Chiến sự Nga - Ukraine: Rủi ro "thảm họa hạt nhân" treo lơ lửng
Giao tranh Nga - Ukraine tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sai sót có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu.
Tổng thống Ukraine: Thế giới vừa thoát thảm họa hạt nhân “trong gang tấc”
Zaporizhzhia hiện là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nga đã chiếm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia từ hồi tháng 3/2022, tuy nhiên, gần đây giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine đã gia tăng xung quanh khu vực này, làm dấy lên lo ngại về một “thảm họa hạt nhân” thể xảy ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã tuyên bố, thế giới suýt rơi vào một thảm họa hạt nhân hôm 25/8, khi tuyến đường điện cuối cùng để cung cấp điện cho nhà máy Zaporizhzhia bị ngắt, nhưng đã được khôi phục sau vài giờ.
Ông Zelensky đổ lỗi cho các cuộc pháo kích của Nga gây ra hỏa hoạn ở một nhà máy điện than gần đó, khiến đường điện cung cấp cho một tổ hợp hạt nhân bị ngắt kết nối. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, nhưng các kỹ sư Ukraine tiếp tục vận hành. Ông Zelensky cho biết, các máy phát điện dự phòng chạy bằng diesel đã được sử dụng để giữ an toàn cho nhà máy. “Nếu các nhân viên của chúng tôi không phản ứng sau khi mất điện, chúng ta đã phải rơi vào tình trạng phải giải quyết những hậu quả của một sự cố hạt nhân. Ukraine và tất cả châu Âu bị đẩy vào tình huống chỉ cách thảm họa hạt nhân một bước”, ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng, các quan chức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cần được tiếp cận địa điểm trong vài ngày tới, “trước khi tình hình đến mức không thể quay lại”.
Về phần mình, Hội đồng Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) ngày 25/8 đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. "Những người nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya nên nhận thức rõ rằng đây có thể là một tai nạn trên quy mô hành tinh chứ không phải chỉ ở Ukraine hay châu Âu. Chúng ta phải làm mọi thứ để giải thích cho những người này hiểu và buộc họ tuân thủ tất cả các biện pháp an ninh", lãnh đạo đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov nói.
Trong khi đó, các chuyên gia hạt nhân cảnh báo nguy cơ hỏng các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng của nhà máy hoặc lò phản ứng. Nguồn điện bị ngắt sẽ khiến nhiên liệu không được làm mát, gây ra thảm họa tan chảy.
Trong tuyên bố ngày 25/8, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tuyên bố, ông sẽ dẫn đầu một phái đoàn của IAEA tới thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Ông Rafael Grossi nêu rõ: “Hầu như ngày nào cũng có sự cố mới xảy ra xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Chúng tôi không thể để mất thêm thời gian nữa. Tôi quyết tâm sẽ đích thân dẫn đầu một phái đoàn của IAEA đến thăm nhà máy trong vài ngày tới để giúp ổn định tình hình an ninh và an toàn hạt nhân ở đó".
Trước đó, một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã diễn ra chiều 23/8 ở New York để thảo luận về tình hình nhà máy Zaporizhzhya. Cả Nga và Ukraine đều khẳng định, họ muốn kết thúc xung đột nhưng mỗi bên cũng cho rằng đối phương đang chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công "cờ giả" và gây ra sự cố hạt nhân.
Nga: “Chiến dịch đặc biệt” sẽ không dừng lại dù Kiev từ bỏ hy vọng gia nhập NATO
Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ngày 26/8 phát biểu trên truyền hình Pháp, Moscow sẽ không dừng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngay cả khi Kiev từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.
Ngay cả trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2, Moscow từng tuyên bố rõ ràng việc Ukraine trở thành thành viên NATO là điều “không thể chấp nhận được” đối với nước này. “Việc (Ukraine) từ bỏ nguyện vọng tham gia vào liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) giờ là điều quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập hòa bình”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nói . “Nga sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi đạt được các mục tiêu”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, mục tiêu của chiến dịch là “phi hạt nhân hóa” Ukraine. Kiev và phương Tây cho rằng đây là cái cớ vô căn cứ cho một cuộc chiến tranh.
Trong bình luận của mình, ông Medvedev cũng cho biết, vũ khí Mỹ đã cung cấp cho Ukraine - như bệ phóng đa tên lửa HIMARS, chưa gây ra mối đe dọa đáng kể cho Nga. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu vũ khí của Mỹ gửi tới có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Nga từng cáo buộc viện trợ quân sự từ phương Tây đã làm trì hoãn chiến dịch và làm gia tăng thiệt hại.
Viễn cảnh hòa đàm Nga - Ukraine còn xa vời?
Leonid Slutsky, thành viên của nhóm đàm phán và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga hôm 25/8 cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận về việc nối lại các cuộc đàm phán nếu Ukraine tuyên bố họ sẵn sàng cho điều đó. “Chúng ta có thể thấy rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiện không có ý định cho các cuộc gặp và đối thoại. Nếu phía Ukraine tuyên bố rằng họ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán ở bất kỳ cấp độ và hình thức nào, chúng tôi sẽ thảo luận và đưa ra phản hồi”, ông Slutsky cho biết.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Medvedev khẳng định, Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev với một số điều kiện nhất định. "Các cuộc thảo luận sẽ phụ thuộc vào tình hình. Chúng tôi sẵn sàng gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky", ông Medvedev tuyên bố.
Trước đó, đầu tháng 5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine đang không có sự tiến triển. Ông Peskov nhấn mạnh, Ukraine thay đổi quan điểm liên tục và lưu ý rằng lập trường không nhất quán của Kiev sẽ khiến quá trình đàm phán không có hiệu quả.
Đầu tháng 8, ông Peskov nhấn mạnh, Ukraine có thể chấm dứt xung đột bất cứ lúc nào bằng cách chấp nhận các điều kiện của Nga. Ông tuyên bố: “Nga sẵn sàng cho một thỏa thuận hòa bình. Phía Ukraine đã nhận thức rõ ràng về các điều kiện của chúng tôi. Các điều kiện đó sẽ đạt được, bằng cách này hay cách khác”.
Trong khi đó, trả lời tờ Bild của Đức, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho rằng, việc đàm phán với Nga sẽ không có lợi cho Ukraine và châu Âu, bởi bất kỳ hiệp định đình chiến nào đều đồng nghĩa với việc các hành vi gây hấn của Nga sẽ tiếp tục trong tương lai.
"Quá trình đàm phán hiện nay sẽ đánh dấu một lệnh ngừng bắn tạm thời trong cuộc chiến không hồi kết. Do đó, Nga sẽ coi đây là một chiến thắng và tiếp tục thực hiện chính sách bành trường của mình. Một hiệp định đình chiến hiện nay chỉ là giai đoạn tiếp theo của chiến tranh sau một thời gian nhất định", ông Podolyak bình luận.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine cũng chỉ ra rằng, không nhiều người mạo hiểm quay lại Ukraine trước một nền hòa bình dễ lung lay như vậy và các khoản đầu tư cũng sẽ không đổ vào nước này.
Theo ông Podolyak, các cuộc đàm phán trên sẽ không có lợi cho Đức và các nước EU, bởi điều đó sẽ khiến Nga tiến hành nhiều hành vi táo bạo hơn về kinh tế, chính trị và ngoại giao. "Sẽ có một vùng xám ngày càng lớn gây sức ép liên tục lên châu Âu. Châu Âu sẽ buộc phải đầu tư nhiều tiền hơn vào đây để duy trì nhà nước này tồn tại. Điều đó không có lợi cho châu Âu về trung và dài hạn", vị quan chức nhận định.
Cũng theo ông Podolyak, cuộc xung đột hiện nay đã làm giảm đáng kể chất lượng sống ở Ukraine và chất lượng sống cũng sẽ giảm ở châu Âu. "Đây là cái giá của của một cuộc chiến căng thẳng, điều chưa từng xảy ra kể từ Thế chiến II. Cuộc chiến này cần kết thúc đúng cách nếu các bạn không muốn phải trả giá trong suốt thời gian đó".
Cố vấn của Tổng thống Ukraine cũng cho rằng, việc nối lại đàm phán với Nga chỉ xảy ra khi Moscow nhận ra rằng nước này không thể tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine nữa.
Trước đó, hôm 18/8, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, việc khôi phục đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga chỉ có thể thực hiện nếu quân đội Nga rút khỏi “các vùng lãnh thổ chiếm đóng” của Ukraine. Theo ông Zelensky, Nga phải “rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng của Ukraine, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”, trước khi các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột giữa Ukraine và Nga được nối lại.
Tổng thống Mỹ điện đàm với Tổng thống Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào đêm 25/8 (giờ Kiev). “Tổng thống Zelensky đã bày tỏ lòng biết ơn tới Tổng thống Joe Biden và người dân Mỹ vì sự hỗ trợ ‘mạnh mẽ’ cả về an ninh lẫn tài chính vĩ mô cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra. Tuyên bố của ông Biden về việc Mỹ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ có trị giá 6 tỷ USD, gồm 3 tỷ USD viện trợ quốc phòng và 3 tỷ USD viện trợ tài chính thông qua Ngân hàng Quốc tế, là món quà tuyệt vời nhất dành cho Ukraine trong dịp lễ Quốc khánh”, thông cáo đăng trên trang web của Văn phòng Tổng thống Ukraine.
“Ông Zelensky bày tỏ sự biết ơn đặc biệt về việc chính quyền Washington đưa hệ thống tên lửa phòng không NASAMS vào trong gói viện trợ quân sự lần này. Những hệ thống phòng không hiện đại như vậy sẽ giúp chúng tôi bảo vệ các đô thị khỏi nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa”, thông cáo viết thêm.
Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Zelensky trong cuộc điện đàm đã cung cấp cho người đồng cấp Mỹ Joe Biden “thông tin về quy mô tàn phá bởi chiến sự đối với nhà cửa và cơ sở hạ tầng ở Ukraine, đồng thời đề nghị hai quốc gia nên tăng cường hơn nữa hợp tác song phương để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng xoay quanh việc tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng cho Ukraine”.
“Tổng thống Zelensky cũng cung cấp cho Tổng thống Mỹ các chi tiết về tình hình ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và những nguy cơ mang tính toàn cầu, nếu nơi này xảy ra sự cố. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sự cần thiết của việc Ukraine tái kiểm soát nhà máy, cũng như cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận nơi này”, thông cáo nhấn mạnh.
Vì sao Đức từ chối cung cấp vũ khí đe dọa an ninh của Nga cho Ukraine?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây tuyên bố, nước này sẽ không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có thể được sử dụng để tấn công các vùng lãnh thổ của Nga.
Ông Scholz nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cũng từ chối cung cấp cho Kiev loại thiết bị quân sự kiểu này. “Tôi nghĩ rằng mọi người khác nên tuân theo nguyên tắc này. Chúng tôi sẽ không hành động một mình và sẽ luôn được hướng dẫn bởi những gì các đồng minh đang làm”, ông Scholz chia sẻ với ấn phẩm trên T-Online.
Theo ông Scholz, các quyết định về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine phải được tiếp cận một cách thận trọng và có cân nhắc. Ông Scholz nói rằng, mục tiêu chính là hỗ trợ Kiev, nhưng điều quan trọng là phải ngăn chặn sự leo thang nghiêm trọng của tình hình xung quanh Ukraine. Ông Scholz nói thêm, Ukraine sẽ nhận được một số bệ phóng tên lửa, một pháo phòng không tự hành Gepard và các radar.
Về phía Nga, Moscow đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây ngừng “bơm” vũ khí cho Kiev. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga. Ông Lavrov lưu ý rằng, vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt.
TÚ ANH (T/h)