'Chỉnh đốn' chứng khoán

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:34:22

Những gì vừa diễn ra cho thấy rất cần cuộc chỉnh đốn thị trường chứng khoán để nơi này 'trưởng thành' và thay ngân hàng đáp ứng vốn cho nền kinh tế.


Thị trường chứng khoán từng có quy mô 122,8% GDP (7,729 triệu tỉ đồng) có dấu hiệu "yếu phần cứng, lỗi phần mềm", cần chấn chỉnh để bảo đảm an toàn cho nền kinh tế.

"Phần cứng" ở đây là các luật, quy định để tạo ra sân chơi chứng khoán lành mạnh, công bằng và quan trọng là an toàn. Còn "phần mềm" là hệ thống giao dịch chứng khoán và thanh toán thông suốt, an toàn.

Nâng cấp "phần mềm", nhà đầu tư đang chờ hệ thống giao dịch mới của sàn HOSE và sau này là rút ngắn quy trình thanh toán tiền và chứng khoán. Quan trọng là phải chỉnh "phần cứng".

Yếu "phần cứng", như kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, đó là một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính...

Các vụ án đang được xử lý như Tân Hoàng Minh, FLC, nhóm Louis, chứng khoán Trí Việt... cho thấy nếu luật, quy định chặt chẽ, đầy đủ, giám sát kỹ càng, sẽ ngăn chặn bớt các hành vi gian dối, hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản bán trái phiếu dưới chuẩn để lại hệ lụy mà nhiều tháng tới mới lộ ra.

Nếu luật chặt chẽ, sẽ không có chuyện thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng nay phải siết lại, một kiểu điều hành giật cục không nên có trong kinh tế.

Nếu luật chặt chẽ, sẽ ngăn chặn nạn công ty chứng khoán "người nhà" để cho ra đời những hồ sơ phát hành trái phiếu dưới chuẩn, hay giúp một số nhóm đầu cơ có thể thao túng mua bán chứng khoán. Rồi tình trạng như nhiều người phản ảnh là một số công ty chứng khoán hô mua tay phải, tay trái đổ ra bán và việc giám sát đạo đức của các nhân viên môi giới chứng khoán...

Nhưng quá trình nâng cấp "phần cứng", ngoài luật lệ, Ủy ban Chứng khoán nhà nước phải để mắt nhiều hơn đến các quy định nhằm giám sát các công ty chứng khoán. Bởi các công ty chứng khoán trong nhiều trường hợp dễ xung đột lợi ích với khách hàng.

Công ty chứng khoán có lợi thế về thông tin nhưng họ cũng mua bán lướt sóng kiếm lời như mọi nhà đầu tư khác, không loại trừ nhân viên chứng khoán tư vấn cho khách hàng theo hướng có lợi cho mình, thậm chí lợi dụng khách hàng. Và lằn ranh giữa làm lợi cho mình hay phục vụ khách hàng là khá mỏng manh.

Bao lâu nay, lằn ranh này chủ yếu dựa vào bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp như "không được trực tiếp hoặc gián tiếp câu kết với người khác để thao túng chứng khoán...". Liệu có quy tắc mà thiếu giám sát thật chặt, lằn ranh này có được tôn trọng? Đó là với nhân viên môi giới.

Ngoài ra, còn nhiều nghiệp vụ khác, nếu không giám sát chặt, những công ty chứng khoán có vấn đề sẽ lạm dụng, không loại trừ sẽ có những "Tân Hoàng Minh", "FLC" hay "Trí Việt" khác...

Chúng ta đã mất khá nhiều do "phần cứng" và "phần mềm" của thị trường chứng khoán bị lỗi. Vốn hóa bốc hơi nhiều tỉ USD, Nhà nước hụt thu thuế, niềm tin của nhà đầu tư bị sứt mẻ... "Chỉnh đốn" chứng khoán, có quá nhiều việc phải làm, chỉnh doanh nghiệp niêm yết, kiểm toán..., đừng quên công ty chứng khoán.

Xung quanh việc kỷ luật loạt quan chức Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình, và cho rằng đây chính là cuộc 'đại phẫu' rất cần thiết để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.

Chia sẻ Facebook