Chiêu trò của nhóm lừa bán thuốc trị nám giả trên mạng, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
Một công ty ở Hà Nội đã lừa đảo khách hàng bằng thủ đoạn bán thuốc trị nám giả mạo, hứa khi khách dùng không hiệu quả thì được hoàn tiền...
Nhóm quản lý và nhân viên của một công ty ở Hà Nội đã lừa đảo khách hàng bằng thủ đoạn bán thuốc trị nám giả mạo, khi khách dùng không hiệu quả thì được hoàn tiền. Khách phải đóng các khoản phí làm hồ sơ hoàn tiền, chuyển vào các tài khoản do nhóm này chỉ định rồi sau đó nhóm này chiếm đoạt.
Từ những manh mối nhỏ trên mạng xã hội được các nạn nhân cung cấp, cảnh sát đã bóc gỡ đường dây núp bóng doanh nghiệp bán thuốc trị nám để lừa đảo hàng nghìn nạn nhân khắp cả nước với số tiền khoảng 100 tỷ đồng.
Dính lừa vì tìm thuốc trị nám trên Facebook
Chia sẻ câu chuyện của mình, chị H. (SN 1988, trú tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết trên khuôn mặt của mình có nhiều vết nám nên mỗi lần tiếp xúc với người khác khiến chị không tự tin. Từ đó, chị lần mò trên Facebook để tìm hiểu, mua thuốc để bôi chữa trị.
Tháng 8/2022, chị H. tình cờ thấy fanpage “Bà Nhàn tặng ưu đãi trị nám Tết Quý Mão – Gọi 0919.880.330” bán thuốc trị nám nên đã liên hệ.
Qua trao đổi với chủ trang fanpage này, người bán cam kết nếu thuốc không có tác dụng sẽ hoàn lại tiền. Chị H. tin tưởng nên đã đặt mua 6 đơn sản phẩm trị nám với tổng trị giá 16 triệu đồng.
Đầu tháng 4/2023, chị H. nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên nơi chị đã mua hàng, hỏi về mức độ hiệu quả của sản phẩm. Khi chị H. phản hồi là thuốc không có tác dụng, nhân viên này cam kết hoàn tiền và hướng dẫn thủ tục để nhận lại.
Tin lời, chị H. chuyển các khoản phí làm hồ sơ qua nhiều số tài khoản khác nhau cho phía đơn vị xưng bán thuốc trị nám với tổng số tiền hơn 116 triệu đồng. Sau thời gian chờ đợi nhưng vẫn “bặt vô âm tín”, biết đã bị lừa, chị H. đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Qua xác minh ban đầu, Công an huyện Thạch Hà xác định đây là một tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp núp bóng doanh nghiệp, với số lượng bị hại lên đến hàng nghìn người. Riêng tại Hà Tĩnh có 5 nạn nhân bị công ty này lừa chiếm đoạt 500 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát xác định đứng sau đường dây này là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Khang Thịnh (gọi tắt là Công ty Khang Thịnh) do Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) làm tổng giám đốc.
Theo đó, tháng 11/2021, Khánh thành lập Công ty Khang Thịnh (tại tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) để kinh doanh thực phẩm chức năng chăm sóc sắc đẹp (trị nám, tàn nhang) với thương hiệu “Trị nám bà Nhàn”.
Để phát triển mạng lưới khắp toàn quốc, Khánh đã tuyển 7 phó tổng giám đốc công ty, trong đó có Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1997, trú tại Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An).
Từ cuối 2021 đến nay, Công ty Khang Thịnh “đẻ” ra 8 chi nhánh trên toàn quốc, mỗi chi nhánh có từ 10-15 người để tung hoành lừa đảo.
Nhóm lừa đảo sa lưới
Ngày 28/6, Công an huyện Thạch Hà phối hợp với các đơn vị liên quan huy động 80 người xuất phát trong đêm, kiểm tra đột xuất 2 địa điểm làm việc của Công ty Khang Thịnh tại Hà Nội.
Khi bắt giữ và khám xét tại công ty, lực lượng chức năng đã triệu tập làm việc với 35 người, thu giữ 105 điện thoại, 42 máy tính, phong tỏa 16 tài khoản ngân hàng và thu nhiều tang vật khác có liên quan.
Tại cơ quan công an, những người này thừa nhận từ đầu năm 2022 đến nay đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn nạn nhân trên cả nước, trong đó có nạn nhân tại huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Số tiền chiếm đoạt được ước tính hơn 100 tỷ đồng.
Hiện, đã có 16 người bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm:
Ngô Duy Khánh (SN 1993), Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1993), Trần Văn Lộc (SN 1993, cùng trú tỉnh Thái Nguyên);
Vũ Nhật Nam (SN 2002), Nguyễn Tiến Bùi (SN 1989), Nguyễn Xuân Bắc (SN 2000), Nguyễn Thị Hồng Thu (SN 1998), Nguyễn Đức Toàn (SN 2000, cùng trú tỉnh Nam Định);
Nguyễn Lan Anh (SN 1997, trú Hà Nội);
Thiều Thu Thảo (SN 2000), Nguyễn Phi Hùng (SN 2003, cùng trú tỉnh Phú Thọ);
Phạm Thị Mến (SN 1996, trú tỉnh Lào Cai);
Nguyễn Thị Kim Chi (SN 2001, trú tỉnh Nghệ An);
Trương Thị Xuân (SN 2003, trú tỉnh Tuyên Quang);
Hoàng Đức Tuấn (SN 2000) và Nguyễn Minh Tuấn (SN 2003, cùng trú TP. Hải Phòng).
Hiện vụ án đang được Công an huyện Thạch Hà tiếp tục điều tra mở rộng.
Ngọc Mai
Công ty CP Mỹ Hạnh bị điều tra dấu hiệu lừa đảo qua hình thức góp vốn trồng sâm Những người góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh, 80% là cán bộ nghỉ hưu, người già, có người còn bán nhà để đầu tư vào công ty này.