'Chính phủ giành khó khăn về mình, để doanh nghiệp mạnh đất nước sẽ mạnh theo'
Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp du lịch, chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nói Chính phủ tiếp tục giành khó khăn về mình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đất nước sẽ phát triển.
Tại Diễn đàn du lịch với chủ đề "Phục hồi du lịch Việt Nam, định hướng mới, hành động mới", diễn ra ngày 1-4 tại Hà Nội, bà Cúc là người tiếp tục chỉ ra những bất cập với chính sách thuế, phí với doanh nghiệp du lịch hiện nay và đề xuất Chính phủ tiếp tục xem xét có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển.
Đề xuất thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch
Bà Cúc đề xuất cần có 2 khung thuế đất khác nhau cho doanh nghiệp du lịch. Theo đó chỉ đất xây khách sạn, sân golf, đất cho hoạt động kinh doanh du lịch trực tiếp thì mới phải chịu mức thuế quy định như hiện nay. Còn đất tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho du lịch vốn chiếm diện tích rất lớn thì phải thấp hơn để khuyến khích thúc đẩy du lịch sinh thái.
Thứ hai, thuế giá trị gia tăng mới được giảm từ 10% xuống 8%, nhưng bà mong muốn trong lúc khó khăn hiện nay thì Chính phủ nên có giải pháp hỗ trợ thêm như kéo dài thời gian thực hiện giảm thuế này, không chỉ năm 2022, và có thể giảm xuống thấp hơn nữa, 5-7%.
Bà Cúc cũng đề xuất đưa lĩnh vực du lịch vào danh sách được ưu đãi đầu tư như ngành kinh doanh phần mềm, chế biến nông sản, thủy sản…
Nêu chính sách hoàn thuế cho khách du lịch mua hàng miễn thuế hiện nay thủ tục phức tạp, bà Cúc đề xuất từ cuối tháng 4 này sẽ thực hiện hóa đơn điện tử cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước thì việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách quốc tế nên được thực hiện ngay tại cửa hàng miễn thuế để khách không phải thực hiện ở sân bay nữa.
Bà tin Việt Nam có thể thực hiện được điều này giống như các nước trong khu vực vì "chúng ta đang tiến tới Chính phủ điện tử, công nghệ số".
Bà Cúc cũng cho rằng ngành du lịch có đặc thù riêng, nên cũng cần tính toán thu phí dịch vụ thế nào cho hợp lý. "Phải chăng chỉ thu thuế giá trị gia tăng thôi, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp", bà Cúc đề xuất.
Với kinh nghiệm của một người đã làm việc trong ngành thuế từ năm 1974 đến nay, tham gia xây dựng các chính sách thuế, bà Cúc cho rằng Chính phủ biết giành phần khó khăn về mình để nuôi dưỡng doanh nghiệp thì chính là làm giàu chung cho đất nước.
Quan trọng hơn là hỗ trợ chính sách
Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng Ban pháp chế của VCCI - cho biết, kết quả khảo sát các doanh nghiệp du lịch cho thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua thực chất doanh nghiệp được hưởng lợi chưa cao.
Bởi lẽ năm 2021 Chính phủ đồng ý giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp năm qua hầu như không có doanh thu nên sự thụ hưởng rất ít.
Chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch tốt nhưng đây chỉ là bộ phận rất nhỏ trong ngành du lịch nên không có nhiều người được thụ hưởng từ chính sách này.
Ông Tuấn cũng đề xuất cần phải thúc đẩy nhanh hơn các chính sách hỗ trợ hiện nay bởi nhiều chính sách tuy đã được thông qua nhưng hiện vẫn ở bàn giấy, đang soạn thảo.
Theo ông Tuấn, Chính phủ hỗ trợ về nguồn lực cho doanh nghiệp là rất quý nhưng khó vì nguồn lực không nhiều. Vì vậy, quan trọng hơn là hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp. Nhưng hiện nay việc thực thi chính sách ở nhiều cấp ảnh hưởng tới doanh nghiệp du lịch rất lớn.
Ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh cần mở rộng hơn nữa trong các chính sách visa vì theo ông, hiện nay độ cởi mở trong các chính sách thị thực của Việt Nam chỉ bằng 15-50% so với các nước trong như vực như Singapore, Thái Lan…
Đại diện cho các cơ quan xây dựng chính sách, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - hứa hẹn Bộ nay sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, có giải pháp tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vươn lên.
Về đề xuất cần có 2 khung thuế đất khác nhau cho du lịch, bà Ngọc nói Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa vào báo cáo tổng kết việc thực thi Luật đất đai thời gian qua để có những sửa đổi toàn diện hơn.
Mong các bộ ngành phối hợp chặt chẽ hơn với ngành du lịch
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - bày tỏ các doanh nghiệp hiện đã sẵn sàng bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển nên đề nghị các bộ ngành hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn để rút ngắn giai đoạn phục hồi, bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp du lịch.
Ông Khánh nói thời gian qua sự phối hợp của các bộ ngành với ngành du lịch còn chưa được như kỳ vọng.
Ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại buổi họp báo về Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) 2022 chiều 18-3 tại Hà Nội.