnh báo về quyết tâm của ông Kim Jong-Un về việc này. Tình báo Hàn Quốc dự đoán, vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân có thế sẽ diễn ra vào bất cứ lúc nào, có lẽ sẽ vào ngay trước lúc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ.
“Vũ khí hạt nhân được thử thời gian tới hẳn là sẽ nhỏ hơn nhiều so với lần thử nghiệm bom hydro khủng 250 kiloton vào năm 2017,” ông Klinger cho hay. “Hai năm qua chế độ Kim Jong-Un đã nhấn mạnh việc phát triển đầu đạn hạt nhân chiến thuật dùng cho tiền tuyến. Họ đã phát triển hơn chục hoặc nhiều hơn các tên lửa tầm gần và tầm trung trong những năm qua, mà hầu hết trong số đó đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Việc thử nghiệm tên lửa chiến thuật đầu đạn nhỏ này chính là gia tăng cấp số nhân nguy cơ và đe dọa nhắm vào Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như quân lực của Hoa Kỳ đồn trú ở khu vực này.”
Các chuyên gia phân tích, động thái khiêu khích này của Triều Tiên là nằm trong chiến lược lâu dài của Kim Jong-Un, muốn phát triển năng lực để trở thành một thế lực hàng đầu về vũ khí hạt nhân, hơn nữa tình trạng trước mắt chính là Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang nối lại diễn tập quân sự, thế giới đang để tâm vào chiến sự Ukraine, và Triều Tiên tin tưởng rằng Trung Quốc và Nga sẽ bảo vệ họ nếu gặp khó tại phương diện này ở Liên Hợp Quốc.
Một nhân tố nữa thêm vào đó chính là chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, theo đánh giá của ông Fleitz.
“Những lơ là của chính quyền Biden về vấn đề Triều Tiên, cũng như một loạt thất bại trong chính sách đối ngoại trong năm 2021, đã khuyến khích Triều Tiên trỗi dậy và mạnh dạn hơn khiêu khích trong năm 2022, gồm cả việc tiến hành số lượng lớn các vụ thử vũ khí, đe dọa tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân, thể hiện một cách rõ ràng đang chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân trong lòng đất, và Bình Nhưỡng đứng về phía ủng hộ Nga trong chiến tranh Ukraine,” ông Fleitz viết trong báo cáo. “Có khả năng đó cũng là một số nguyên nhân tại sao Triều Tiên trì hoãn sự khiêu khích này tận chín tháng đợi cho đến khi chính quyền Biden… Nguyên nhân có thể phỏng đoán được ấy là thành tích không được tốt của chính sách đối ngoại, nhất là vụ tháng 9/2021, và quan điểm ngày càng phổ biến rằng Hoa Kỳ giờ càng yếu và càng thiếu quyết đoán.”
Có thể thấy chiều hướng gia tăng rõ rệt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên vào mùa Thu 2021.
Trong buổi phát sóng John Solomon Report vào tuần trước, ông Fleitz đã chỉ ra những thất bại trong lần rút quân khỏi Afghanistan tháng 8/2021 của chính quyền Biden đã là một nguyên nhân then chốt khiến Triều Tiên lấn tới.
“Tất cả những điều này là sau vụ ở Afghanistan,” ông nhấn mạnh. “Triều Tiên cảm thấy chính quyền Biden đã lơ là đối với họ. Họ nhìn ra điểm yếu của Biden, và họ tăng cường các chương trình WMD của mình.”
Cùng tháng rút quân khỏi Afghanistan, IAEA (Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế) một tổ chức theo dõi các vấn đề hạt nhân của Liên Hợp Quốc, đã ra thông báo chỉ ra rằng Triều Tiên đã ngừng việc trì hoãn các chương trình hạt nhân, và chế độ này nối lại các hoạt động lò phản ứng ở trung tâm hạt nhân Yongbyon của họ vào đầu năm nay. Trung tâm hạt nhân Yongbyon trước đó đã ngừng tất cả hoạt động từ 2007, theo các thỏa thuận với Phương Tây.
Chính quyền Biden vẫn chưa tìm đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về hành động hoặc trừng phạt về việc lò phản ứng hạt nhân Yongbyon được khởi động trở lại.
Một tháng sau báo cáo của IAEA, ông Biden có hai cuộc họp báo ngắn về tình hình Triều Tiên trong bài phát biểu đầu tiên ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong diễn văn năm nay ở Liên Hợp Quốc, ông Biden chỉ dành một câu về Bình Nhưỡng.
Chiến lược Quốc phòng Quốc gia do chính quyền Biden công bố vào đầu tháng này, cũng chỉ dành một câu cho vấn đề Triều Tiên.
Lần thử vũ khí gần đây nhất của Bình Nhưỡng diễn ra trong ngày 28/10 vừa qua, chỉ một ngày sau quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố tại một hội thảo hạt nhân tại Washington rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên về vấn đề kiểm soát vũ trang.
“Nếu họ có trao đổi với chúng tôi… kiểm soát vũ trang luôn luôn là một chủ đề khả thi khi hai bên quốc gia sẵn lòng tới bàn đàm phán,” ông Bonnie Jenkins nói. “Mà không chỉ là kiểm soát vũ trang, mà còn có vấn đề kiểm soát rủi ro, v.v. tất cả những gì mà có thể dẫn tới hòa ước truyền thống về kiểm soát vũ trang cũng như các khía cạnh về kiểm soát vũ trang mà chúng ta có thể làm việc với họ. Chúng tôi đã có thông điệp rất minh bạch với Triều Tiên… rằng chúng tôi sẵn sàng đàm phán, không đòi hỏi điều kiện tiên quyết.”
Theo các chuyên gia quan sát, thì bày tỏ chủ động điều đình kiểm soát vũ trang là điều không nên làm.
“Những gì mà [Liên minh Mỹ – Hàn] không được làm đó chính là nhượng bộ những ai ủng hộ Triều Tiên đang kêu gọi đàm phán kiểm soát vũ trang,” ông David Maxwell, thành viên cấp cao của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, nói. “Nhượng bộ chính là động thái tỏ cho Kim Jong-Un biết rằng chiến lược chiến tranh chính trị và ngoại giao tống tiền của ông ta đã thành công.”
Khi được hỏi về bình luận của ông Jenkins, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price trả lời: “Tôi muốn nói rõ việc này. Sẽ không có thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ.”
Ông Price khẳng định với phóng viên, chính sách của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên là “một bán đảo Triều Tiên thống nhất hoàn toàn phi hạt nhân.” Ông nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục ngoại giao cởi mở với Triều Tiên. Chúng tôi tiếp tục đồng ý gặp gỡ và theo đuổi giải pháp bằng con đường ngoại giao. Chúng tôi tiếp tục gặp mặt Triều Tiên mà không đòi điều kiện tiên quyết. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên tham gia ngoại giao một cách nghiêm túc và bền vững.”
Các chuyên gia cho rằng, những đàm phán như vậy với Triều Tiên là khó mang tính khả thi, vì Kim Jong-Un từ chối tham gia, do muốn trước tiên đạt được lợi thế đã, để kỳ vọng giảm nhẹ các trừng phạt.
Nhưng nhiều ý kiến của giới quan sát cho rằng chừng nào Kim còn nắm quyền thì giải pháp một bán đảo Triều Tiên thống nhất phi hạt nhân là không thực tế.
“Rốt cuộc thì nếu gia đình họ Kim vẫn còn nắm quyền, thì vẫn còn tồn tại nguy cơ rất lớn về chiến lược, vũ khí và chiến tranh hạt nhân, cũng như tội ác chống phá nhân loại vào thời đại mới này,” ông Maxwell nhận xét. “Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận một điều mà giới chức đã biết từ lâu nhưng chưa thẳng thắn thừa nhận, đó là chừng nào chế độ gia đình trị kiểu Mafia đó của họ Kim vẫn còn tồn tại thì ở Triều Tiên vẫn là tình trạng Vương triều Chiến tranh và Nhà nước Gulag như vậy.”
Hiện nay chế độ này vẫn theo đuổi “chiến lược chiến tranh chính trị và ngoại giao tống tiền, đồng thời tăng cường năng lực vũ trang thì đó đã là bài toán tiến thoái lưỡng nan cho Liên minh [Mỹ – Hàn].” Ông kết luận: “Có thể nói nó vẫn là nguyên nhân của các xung đột tại Bắc Á trong tương lai.”
Thiên Đức (Theo JustTheNews)
Triều Tiên nói thử tên lửa để tự vệ trước mối đe dọa từ Mỹ Triều Tiên hôm thứ Bảy (8/10) nói rằng các vụ thử tên lửa gần đây của họ là để tự vệ trước các mối đe dọa quân sự trực tiếp từ Mỹ.