Chiến thắng cho Trung Quốc và Nga sau quyết định lịch sử của BRICS

Chia sẻ Facebook
26/08/2023 11:42:27

Việc BRICS mở rộng sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục hy vọng xây dựng một trật tự mới, và là một cơ hội to lớn cho Nga trong thời điểm bị cô lập hiện nay.


Khối các nước BRICS đã đồng ý bổ sung thêm 6 thành viên mới, trong nỗ lực nhằm định hình lại trật tự thế giới toàn cầu và tạo đối trọng với Mỹ và các đồng minh.


Sức mạnh kinh tế và chính trị của BRICS sẽ được tăng cường sau khi 6 quốc gia, bao gồm Iran, Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Ethiopia, Argentina và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), trở thành thành viên đầy đủ vào tháng 1/2024.


Đây là lần mở rộng đầu tiên của khối này kể từ năm 2010, khi Nam Phi được bổ sung vào với 4 thành viên ban đầu: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.


Việc mở rộng được công bố vào sáng hôm 24/8 khi Hội nghị Thượng đỉnh BRICS bế mạc ở Johannesburg. Điều đó có nghĩa là BRICS sẽ đại diện cho 47% dân số thế giới và 36% nền kinh tế toàn cầu, theo Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva.


Quyết định lịch sử


Các nhà lãnh đạo BRICS đã thận trọng khẳng định khối này không phải là một tổ chức chống phương Tây. Nhưng chính các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn nhắm vào Moscow kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine 18 tháng trước, đã đoàn kết các thành viên của khối này.


“Chúng tôi bày tỏ quan ngại về việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương, không phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và gây ra những tác động tiêu cực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển”, các nhà lãnh đạo BRICS cho biết trong một tuyên bố chung.

Từ trái sang: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (đại diện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin) tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, ngày 24/8/2023. Ảnh: Getty Images


Các thành viên BRICS cũng đoàn kết với nhau bởi mong muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu, mặc dù họ vẫn đang xem xét cách thực hiện điều đó.


Các nhà lãnh đạo BRICS nhất trí yêu cầu các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của họ nghiên cứu vấn đề này – điều cuối cùng có thể dẫn đến việc sử dụng đồng tiền chung của BRICS cho thương mại nội bộ.


BRICS, nơi Trung Quốc là nền kinh tế dẫn đầu, đang nổi lên như một đối thủ lớn của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất (G7) do phương Tây dẫn dắt. Trong khi G7 sẽ tiếp tục duy trì tỉ trọng lớn trong GDP toàn cầu, khối BRICS sau khi mở rộng sẽ vượt trội đáng kể so với G7 khi các nền kinh tế được đo lường trên cơ sở GDP theo sức mua tương đương (PPP).


“Quyết định mở rộng thành viên này mang tính lịch sử”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu sau thông báo. “Nó thể hiện quyết tâm của các nước BRICS về sự thống nhất và hợp tác với các nước đang phát triển rộng lớn hơn”.


Ông Tập là người ủng hộ nhiệt tình việc kết nạp các thành viên mới, gợi ý rằng việc mở rộng BRICS là một cách để Nam Bán cầu có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề thế giới.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng đây là một ví dụ cho các tổ chức toàn cầu khác được thành lập vào thế kỷ 20 vốn đã trở nên lỗi thời.


“Việc mở rộng và hiện đại hóa BRICS là thông điệp rằng tất cả các thể chế trên thế giới cần phải tự điều chỉnh theo thời đại thay đổi”, ông Modi nói.


Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi phát biểu trực tuyến tới hội nghị, đã cảm ơn “khả năng ngoại giao độc đáo” của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lưu ý rằng các cuộc đàm phán về tất cả các vấn đề, bao gồm việc mở rộng BRICS, là “công việc đầy thách thức”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi ngang qua chỗ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang ngồi, tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, ngày 24/8/2023. Ảnh: KSAT


Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc mở rộng sẽ nâng cao đáng kể ảnh hưởng BRICS trên trường toàn cầu như thế nào. Điều đó có thể sẽ phụ thuộc vào khả năng hiệp đồng hành động của họ, theo các nhà phân tích.


“Không hoàn toàn rõ ràng những gì các thành viên mới nhất của BRICS sẽ phải đạt được từ tư cách thành viên của họ trong khối”, bà Margaret Myers, Giám đốc Chương trình Châu Á và Châu Mỹ Latinh tại tổ chức Đối thoại Liên Mỹ. “Ít nhất vào thời điểm hiện tại, động thái này mang tính biểu tượng hơn bất cứ điều gì – đó là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ trên diện rộng của Nam Bán cầu đối với việc điều chỉnh lại trật tự toàn cầu”.


Một chiến thắng


Trong tuyên bố chung của mình, BRICS không đưa ra gợi ý nào về lý do chọn 6 thành viên mới nói trên, nhưng hầu hết là các quốc gia đang mong muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Trung Đông hoặc vùng Sừng châu Phi.


“Đó là sự hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia có quan điểm khác nhau nhưng có tầm nhìn chung vì một thế giới tốt đẹp hơn”, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa, người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này, cho biết.


Bất chấp sự đa dạng của mình, BRICS sau khi được mở rộng sẽ có ảnh hưởng kinh tế “đáng gờm” hơn, với 6 trong số 10 quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới là thành viên. Điều này sẽ giúp các thành viên như Nga và Trung Quốc dễ dàng chống chọi hơn với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây trong tương lai.


“Đối với Trung Quốc và Nga, đây là một chiến thắng. Bắc Kinh và Moscow đã thúc đẩy điều này hơn 5 năm nay”, ông Ryan Berg, người đứng đầu Chương trình Châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.


“Đối với Trung Quốc, nó cho phép họ tiếp tục xây dựng những gì họ hy vọng là một trật tự lấy Bắc Kinh làm trung tâm. Đối với Nga, nước sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên của BRICS vào năm tới, họ coi đây là một cơ hội to lớn trong thời điểm bị cô lập đáng kể hiện nay”, vị chuyên gia nhận định.


Ngoài việc ứng phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, BRICS cũng mang lại một động lực khác cho Nga khi khối này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Phương Tây đã chặn một số ngân hàng Nga truy cập vào hệ thống SWIFT vào năm ngoái, ngay sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Đòn trừng phạt này khiến thương mại của Nga trở nên khó khăn hơn.


Trong tuyên bố chung hôm 24/8, các nhà lãnh đạo BRICS cho biết họ đã đồng ý hợp tác về các công cụ thanh toán để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên và các nước đang phát triển khác.


“Chúng tôi lo ngại rằng hệ thống tài chính và thanh toán toàn cầu đang ngày càng được sử dụng làm công cụ tranh chấp địa chính trị”, ông Ramaphosa nói trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 23/8 – ám chỉ rõ ràng đến việc cấm một số ngân hàng Nga tham gia SWIFT.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe các lãnh đạo BRICS phát biểu thông qua liên kết video tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, ngày 23/8/2023. Ảnh: Sputnik


Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS hôm 24/8, đã không trực tiếp đề cập đến thông báo mở rộng BRICS nhưng bày tỏ lo ngại về “sự phân mảnh” của thế giới.


Ông Guterres – tham dự hội nghị với tư cách khách mời – kêu gọi hợp tác toàn cầu lớn hơn để cải cách và củng cố các thể chế đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).


“Chúng ta không thể chịu đựng được một thế giới có nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu bị chia rẽ, với các chiến lược công nghệ khác nhau, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và các khuôn khổ an ninh xung đột nhau”, ông Guterres nói. “Trong một thế giới đang rạn nứt với những cuộc khủng hoảng tràn ngập, đơn giản là không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác” .


Minh Đức (Theo The Guardian, The Globe and Mail)

Chia sẻ Facebook