Chính phủ Hàn Quốc "thắt lưng buộc bụng" nhằm kiềm chế lạm phát
Hàn Quốc cắt giảm chi tiêu năm 2023 ở mức 473 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và giúp Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) kiềm chế lạm phát.
Công bố đề xuất ngân sách đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk-yeol, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết chi tiêu của Chính phủ sẽ là 639.000 tỷ Won (473 tỷ USD) vào năm 2023.
Con số này nhỏ hơn 6% so với mức chi tiêu của năm 2022 và là lần giảm chi tiêu hàng năm đầu tiên kể từ năm 2010. Nếu không tính thêm ngân sách nào bổ sung, chi tiêu năm 2023 của Hàn Quốc sẽ tăng 5,2%, mức tăng chậm nhất kể từ năm 2017.
Ngược lại, Chính phủ của các nước Úc và Canada vẫn tiếp tục các chính sách tài khóa mở rộng cho đến nay ngay cả khi các ngân hàng trung ương của họ đã tăng lãi suất để giải quyết lạm phát tăng cao.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục tăng ngân sách từ năm 2010, nhất là dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Moon Jae-in, người lãnh đạo nước này trong thời gian đại dịch Covid-19 căng thẳng.
“Chúng tôi sẽ phải "thắt lưng buộc bụng". Chính quyền trước đã vay nợ nhiều, chúng tôi không thể như vậy được”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-Ho phát biểu.
Từ khi lên cầm quyền vào tháng 5 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tìm cách cắt giảm chi tiêu và tăng thu ngân sách từ thuế. Dù vậy, sau khi lên cầm quyền, chính quyền của ông Yoon đã đề xuất một kế hoạch ngân sách bổ sung 62 nghìn tỷ Won, tương đương hơn 47 tỷ USD, nhằm kích cầu nền kinh tế và đã được Quốc hội thông qua sau vài tuần.
Song song với nỗ lực hạn chế chi tiêu của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã có 4 lần tăng lãi suất từ đầu năm, đưa lãi suất cơ bản lên mức 2,25%.
Trong tháng 7, lạm phát của Hàn Quốc lên mức 6,3%, mức cao nhất kể từ tháng 11/1998. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đầu tháng này phát tín hiệu có thể tiếp tục nâng lãi suất để ghìm đà leo thang của giá cả.
Nền kinh tế Hàn Quốc bất ngờ tăng tốc trong quý II năm nay nhờ tiêu dùng mạnh lên khi các biện pháp chống Covid được nới lỏng, bù đắp cho kết quả gây thất vọng của khu vực xuất khẩu.
Số liệu công bố cuối tháng 7 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Hàn Quốc tăng 0,7% trong quý II/2022 so với quý I/2022. So với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á tăng 2,9% trong quý II/2022, cao hơn mức dự báo tăng 2,5% mà giới phân tích đưa ra nhưng thấp hơn mức tăng 3% đạt được trong quý I/2022.
Giới phân tích cho rằng mức tăng trưởng khả quan của nền kinh tế sẽ tạo điều kiện để BoK tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Trong tháng 7, BoK đã có đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm - một bước nhảy chưa từng có tiền lệ.
“Nền kinh tế chắc chắn sẽ giảm tốc do lạm phát kéo dài và xuất khẩu yếu đi, nhưng mức tăng trưởng GDP quý II/2022 sẽ là động lực để BoK tiếp tục xem lạm phát là rủi ro lớn nhất ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia kinh tế Chun Kyu-yeon của Hana Financial Investment nhận định.
Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, BoK đã nâng lãi suất tổng cộng 1,75 điểm phần trăm, từ mức thấp kỷ lục 0,5%. Giới chuyên gia kinh tế dự báo đến cuối năm nay, lãi suất cơ bản của Hàn Quốc sẽ đạt mức 2,75%. Cuộc họp tiếp theo của BoK sẽ diễn ra vào ngày 25/8.
Chính sách cắt giảm chi tiêu năm 2023 của Hàn Quốc
Để đạt được mức cắt giảm chi tiêu năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ chuyển giao một số dự án công cho khu vực tư nhân và sẽ cắt giảm lương của các quan chức cấp cao ở của Chính phủ, theo ngân sách.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có kế hoạch cắt giảm 10,2% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng công cộng, trong khi trợ cấp và các khoản chi tiêu khác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giảm 18% trong năm tới.
Nhưng ngân sách cũng dự đoán sự gia tăng chi phí phúc lợi xã hội cho những người có thu nhập thấp và những người sống dựa đang sống dựa trên các khoảng phúc lợi ở Hàn Quốc. Song song đó, đất nước đang còn đối mặt với nguy cở trở thành một nền kinh tế già hóa nhanh chóng, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đạt mức thấp mới là 0,81 vào năm ngoái.
Chi tiêu của Chính phủ cho quốc phòng sẽ tăng 2,5% lên 57.100 tỷ Won khi quốc gia này đang tìm cách hiện đại hóa thiết bị quân sự trước các mối đe dọa có thể xảy ra từ Triều Tiên.
Bộ Tài chính cho biết thâm hụt tài khóa của Hàn Quốc sẽ giảm xuống 2,6% GDP vào năm 2023, từ mức ước tính 5,1% trong năm nay đã bao gồm các khoản chi tiêu phát sinh. Tỷ lệ nợ trên GDP sẽ giảm lần đầu tiên trong 5 năm từ 50,0% xuống 49,8%.
Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ thâm hụt tài khóa trên GDP ở mức trung bình 2% và tỷ lệ nợ dưới mức trung bình 50% cho đến năm 2026 và đang chuẩn bị một dự luật để đưa các mục tiêu này trở thành bộ luật mới.
Bộ Tài chính cho biết họ sẽ phát hành 167.800 tỷ Won trái phiếu vào năm 2023, giảm so với tổng số 177.300 tỷ Won trong năm nay. Mức tăng ròng của trái phiếu kho bạc dự kiến là 61.500 tỷ Won. Kế hoạch ngân sách sẽ được trình lên quốc hội vào ngày 2/9.
Theo ông Choo, lạm phát của Hàn Quốc có vẻ như đã gần đỉnh. “Một số người nói lạm phát có thể lên tới 7%, nhưng tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra, trừ phi có một sự kiện kiểu thảm hoạ lớn” .
Mai Anh (theo Reuters, WSJ, KBS world)