‘Chiến tranh Lạnh mới’: ĐCSTQ đặt căn cứ gián điệp tại Cuba, Mỹ chuyển drone cho Đài Loan

Chia sẻ Facebook
09/06/2023 10:28:34

Trung Quốc chuẩn bị xây dựng một căn cứ gián điệp tại Cuba, trong khi Mỹ đang tìm cách chuyển drone cho Đài Loan.

Chế độ cộng sản Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị xây dựng một căn cứ gián điệp tại Cuba, trong khi Mỹ đang tìm cách chuyển máy bay không người lái (drone) và triển khai hoạt động chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực cho Đài Loan. Một nhà lập pháp Mỹ đã gọi tình huống này là “Chiến tranh Lạnh mới”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền ở nhà nước Trung Quốc độc đảng đã đang đạt được một thỏa thuận bí mật với chế độ cộng sản Cuba về việc thành lập một căn cứ gián điệp tại đảo quốc vùng Caribe này.


Theo như Wall Street Journal (WSJ) đưa tin dẫn theo các nguồn tin ẩn danh, căn cứ gián điệp sẽ được giới chức cộng sản sử dụng và có thể bao gồm các hoạt động như nghe lén các cuộc gọi, email và thông tin liên lạc vệ tinh của Mỹ.

Cơ sở gián điệp được đề xuất đó sẽ được xây dựng cách bờ biển tiểu bang Florida, Mỹ khoảng 100 dặm, có khả năng cho phép chế độ Trung Quốc thu thập trái phép thông tin liên lạc điện tử từ một vùng rộng lớn của miền đông nam nước Mỹ, gồm cả thông tin liên lạc của các tàu thuyền đi qua đây và các cơ sở quân sự.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trực tiếp tuyên bố về những cáo buộc do WJS đưa ra, nhưng đã nói với The Epoch Times qua email rằng bộ đang giám sát và làm việc để ứng phó với nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở Tây Bán cầu.

Vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong email gửi The Epoch Times: “Chúng tôi không thể nói về bài báo cụ thể này, chúng tôi biết rõ và đã từng nhiều lần nói về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng khắp thế giới trong đó có ở Tây Bán cầu này mà có thể có các mục đích quân sự”.

“Chúng tôi giám sát chặt chẽ, tiến hành các bước đi để ứng phó với điều đó, và vẫn tự tin rằng chúng tôi có thể đáp ứng tất cả những cam kết an ninh quốc gia của chúng ta tại quê nhà, trong khu vực và khắp thế giới”, vị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.

WJS trích dẫn các quan chức giấu tên nói rằng ĐCSTQ đã đồng ý trả hàng tỷ USD cho Cuba để có được cơ hội xây dựng căn cứ gián điệp ở quốc đảo Caribe, nằm ngay phía sau Mỹ.

Động thái này của chế độ cộng sản Trung Quốc là thách thức trực tiếp đến an ninh của Mỹ và làm gợi lại cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Vào thời điểm đó, Liên Xô đã triển khai tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba. Mỹ đáp trả bằng việc cô lập quốc đảo này.

Cuộc khủng hoảng đó được biết đến rộng rãi là sự kiện khả năng cao nhất có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, hai nước cuối cùng đã xuống thang. Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba và Mỹ cũng rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ lần đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba là năm 1961 và chưa nối lại. Chính quyền Obama năm 2015 đã loại bỏ Cuba khỏi danh sách Nhà nước Tài trợ khủng bố.

Mỹ sẽ chuyển drone và chia sẻ tình báo với Đài Loan

Khi ĐCSTQ xúc tiến gián điệp trực tiếp nội địa Mỹ, thì Washington đang tìm cách đặt khí tài an ninh mới tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.


Mỹ dự kiến sẽ chuyển 4 drone tới Đài Loan, theo Financial Times đưa tin và sẽ thúc đẩy một hoạt động chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực với quốc đảo dân chủ.

Nhà thầu quốc phòng General Atomics sẽ chuyển 4 drone MQ-9B SeaGuardian tới Đài Loan trong năm 2025. Kết hợp với chương trình chia sẻ thông tin tình báo, năng lực đó sẽ cải thiện đáng kể khả năng của Đài Loan trong việc xác định vị trí, theo dõi và phá hủy các tàu của kẻ thù trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.

Lực lượng vũ trang của Đài Loan sẽ được đào tạo cách sử dụng hệ thống khí tài quân sự đó cùng với lực lượng của Mỹ và Nhật Bản.

Năng lực đó cũng giúp Đài Loan có được sự thấu hiểu độc nhất về những màn diễn tập quân sự của ĐCSTQ quanh hòn đảo và khắp chuỗi đảo đầu tiên, trải dài từ bắc tới nam và chia tách Trung Quốc với Thái Bình Dương.

ĐCSTQ coi việc tích hợp trực tiếp Đài Loan với các khả năng của Mỹ và đồng minh là động thái leo thang căng thẳng và Bắc Kinh có thể trả đũa bằng các biện pháp kinh tế và ngoại giao chống lại Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản.

ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh khó bảo của Trung Quốc, cho dù chế độ cộng sản này chưa từng kiểm soát hòn đảo. Các lãnh đạo ĐCSTQ đã cam kết sẽ thống nhất hòn đảo Đài Loan vào đại lục bằng tất cả biện pháp cần thiết, và đã đang trực tiếp đe dọa chiến tranh để đạt được mục tiêu này.

Trong khi đó, Đài Loan luôn tự hào về một chính phủ dân chủ mạnh mẽ và một nền kinh tế thị trường thịnh vượng.

Mỹ chính thức thừa nhận lập trường của ĐCSTQ nhưng không bảo chứng lập trường đó. Thay vào đó, Mỹ chỉ duy trì các mối quan hệ không chính thức với Đài Loan, nhưng đồng thời bảo vệ Đạo luật Quan hệ Đài Loan 1979, trong đó đảm bảo Washington sẽ cung cấp cho Đài Bắc các loại vũ khí mà hòn đảo cần để tự vệ.

Mỹ đã đang xúc tiến thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan trong những năm gần đây, và đã điều động một số lượng binh lính giới hạn tới hòn đảo để huấn luyện cho lực lượng vũ trang địa phương, đồng thời với việc ĐCSTQ gia tăng nỗ lực bắt nạt quân sự Đài Loan.

Tổng thống Biden tìm cách đối thoại với ĐCSTQ

Mặc dù ĐCSTQ đương nhiên sẽ phản đối Mỹ cung cấp drone mới cho Đài Loan, nhưng không rõ cách chính quyền Biden sẽ phản ứng ra sao với những diễn tiến về việc Bắc Kinh đặt căn cứ gián điệp tại Cuba.

Chính quyền Biden gần đây đã triển khai chiến dịch dính líu với ĐCSTQ về ngoại giao và không ngừng tìm cách trao đổi với chế độ cộng sản này, ngay cả khi sự hung hăng của ĐCSTQ với Mỹ ngày càng tăng lên. ĐCSTQ đã đang cắt đứt hoàn toàn các liên lạc quân đội song phương với Mỹ.

Giám đốc CIA Mỹ William Burns tháng trước đã bí mật tới Bắc Kinh để nỗ lực đối thoại với chế độ cộng sản. Chính quyền Biden cũng đã cử ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng về các công việc Đông Á và Thái Bình Dương tới Bắc Kinh vào ngày 4/6, đúng dịp kỷ niệm Thảm sát Quảng Trường Thiên An Môn 1989. Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn về ĐCSTQ của Hạ viện Mỹ, Dân biểu Mike Gallagher (Đảng Cộng hòa, Wisconsin) đã lên án chuyến công du của ông Daniel Kritenbrink tới Trung Quốc là “sự xúc phạm” và là nỗi sỉ nhục đối với các nạn nhân của chế độ cộng sản Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là cũng sẽ sớm đến Trung Quốc, hoàn thành chuyến công du vốn là ưu tiên của chính quyền Biden nhưng đã bị tạm hoãn hồi tháng Hai sau khi Mỹ bắn rụng khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay vào lãnh thổ Mỹ.

The Epoch Times cho biết họ đã liên lạc yêu cầu Nhà Trắng bình luận về các thông tin nêu trên, nhưng chưa nhận được phản hồi.


Xuân Thành (Theo The Epoch Times )

Đài Loan kích hoạt phòng thủ khi máy bay Trung Quốc vào khu vực

Đài Loan đã kích hoạt các hệ thống phòng thủ của mình sau báo cáo có 37 máy bay quân sự Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không của họ.

Chia sẻ Facebook