Chính phủ toàn cầu nợ 71.600 tỉ USD, Nhật nợ nhiều nhất tính theo tỉ lệ GDP
Theo Tập đoàn quản lý tài sản toàn cầu Janus Henderson tại Anh, ước tính nợ chính phủ toàn cầu sẽ tăng 9,5% lên mức kỷ lục 71.600 tỉ USD vào năm 2022.
Trong số quốc gia mắc nợ nhiều nhất có Mỹ, Nhật Bản, và Trung Quốc. Dù mắc nợ nhiều, nhưng phần lớn các quốc gia dự kiến cũng sẽ tăng vay nợ.
Các chính phủ trên khắp thế giới đã tăng cường vay nợ kể từ đại dịch COVID-19, khi họ cố gắng bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi sự suy thoái, theo Đài RT .
Số liệu của Tập đoàn Janus cho thấy nợ của Trung Quốc tăng nhanh nhất và nhiều nhất tính theo tiền mặt, tăng 650 tỉ USD vào năm 2021.
Trong số các nền kinh tế phát triển lớn, Đức có mức nợ tăng với tỉ trọng lớn nhất. Tỉ lệ nợ của Đức tăng vọt 15%, gần gấp đôi tốc độ tăng trung bình toàn cầu.
Báo cáo cũng cho biết nợ chính phủ toàn cầu đã tăng 7,8% vào năm 2021 lên 65.400 tỉ USD và mọi quốc gia đều tăng vay nợ. Trong khi đó, chi phí trả nợ giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.010 tỉ USD.
Ước tính nợ chính phủ toàn cầu trong năm 2022 sẽ tăng 9,5% lên mức kỷ lục 71.600 tỉ USD, theo báo cáo. Năm 2022, mức chi trả nợ dự kiến sẽ tăng đáng kể 14,5% (trên cơ sở đồng tiền không đổi) lên 1.160 tỉ USD.
Bà Bethany Payne, giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson, lưu ý: "Đại dịch đã có tác động rất lớn đến việc vay nợ của các chính phủ - và những hậu quả sau đó sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian".
Bà cho biết thêm chiến sự đang diễn ra ở Ukraine cũng có khả năng gây áp lực buộc các chính phủ phương Tây phải vay nhiều hơn để tài trợ cho việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Tập đoàn Janus Henderson chỉ ra rằng mức vay nợ của các chính phủ tăng trên toàn thế giới, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn ngắn, trong khi trái phiếu dài hạn sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.
Tình hình vay nợ toàn cầu mới nhất được cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings công bố hôm 5-4, cho biết tổng giá trị các khoản vay mới của các chính phủ dự kiến sẽ đạt 10.400 tỉ USD vào năm 2022. Ước tính con số vay nợ của các chính phủ cao hơn gần 30% so với mức trung bình trước đại dịch COVID-19.
Nếu tính tỉ lệ nợ trên GDP theo quốc gia, có 10 quốc gia mắc nợ nhiều nhất theo "Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới", bao gồm: Nhật, Sudan, Hy Lạp, Eritria, Cape Verdrea, Ý, Suriname, Barbado, Singapore, Maldives.
Nhật Bản, Sudan và Hy Lạp đứng đầu danh sách các quốc gia có tỉ lệ nợ trên GDP cao hơn 200%, tiếp theo là Eritrea (175%), Cape Verde (160%) và Ý (154%).
Mức nợ của Nhật tính trên GDP cao nhất thế giới (257%) sẽ không gây ngạc nhiên cho hầu hết mọi người. Vì để tài trợ cho khoản nợ mới, Chính phủ Nhật phát hành trái phiếu chủ yếu được Ngân hàng Trung ương Nhật mua lại.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết nợ toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 226.000 tỉ USD trong năm 2020 vì các biện pháp chống dịch COVID-19, ảnh hưởng khả năng phục hồi của các nước.