Chiến thắng nữa cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Ông Zelensky đã thành công khiến Tổng thống Mỹ "mủi lòng" cung cấp chiến đấu cơ hiện đại F-16 và giành được sự ủng hộ “không gì lay chuyển nổi” từ phương Tây.
Triển vọng cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho quốc gia đang chìm trong giao tranh – cũng như hoạt động tích cực của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại diễn đàn quốc tế – sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cuộc xung đột.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, đã dẫn đến một bước chuyển đáng kể liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Quyết định của chính phủ Mỹ – sau nhiều tháng lưỡng lự – cho phép chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine mở ra một khía cạnh quân sự mới cho cuộc xung đột.
Tất nhiên, hiệu quả sẽ không được thấy ngay lập tức, vì phải mất nhiều tháng trước khi công tác huấn luyện và việc chuyển giao tiêm kích mới có thể được thực hiện. Tuy nhiên, rõ ràng là khi những chiếc máy bay phản lực này sẵn sàng đi vào thực chiến, Kiev sẽ có một sự thúc đẩy lớn.
Phản ứng trước thông tin trên, Moscow cảnh báo rằng biện pháp này kéo theo “những rủi ro to lớn” đối với các nước phương Tây.
“Chúng tôi thấy rằng các nước phương Tây vẫn đang tuân theo kịch bản leo thang. Nó kéo theo những rủi ro to lớn cho chính họ”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết hôm 21/5.
“Trong mọi trường hợp, điều này sẽ được tính đến trong tất cả các kế hoạch của chúng tôi, và chúng tôi có tất cả các phương tiện cần thiết để đạt được các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra”, ông Grushko được hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời cho biết.
M ột “ kết quả tuyệt vời”
Nhiều tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến trước hội nghị này, Washington đã từ chối mọi yêu cầu của Kiev liên quan đến F-16, giống như họ đã làm với hệ thống tên lửa HIMARS, Patriot hoặc xe tăng phương Tây.
Nhưng giờ đây, có vẻ như Tổng thống Mỹ Joe Biden – người từng lo ngại về khả năng những chiếc chiến đấu cơ hiện đại nói trên được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên đất Nga – cuối cùng đã mủi lòng.
Hôm 19/5, ông Biden đã công khai bày tỏ ủng hộ sáng kiến quốc tế về bắt đầu đào tạo phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ phương Tây. Hôm 20/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã làm sáng tỏ mọi nghi ngờ về vấn đề này: “Khi quá trình huấn luyện diễn ra trong những tháng tới, chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình để xác định khi nào máy bay sẽ được chuyển giao, ai sẽ giao chúng, và số lượng bao nhiêu”.
Washington khẳng định chiến đấu cơ là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm hỗ trợ Ukraine “theo cách tránh Thế chiến III”.
Hôm 21/5, ông Biden cho biết ông đã nhận được “sự đảm bảo chắc chắn” từ Tổng thống Zelensky rằng máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp sẽ không được dùng để xâm nhập vào lãnh thổ Nga. Ông chủ Nhà Trắng nói với các phóng viên ở Hiroshima sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh rằng, F-16 có thể được sử dụng ở bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Ukraine mà quân đội Nga hiện diện.
Ông Biden cho rằng “rất khó có khả năng” các máy bay này sẽ được sử dụng trong bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine trong những tuần tới, nhưng quân đội Ukraine có thể cần những vũ khí như vậy để tự vệ trước các lực lượng Nga.
Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận các máy bay phản lực sẽ không giúp ích gì ngay lập tức, nhưng ca ngợi quyết định này là “một kết quả tuyệt vời”.
F-16 không phải là mẫu chiến đấu cơ tiên tiến nhất mà Mỹ sản xuất, nhưng rõ ràng chúng vượt trội so với Mig-29 và Su-27 của Ukraine. Mặt khác, Nga đang sử dụng Su-35 – mẫu máy bay kém hơn F-16, nhưng tốt hơn những chiếc mà Ukraine hiện có.
Sự ủng hộ “ không gì lay chuyển nổi”
Tin tức về F-16 không phải là vấn đề duy nhất mà Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima mang lại. Hội nghị cũng đánh dấu một bước nhảy vọt về ngoại giao.
Sau một thời gian dài không rời khỏi đất nước mình, ông Zelensky đã tiến hành một loạt các cuộc gặp song phương và đa phương, tạo nên sự hiện diện sôi nổi tại các diễn đàn toàn cầu.
Trước đó, ông Zelensky đã lên kế hoạch dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 trực tuyến, nhưng cuối cùng đã bất ngờ xuất hiện ở Hiroshima sau bước đột phá lớn về vấn đề viện trợ vũ khí phương Tây.
Ngoài 7 quốc gia thành viên, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay còn mở rộng lời mời tới các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Việt Nam, Australia và Hàn Quốc, và một số quốc gia khác. Và, trước khi xuất hiện ở Nhật Bản, Tổng thống Ukraine hôm 19/5 đã dừng chân ở Ả Rập Xê-út để phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập.
Để so sánh, hiện nay Tổng thống Nga Vladimir Putin có phạm vi hoạt động hạn chế hơn so với ông Zelensky khi nói đến chiến trường ngoại giao cá nhân – một sự khác biệt lớn giữa lãnh đạo của hai bên trong cuộc xung đột trực diện Nga-Ukraine.
Ngoài các cuộc thảo luận về quân sự và ngoại giao, còn có một yếu tố thứ 3 tại Thượng đỉnh G7 có thể làm xói mòn thêm năng lực của Nga: G7 đang lên kế hoạch hạn chế hơn nữa các mặt hàng xuất khẩu chiến lược quan trọng sang gã khổng lồ Á-Âu – điều có thể cản trở khả năng hoạt động của máy móc công nghiệp.
Họ cũng sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực kim cương – một ngành kinh doanh béo bở đối với Nga. G7 hiện đang cảnh báo các bên thứ ba rằng việc cung cấp hỗ trợ vật chất cho hành động gây hấn của Nga sẽ dẫn đến hậu quả.
Mặc dù những biện pháp này không thể hiện một “đòn chí tử” đối với Điện Kremlin, nhưng chúng gửi đi một thông điệp rằng “vòng kim cô” đang siết chặt quanh chế độ của ông Putin. Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho Kiev là bền vững – thậm chí có thể nói là “không gì lay chuyển nổi”.
Ngoại giao song phương
Cùng với việc giành được sự ủng hộ từ các đồng minh, chuyến thăm đã tạo cho Tổng thống Zelensky một cơ hội hiếm có để lấy lòng một số quốc gia đã rất ít hoặc không lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.
Sau khi hạ cánh xuống Hiroshima trên chuyên cơ của Chính phủ Pháp, ông Zelensky ngay lập tức bắt đầu một loạt cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng những người khác.
Sự hiện diện của ông Modi và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva có liên quan đến sự tham dự của ông Zelensky.
Delhi vốn có quan hệ chặt chẽ với Moscow. Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc (LHQ) liên quan đến chiến dịch của Nga ở Ukraine, trong khi ông Modi đã mở rộng quan hệ thương mại với ông Putin trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị về Ukraine.
Tuy nhiên, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7, ông Modi đã tiếp ông Zelensky với sự nồng hậu. Ông nói với nhà lãnh đạo Ukraine: “Tôi hiểu rất rõ nỗi đau của ngài và nỗi đau của người dân Ukraine. Tôi có thể đảm bảo với ngài rằng để giải quyết vấn đề này, Ấn Độ và cá nhân tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể”.
Trong khi đó, Brazil – vốn đã bỏ phiếu lên án Nga tại LHQ – đang thúc đẩy một sáng kiến hòa bình gây nhiều hoài nghi đối với người phương Tây. Bên lề hội nghị tại Nhật Bản đã không diễn ra cuộc gặp song phương nào giữa ông Lula da Silva và ông Zelensky.
Khi nói đến vấn đề trung gian hòa giải, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các nỗ lực kiến tạo hòa bình, với việc Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến công du tới nhiều thủ đô châu Âu, bao gồm Kiev, Warsaw, Berlin, Paris và Brussels, và dự kiến sẽ kết thúc chuyến đi tại Moscow.
Trong thông cáo cuối cùng sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh, các thành viên G7 yêu cầu Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy Nga rút quân. Bản thân Tổng thống Zelensky cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình 10 điểm của mình, tập trung vào yêu cầu quân Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine.
Thủ tướng Đức Scholz cho biết thông điệp từ Ukraine và các đồng minh rất rõ ràng: “Nga phải rút quân”.
Bất kỳ kế hoạch hòa bình nào “không thể chỉ đơn giản là gắn liền với việc đóng băng xung đột”, Thủ tướng Đức nói. “Nga không nên đặt cược rằng nếu họ cầm cự đủ lâu thì cuối cùng sẽ làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraine”.
Tóm lại, Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản nhằm chứng minh rằng các cường quốc phương Tây hoàn toàn không mệt mỏi trong việc hỗ trợ Ukraine. EU đã vượt qua thành công nguy cơ khủng hoảng năng lượng, trong khi nền kinh tế của khu vực không bị thiệt hại nhiều như dự kiến vì cuộc xung đột, và hậu quả là lạm phát bùng phát.
Và giờ đây, hỗ trợ quân sự sắp được tăng cường với những khoản chi lớn, mặc dù G7 khẳng định đã phân bổ đủ ngân sách hỗ trợ cho Ukraine trong thời gian còn lại của năm 2023 và sang năm 2024 .
Minh Đức (Theo El Pais, France24, Reuters)