Chính phủ nghiên cứu phương án hỗ trợ lao động mất việc dịp Tết

Chia sẻ Facebook
27/12/2022 19:50:58

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự do không có đơn hàng, Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày.

Chính phủ nghiên cứu phương án hỗ trợ lao động mất việc dịp Tết

Thông tin trên được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 7 khóa IX, sáng 27/12.

Đánh giá kết quả năm 2022, Phó thủ tướng cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%. Trong số 15 chỉ tiêu chủ yếu có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 2 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị công nghiệp cũng "ngấp nghé" mục tiêu đặt ra.


Đồng thời, công tác an sinh xã hội được đánh giá là bảo đảm với 55 triệu lượt người được hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng kinh phí khoảng 85.000 tỷ đồng .

Ông Đam khẳng định đây là nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống khi trong 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020-2021), kinh tế cả thế giới lao đao còn nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,39%.

Dù vậy, để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra là tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, nhiệm vụ tăng trưởng của 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo là rất nặng nề.

"Chưa kể khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng tốc độ cao càng khó khăn. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững, từ bảo vệ môi trường đến chú trọng các vấn đề văn hóa, xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam sáng 27/12. Ảnh: VGP.


Từ đó, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần nhìn nhận đúng những khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới những năm tới sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD , cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài...

Các yếu tố trên đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải giãn việc, cho người lao động nghỉ việc do không có đơn hàng.

Ông cho biết bên cạnh giải quyết những vấn đề mới, Chính phủ dành nhiều thời gian để xử lý những vấn đề còn tồn đọng từ trước liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các dự án thua lỗ nhiều năm, có nhiều vướng mắc…

Việc giải quyết các vấn đề trên được thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, giữ được ổn định.

Trước dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2023 thấp hơn năm 2022, chỉ số lạm phát cao hơn, lãnh đạo Chính phủ cho rằng nhiệm vụ trước mắt là cố gắng duy trì, bảo đảm an sinh xã hội, điều chỉnh một số chính sách cho nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm.

Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh hơn để đuổi kịp các nước, nhưng phải bền vững, lo cho môi trường, lo cho công bằng xã hội. Điều này "giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để nước sóng ra ngoài".

Để làm được điều trên, Phó thủ tướng cho rằng cần phải có sự quyết tâm và sáng tạo nhằm đạt được các mục tiêu đề ra mà lúc đầu tưởng chừng rất khó, không thể nào đạt được.

Chia sẻ Facebook