Chim ô tác lớn biết tự dùng "thảo dược" để chữa bệnh cho mình
Nghiên cứu mới cho thấy trong chế độ ăn của chim ô tác lớn có chứa hai loài thực vật giúp loài chim này chống lại một số loại ký sinh trùng.
Các nhà nghiên cứu ở Madrid (Tây Ban Nha) đã nghiên cứu 619 mẫu chất thải của chim ô tác lớn và phát hiện rằng một số loài thực vật trong chế độ ăn uống của loài chim này có “tác dụng chống ký sinh trùng ”, theo đài CNN.
Ông Luis M. Bautista-Sopelana - nhà khoa học tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia Madrid và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết : “Chúng tôi thấy rằng những con chim ô tác lớn thích ăn thực vật chứa hợp chất hóa học có tác dụng chống ký sinh trùng ”.
Chim ô tác lớn là loài chim nặng nhất có khả năng bay, được tìm thấy ở châu Âu, châu Phi và châu Á. Đây cũng là loài được liệt kê vào danh mục loài dễ bị tổn thương trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Khoảng 70% số lượng chim ô tác lớn sống ở bán đảo Iberia.
Được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Ecology and Evolution hôm 23-11, nghiên cứu tiết lộ rằng những con chim ô tác lớn đã ăn rất nhiều cây anh túc ngô (Papaver rhoeas) và một loài cây khác có tên khoa học Echium plantagineum . Ở người, anh túc ngô đã được sử dụng vì các đặc tính an thần và giảm đau.
Thông qua phân tích chất chiết xuất, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cả hai loài cây trên đều có đặc tính chống ký sinh trùng. Theo đó, các loài cây này có tác dụng bảo vệ chim ô tác lớn khỏi ba loại ký sinh trùng phổ biến ở chim: động vật nguyên sinh Trichomonas gallinae, tuyến trùng Meloidogyne javanica và nấm Aspergillus niger.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chim ô tác lớn thường ăn những loại thực vật này trong mùa giao phối.
Ông Paul Rose - nhà động vật học, giảng viên về hành vi động vật tại Đại học Exeter (Anh) - cho biết phát hiện này cho thấy những con chim ô tác lớn có khả năng xác định điều gì tốt cho chúng vào một thời điểm nhất định và thay đổi hành vi kiếm ăn của chúng cho phù hợp.
“Chúng tôi thường tập trung nghiên cứu việc tự dùng thuốc ở các loài linh trưởng. Vì vậy, việc các nhà nghiên cứu tìm hiểu hành vi này ở các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng là điều tuyệt vời” - ông Rose nói.
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy tinh tinh bắt côn trùng và bôi chúng lên vết thương của mình, cũng như vết thương của những con khác. Đây được xem là một phương thức tự chữa trị trong loài linh trưởng. Trong khi đó, cá heo cũng có thói quen cọ xát vào một số loại san hô để bảo vệ da khỏi bị nhiễm trùng.