Chiến sự Ukraine và cột mốc 9-5

Chia sẻ Facebook
09/04/2022 11:59:31

Cả Ukraine và phương Tây đều tin rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ còn kéo dài, bất chấp Điện Kremlin vừa lên tiếng thừa nhận thiệt hại nhân mạng, kinh tế to lớn và nêu khả năng chiến dịch quân sự có thể kết thúc trong "những ngày tới".

Nguồn: Viện nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) - Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: TẤN ĐẠT


"Chiến dịch quân sự đặc biệt" mà Tổng thống Vladimir Putin phát động đã bước sang tuần thứ 7 và đang dần chuyển từ mục tiêu "phi phát xít hóa", giải giáp quân đội Ukraine sang củng cố và mở rộng vùng kiểm soát của phe ly khai miền đông. Ngay lúc này, nhiều ý kiến tin rằng sẽ có một cột mốc nào đó xảy ra vào dịp 9-5, ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít của nước Nga.


Quân đội chúng tôi đang cố gắng hết sức để kết thúc chiến dịch đó. Chúng tôi rất hy vọng trong những ngày tới, trong thời gian tới, chiến dịch sẽ đạt mục tiêu hoặc sẽ kết thúc bằng các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin DMITRY PESKOV trả lời Đài Sky News vào hôm 7-4.


Giai đoạn mới của cuộc chiến

Các cuộc tấn công của Nga vào những thành phố phía đông và đông nam Ukraine vẫn tiếp diễn trong ngày 8-4 như chưa từng có sự kiện Nga bị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và sau đó tuyên bố rút khỏi cơ quan này.

Donbas - khu vực gồm hai vùng Donetsk và Lugansk mà phe ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát một phần - đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2 của chiến dịch.

Các lực lượng Nga đã hoàn tất việc rút quân khỏi miền bắc Ukraine và trở về Belarus, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo vào ngày 8-4. Không loại trừ khả năng một phần lực lượng trong số đó sẽ được tái triển khai về phía đông để chiến đấu ở Donbas. Việc này có thể mất ít nhất một tuần vì nhiều đơn vị đã chịu thiệt hại "đáng kể" trong giai đoạn 1 tiến đánh Kiev và các khu vực xung quanh.

"Chúng tôi tin rằng ngày 9-5 là một ngày quan trọng đối với Điện Kremlin", quan chức phương Tây giấu tên nêu nhận định, đồng thời cảnh báo Nga có thể điều chỉnh chiến thuật quân sự để phục vụ các mục tiêu chính trị trong nước nhân ngày kỷ niệm 9-5.

Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng ám chỉ rằng ngày 9-5 sẽ tác động đến việc Nga xác định các mục tiêu ở Ukraine. "9-5 là ngày lễ quốc gia đối với Nga, một sự kiện quân sự quan trọng và gần như chắc chắn, với Tổng thống Vladimir Putin, ngày 9-5 phải là ngày chiến thắng", ông Macron nói.

Tuy nhiên, ông Vasily Kashin, một chuyên gia địa chính trị tại Trường Kinh tế cao cấp Matxcơva (Nga), cho rằng ngày 9-5 "không đóng vai trò gì" trong việc hoạch định kế hoạch quân sự của Nga. "Đây là một cuộc chiến khó khăn, lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945", ông Kashin nói với AFP và tin rằng giới lãnh đạo Nga sẽ không mạo hiểm với một chiến dịch quân sự không được lên kế hoạch kỹ lưỡng chỉ để tìm kiếm thành tích trước ngày 9-5.

Trong khi việc chiếm toàn bộ Donbas trước ngày 9-5 dường như là một nhiệm vụ khó khăn, Nga có thể hy vọng sẽ giành được toàn quyền kiểm soát thành phố cảng Mariupol và tuyên bố đây là một chiến thắng.


Phương Tây chuẩn bị dài hơi

Các nước Liên minh châu Âu dự kiến sẽ chính thức thông qua lệnh cấm nhập khẩu than của Nga theo từng giai đoạn và các biện pháp khác trong ngày 8-4, đánh dấu đợt trừng phạt thứ năm kể từ khi Matxcơva đưa quân vào Ukraine.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trước đó thừa nhận nền kinh tế đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong 3 thập niên qua và sẽ cần "ít nhất nửa năm để tái thiết".

Theo tính toán của các chuyên gia, những tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ bắt đầu được cảm nhận ở Nga trong vòng 3 hoặc 4 tháng nữa. Điều đó đồng nghĩa chiến sự tại Ukraine có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian này. Đây cũng là điều nằm trong dự tính của Kiev lẫn các nhà lãnh đạo phương Tây.

"Rất tiếc cuộc chiến này sẽ không dừng lại trong những ngày tới", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Đài RTL trong cuộc phỏng vấn ngày 8-4 và tin rằng sẽ có rất ít "nhượng bộ ngoại giao" từ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai gần. Ông Macron, cũng giống như một số lãnh đạo châu Âu khác, tin rằng Nga sẽ "tập trung toàn lực cho Donbas" và tình hình sẽ rất khó khăn cho Ukraine trong những tuần sắp tới.

Kiev đang chuẩn bị cho giai đoạn khốc liệt mới tại miền đông. Đáp lại lời kêu gọi "vũ khí, vũ khí và vũ khí" của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, các nước NATO nhất trí sẽ gởi thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraine. Một quan chức phương Tây tiết lộ Kiev gần như đang trong trạng thái "khát" vũ khí, phản ánh thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến.

Mỹ và đồng minh đang cố gắng cân bằng giữa yêu cầu của Ukraine và xác định những gì các nước này sẵn sàng cung cấp. Washington đang tìm kiếm các đối tác có thể chuyển các hệ thống phòng không tầm xa, đồng thời được cho là đang đẩy nhanh quá trình sản xuất tên lửa chống tăng và phòng không có thể cung cấp cho Ukraine.


NATO chuyển gấp vũ khí cho Ukraine?

Các nguồn tin của tờ Politico phiên bản châu Âu tiết lộ phương Tây đang lùng sục xe tăng và tên lửa phòng không chống tăng các loại trong kho dự trữ trước nhu cầu ngày càng nhiều từ Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ám chỉ việc sẽ chuyển gấp thêm nhiều vũ khí cho Ukraine sau khi các nước "hiểu được tình huống khẩn cấp". Các vũ khí này bao gồm cả những khí tài hiện đại và các loại có từ thời Liên Xô (cũ) vốn quen thuộc với quân đội Ukraine.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ukraine đã đưa ra các điều khoản đàm phán mới khác biệt với những điều khoản quan trọng mà hai bên đã thống nhất trong cuộc gặp ngày 29-3. Phía Ukraine lập tức phản pháo phát ngôn của ông Lavrov.

Chia sẻ Facebook