Chính phủ nghiên cứu đưa lịch sử là môn học bắt buộc

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 14:29:19

Sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội - Ảnh: Quochoi.gov.vn

Sáng 23-5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc. Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Phó thủ tướng cho hay trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021 nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch như thu ngân sách tăng 16,8%, xuất khẩu tăng 22,6% và xuất siêu đạt 4 tỉ USD.

Sang năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, kinh tế trong nước mở ra trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.


Dịch bệnh được kiểm soát, tạo đà phục hồi kinh tế

Đến nay, Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Tính chung 4 tháng có 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ.

"Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân", ông Thành đánh giá.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cho hay kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thu ngân sách nhà nước tăng 15,4% so với cùng kỳ, nhưng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ tăng 5,4%.


Trong báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong bối cảnh đất nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có.


Đặc biệt, khi Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, chuyển hướng chiến lược phù hợp giúp dịch bệnh kiểm soát, nền kinh tế phục hồi và phát triển tích cực, GDP quý 1 ước tăng 5,03%…


"Cần đặc biệt chú ý tới nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nghiên cứu kịch bản giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó nếu giá dầu biến động lớn, giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, cần làm rõ trách nhiệm", ông Thanh đặc biệt lưu ý.

Về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, ông Thanh cho rằng có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Đặc biệt là hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi trên thị trường cổ phiếu…


Lưu ý vấn đề lãng phí sử dụng đất đai


"Đề nghị lưu ý tới vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; việc công khai, minh bạch thông tin; việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vượt ra khỏi khuôn khổ chung", ông Thanh đề nghị.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó thủ tướng cho hay sẽ tập trung kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật đất đai 2013.

Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung các dự án trọng điểm quốc gia, như phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý 4-2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Về các vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục, ông Thành cho hay sẽ tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, tăng cường năng lực y tế, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.


Quan tâm hơn nữa thực hiện hiệu quả việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chủ động thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về đất đai; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích, đánh giá những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản trong và ngoài nước.

Chia sẻ Facebook