Chính phủ có nên giữ quyền can thiệp vào việc mua máy bay của doanh nghiệp?
Bộ GTVT đang lấy ý kiến tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trong đó có nhiều quy định được góp ý là “rào cản kỹ thuật” trong việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Trong văn bản mới đây, VCCI khuyến nghị bỏ toàn bộ các quy định về quy hoạch đối với thị trường hàng không cũng như các quy định theo hướng Nhà nước can thiệp vào việc phát triển đội bay của doanh nghiệp
Chính phủ có nên giữ quyền can thiệp vào việc mua máy bay của doanh nghiệp?
Theo thông tin từ Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức này đã gửi công văn trả lời Bộ GTVT xung quanh dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Tiếp tục đề xuất bổ sung cơ chế quản lý việc mua tàu bay
Theo VCCI, quy hoạch phát triển ngành hàng không hiện vẫn tồn tại, trong đó có nhiều nội dung chi tiết về cảng hàng không và thị trường hàng không. Việc quy hoạch cảng hàng không là cần thiết do đây là vấn đề cơ sở hạ tầng và sử dụng nguồn lực chung của quốc gia. Tuy nhiên, đối với thị trường hàng không thì Nhà nước nên tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo quy định của Luật Quy hoạch, lĩnh vực hàng không hiện nay chỉ được xây dựng quy hoạch về cảng hàng không mà không còn quy hoạch phát triển ngành hàng không.
Mặc dù vậy, Điều 110 của Luật Hàng không dân dụng quy định điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hiện yêu cầu doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không. Dự thảo Báo cáo này tiếp tục đề xuất bổ sung cơ chế quản lý việc mua máy bay (tàu bay) của các hãng hàng không một cách hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường và quy hoạch phát triển ngành hàng không.
“Như vậy, dường như Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục ban hành quy hoạch đối với thị trường hàng không và can thiệp vào việc mua sắm máy bay của doanh nghiệp. Điều này khiến cán bộ nhà nước tiếp tục là người quyết định hoặc đánh giá “nhu cầu của thị trường”. Thiết nghĩ, vấn đề mua sắm tàu bay có hiệu quả hay không, có phù hợp với nhu cầu của thị trường hay không thì doanh nghiệp bỏ tiền ra mua sẽ là người hiểu rõ nhất.
Theo ý kiến của một số chuyên gia tài chính, việc mua tàu bay hoặc thuê mua tàu bay của các hãng hàng không tại Việt Nam hiện dựa vào nguồn vốn vay, nhất là vốn vay ngoài nước khá lớn. Trong điều kiện vay/trả bình thường không có gì đáng bàn.
Nhưng Luật quản lý nợ công hiện hành lại tính nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp tự vay tự trả…
Trong trường hợp các khoản vay của doanh nghiệp lớn không trả được, sẽ chuyển thành nợ quốc gia, ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia, kéo theo nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng.
Năm 2016, nợ nước ngoài của quốc gia đã tăng vọt với một khoản vay kiểu này (Tập đoàn ThaiBev mua Sabeco qua khoản cho vay với Vietnam Beverage – 100% vốn Việt Nam).
Nên đấu giá slot và bỏ giá trần vé máy bay trong nước
Hiện nay, cơ chế phân bổ slot bay đã được thực hiện theo Thông tư 29/2021/TT-BGTVT tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế được khuyến nghị tại Worldwide Airport Slot Guidelines.
Tuy nhiên, VCCI dẫn lại phản ánh của một số doanh nghiệp thì việc giám sát tuân thủ đã không được thực hiện nghiêm túc trong thời gian trước, dẫn đến tình trạng sử dụng slot không hiệu quả vẫn diễn ra.
Gần đây, vào tháng 8-2022, Cục Hàng không đã thu hồi nhiều slot bay của doanh nghiệp không đáp ứng tần suất sử dụng để được duy trì slot lịch sử. Đây là việc cần được thực hiện nghiêm túc và công khai, minh bạch, bảo đảm sự công bằng giữa các hãng bay và giúp sử dụng nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả.
VCCI góp ý, hiện cơ quan nhà nước chưa xây dựng được cơ chế phân bổ chỗ đỗ máy bay qua đêm một cách chi tiết như đối với slot bay, trong khi đây cũng là một điểm nghẽn cho sự phát triển của ngành hàng không.
Nhằm tạo sự công khai, minh bạch, công bằng, tránh quá tải và tận dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu vấn đề phân bổ chỗ đỗ máy bay, có thể tính đến phương án đấu giá giữa các doanh nghiệp.
Mặt khác, Nhà nước vẫn duy trì việc quản lý giá đối với dịch vụ vận tải hàng không theo khung giá đối với các đường bay nội địa. Dự thảo Báo cáo đề xuất vẫn tiếp tục quy định mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. “Đây là sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào thị trường”, theo quan điểm của VCCI.
Cơ quan này đưa ra cách tiếp cận của Luật Giá đang được soạn thảo hiện nay là Nhà nước chỉ định giá đối với các hàng hoá, dịch vụ có tính độc quyền. Đây là cách tiếp cận phù hợp vì trường hợp không có độc quyền thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhà cung cấp nào có mức giá tốt hơn so với chất lượng dịch vụ.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cũng sử dụng cách tiếp cận này trong lĩnh vực hàng không, đó là Nhà nước chỉ định giá đối với các đường bay nội địa mà chỉ có một hãng hàng không khai thác.
Việc bỏ giá trần (giá tối đa) đối với các đường bay nội địa cũng đã được các hãng hàng không trong nước đề xuất nhiều lần để linh hoạt trong việc cân bằng giá bán dịch vụ cho người tiêu dùng.
Lan Nhi
TBKTSG