Chiêu trò 'thao túng tâm lý' của siêu thị để thay đổi quyết định mua hàng của bạn
Hơn 50% hàng tạp hóa được bán vì tính bốc đồng, và hơn 87% người mua sắm thực hiện hành vi mua sắm bốc đồng.
Bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ chỉ mua những gì bạn cần, khi bạn cần. Nhưng, cho dù bạn đang mua sắm thực phẩm, quần áo hay sản phẩm tiện ích, các nhà bán lẻ đang sử dụng sức mạnh của "sự thuyết phục tâm lý" để tác động đến quyết định của bạn, cũng nhu rút thêm tiền từ túi của bạn.
Hãy thử nghĩ lại, tôi cá là có nhiều lần bạn đã bước vào một cửa hàng tạp hóa chỉ để thấy bố cục của cửa hàng đã được thay đổi. Những cuộn giấy vệ sinh đã không còn ở nơi bạn mong đợi, hoặc bạn phải vật lộn để tìm ra chỗ để mới của chai tương cà chua.
Tại sao các cửa hàng thích di chuyển mọi thứ liên tục? Có một câu trả lời đơn giản cho việc này. Thay đổi vị trí của các mặt hàng trong cửa hàng có nghĩa là các khách hàng sẽ tiếp xúc với các mặt hàng khác nhau nhiều hơn, khi họ lang thang tìm kiếm những thứ mà họ cần. Mưu mẹo này thường có thể làm tăng đáng kể các khoản chi tiêu không có kế hoạch, vì chúng ta thường có thói quen lấy thêm các mặt hàng vào giỏ của mình - thường là do bốc đồng - trong khi đang dành nhiều thời gian hơn ở cửa hàng.
Và mặc dù phức tạp và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như nhu cầu kích thích và thiếu kiểm soát bản thân, người ta đã biết rằng các tín hiệu mua sắm bên ngoài - chẳng hạn như ưu đãi "mua một tặng một", giảm giá và các màn hình khuyến mại tại cửa hàng - cũng đóng một vai trò quan trọng.
Một lời đề nghị hấp dẫn có thể dẫn đến cảm giác thích thú và thời gian khuyến mại gấp rút sẽ khiến việc đưa ra quyết định mua hợp lý trở nên khó khăn hơn. Chúng ta dễ bị khuất phục bởi nhận thức về giá trị của việc “tiết kiệm” nếu chúng ta mua món hàng ở hiện tại, và bỏ qua các điều cân nhắc khác như có thực sự cần nó hay không.
Con người, về cơ bản khó có thể bỏ qua nhu cầu về việc làm bản thân hài lòng ngay lập tức.
Đóng gói cũng là một kỹ thuật khác mà các nhà bán lẻ hay sử dụng để kích thích việc mua hàng.
Bạn có thể đã nhìn thấy nó khá thường xuyên. Các sản phẩm bổ sung được đóng gói cùng nhau như một sản phẩm, với một mức giá, thường giảm giá đáng kể. Ví dụ, máy chơi game thường thường được bán cùng với hai hoặc ba trò chơi đi kèm. Hay các cửa hàng tạp hóa có các gói "ưu đãi bữa ăn" và thậm chí cả các trang web dành riêng cho nhiều loại ưu đãi mua theo gói.
Mặc dù các chiến lược này có thể giúp tăng lợi nhuận của các nhà bán lẻ, nhưng chúng cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề cho khách hàng của họ.
Bởi rõ ràng, việc mua hàng hấp tấp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người tiêu dùng. Nó vô tình làm tăng cảm giác xấu hổ và tội lỗi, do đó có thể dẫn đến lo lắng, căng thẳng và thậm chí trầm cảm. Và nó có khả năng còn nghiêm trọng hơn, khi việc mua hàng bốc đồng dẫn đến việc mua quá nhiều, đặc biệt nếu mọi người tiêu tiền mà họ không có.
Nhưng, cũng có một số mặt tích cực.
Mua sắm trực tuyến đã được phát hiện là làm tăng dopamine, vì nó được giải phóng vào não của chúng ta. Vì vậy, trong khi chờ đợi hàng đến tay, chúng ta có xu hướng cảm thấy hào hứng hơn là mua đồ trong cửa hàng.
Nếu cảm giác thú vị này được quản lý tốt, thì nó không có hại gì. Nhưng, đáng buồn thay, nó không phải lúc nào cũng dừng lại ở đó. Cảm giác thích thú thoáng qua đó đôi khi có thể dẫn đến chứng nghiện mua sắm. Điều này có thể xảy ra khi một người tiêu dùng muốn liên tục trải nghiệm cảm giác dễ chịu từ "tác dụng của dopamine", vì vậy họ có xu hướng mua ngày càng nhiều mặt hàng cho đến khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát.
Mặt khác, mua sắm có thể giúp khôi phục cảm giác kiểm soát của một người.
Khi cảm thấy không vui hoặc lo lắng, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng khi mua sắm cho phép chúng ta lựa chọn - đi đến cửa hàng nào hoặc liệu chúng ta có thích một món hàng hay không - nó có thể mang lại cảm giác kiểm soát cá nhân và giảm bớt sự lo lắng. Vì vậy, nó có thể là một hoạt động ý nghĩa hơn nhiều người nghĩ.
Mặc dù các nhà bán lẻ có thể không muốn giảm lượng mua sắm của chúng ta, nhưng nếu họ muốn, họ có thể giúp tạo ra các ảnh hưởng tích cực hơn đến quyết định mua hàng.
Ví dụ, yêu cầu bức thiết phải chống lại bệnh béo phì ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đó là lý do tại sao chính phủ Anh đã quyết định hạn chế quảng cáo thực phẩm không lành mạnh - những thực phẩm chứa nhiều đường tự do, muối và chất béo bão hòa - tại các cửa hàng từ tháng 10/2022.
Đó là một chiến lược có thể hữu ích. Loại bỏ những món ăn hấp dẫn tại khu thanh toán có thể giúp giảm lượng thực phẩm có đường được mua, và trong một số trường hợp lên tới 76%.
Và một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng bằng cách tăng tính sẵn có và quảng cáo các lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, cũng như làm cho chúng dễ thấy hơn thông qua định vị và sử dụng thông minh các biển báo, có thể khiến người mua hàng đưa ra các lựa chọn tốt hơn.
Cuối cùng, chìa khóa để chống lại việc mua các hàng hóa mà chúng ta không muốn hoặc không cần nằm ở chính bản thân chúng ta. Cần nhận thức được những gì chúng ta đang làm trong khi mua sắm. Một chiến lược cá nhân tốt là cố gắng duyệt các trang thương mại điện tử ít hơn, hoặc đi dạo trong cửa hàng ít hơn. Thay vào đó, sử dụng danh sách mua sắm và cố gắng chỉ mua những thứ có trên đó.
Nhưng đôi khi, hãy tử tế và tha thứ với chính mình nếu bạn vượt qua ranh giới. Vì nói, thì dễ hơn làm.
Tham khảo theconversation
Theo Bảo Nam