Chiến sự Nga – Ukraine: "Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại"

Chia sẻ Facebook
05/08/2022 01:33:41

Đã 6 tháng “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”, cục diện chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang rất căng thẳng, khiến các bên phải tiêu hao rất nhiều sức lực để duy trì.


Cánh cửa duy nhất để chấm dứt xung đột

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3/8 cho biết, Ukraine có thể chấm dứt cuộc xung đột bất cứ lúc nào, bằng cách chấp nhận các điều kiện của Nga. Ông Peskov nhấn mạnh rằng, Nga sẽ đạt được các mục tiêu của mình bất kể Ukraine có sẵn sàng nhượng bộ hay không.

Theo ông Peskov, Ukraine có thể chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra bất cứ lúc nào bằng cách chấp nhận các điều kiện của Nga. “Nga đã sẵn sàng cho một thoả thuận hòa bình, nếu Ukraine nhận thức rõ ràng về các điều khoản do Moscow đưa ra. Bằng cách này hay cách khác, các điều khoản này sẽ phải được hoàn thành”, quan chức Điện Kremlin nói.

Ông Peskov giải thích thêm rằng vào cuối tháng 3, hai nước đã gần giải quyết được những khác biệt của họ theo cách mà Nga có thể chấp nhận được, nhưng bản dự thảo thỏa thuận được chuẩn bị cho cuộc họp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị phía Ukraine phản ứng. Kiev cắt đứt các cuộc đàm phán với Moscow sau khi cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh, một cáo buộc mà Nga cho là dựa trên bằng chứng bịa đặt. Ban lãnh đạo Ukraine kể từ đó khẳng định rằng, các cuộc đàm phán chỉ có thể được nối lại sau khi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) trong cuộc gặp phái đoàn Nga (trái) và Ukraine (phải) tại thành phố Istanbul, ngày 29/3. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Trong khi đó, cùng ngày trả lời phỏng vấn tờ DW (Đức), Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak khẳng định, Nga phải bị đánh bại trước khi các bên ngồi xuống đàm phán. "Nếu Moscow muốn đối thoại, bóng ở trên sân của họ. Đầu tiên là lệnh ngừng bắn, rút quân, sau đó là đối thoại mang tính xây dựng", ông Mykhailo Podolyak đưa ra tuyên bố, sau khi cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder nói rằng Nga muốn có một "giải pháp thương lượng" cho xung đột hiện nay. "Tin tốt là điện Kremlin muốn một giải pháp đối thoại. Thành công đầu tiên là thỏa thuận ngũ cốc, nó có thể dần mở đường cho thỏa thuận ngừng bắn", ông Schroeder, người vừa có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin tuần trước cho biết.

Ông Podolyak cũng chỉ trích ông Schroeder là "tiếng nói của Nga", trong khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ nghi ngờ về ý định của Moscow. "Phía Nga nói rằng, họ sẵn sàng đàm phán nhưng chúng tôi đã nghe và thấy kiểu sẵn sàng đó hàng ngày: pháo kích, khủng bố tên lửa nhằm vào dân thường, tội ác tàn bạo. Nga vẫn tập trung vào chiến sự, những thứ khác chỉ là đòn tung hỏa mù", ông Kuleba viết trên Twitter.

Liên quan đến triển vọng đàm phán Nga - Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin cho biết nếu được thực hiện tốt, thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen có thể mở ra cánh cửa ngừng bắn, trao đổi tù nhân và các cuộc đàm phán hòa bình mới.

Người phát ngôn Kalin cho biết, ông hy vọng rằng, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine qua trung gian là LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình. "Tôi không muốn quá lạc quan, nhưng có khả năng thỏa thuận cung cấp ngũ cốc này sẽ mở ra cánh cửa cho một cuộc ngừng bắn, trao đổi tù nhân và các cuộc đàm phán hòa bình mới nếu nó được thực hiện tốt", ông Ibrahim Kalin nói trên truyền hình hôm 31/7. Ông cho rằng, một cuộc chiến mà cả hai bên đều bị đánh bại và toàn bộ thế giới bị tổn hại sẽ không có người chiến thắng. Xung đột ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống trên toàn thế giới, từ chi phí năng lượng đến giá cả hàng hóa và thực phẩm.

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Victor Orban mới đây cũng bày tỏ quan điểm trung lập về chiến sự Nga - Ukraine, rằng "hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua con đường đàm phán”.


LHQ điều tra vụ tù nhân bị sát hại

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 3/8 cho biết, đang thành lập nhóm điều tra về vụ tấn công nhà tù ở Ukraine khiến ít nhất 50 tù nhân tử vong. Theo ông Guterres cho biết, trước đó cả Nga và Ukraine đều gửi yêu cầu LHQ thực hiện cuộc điều tra vụ tấn công này.


Người đứng đầu LHQ nói thêm, các điều khoản liên quan đến cuộc điều tra sẽ được cả Nga và Ukraine chấp thuận trước khi bắt đầu. Ông Guterres cho biết, đây không phải là cuộc điều tra hình sự mà hoàn toàn độc lập giữa các thành viên.


Hôm 29/7, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại nhà tù ở thị trấn tiền tuyến Olenivka, tỉnh Donetsk. Phần lớn tù nhân ở Olenivka là binh sĩ Ukraine từng cố thủ ở nhà máy thép Azovstol, Mariupol. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố danh sách 50 người thiệt mạng và 73 người khác bị thương. Moscow tuyên bố quân đội Ukraine đã tấn công nhà tù bằng Hệ thống pháo phản lực cơ động HIMARS do Mỹ viện trợ.

Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Ukraine phủ nhận thực hiện vụ tấn công, nói rằng pháo binh Nga đã nhắm vào nhà tù để che giấu hành vi ngược đãi những người bị giam giữ ở đó và đổ lỗi cho Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng Nga đã phạm tội ác chiến tranh và ông kêu gọi quốc tế lên án vụ việc.

Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã mời LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) để điều tra vụ việc. LHQ cho biết, đã sẵn sàng gửi chuyên gia tới điều tra vụ việc. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết tổ chức này đang tìm cách giúp di tản người bị thương.

Lính cứu hỏa chữa cháy tại một khu vực bị dội pháo tại Donetsk vào ngày 1/8. (Ảnh: CNN).

Kỷ nguyên hợp tác giữa Nga và phương Tây đã kết thúc?

Kỷ nguyên hợp tác mang tính xây dựng giữa Nga và phương Tây đã kết thúc, Vụ trưởng Vụ Hoạch định Chính sách Đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexei Drobinin tuyên bố ngày 3/8.


Theo ông Alexei Drobinin, sự kết thúc trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây là rõ ràng, dù kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga triển khai ở Ukraine có tiến triển như thế nào. "Bất kể thời gian và kết quả của hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine ra sao, giờ đây chúng ta có thể khẳng định rằng kỷ nguyên 30 năm hợp tác chung mang tính xây dựng đã kết thúc một cách không thể đảo ngược", ông Drobinin tuyên bố.

"Rõ ràng là sẽ không có chuyện mối quan hệ giữa Nga với các nước Bắc Mỹ và châu Âu quay trở lại như trước ngày 24/2”, nhà ngoại giao này khẳng định. Ông nhấn mạnh Nga đã bước vào giai đoạn "đối đầu gay gắt" với một liên minh gồm các quốc gia không thân thiện do Mỹ dẫn đầu.

Trước đó, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thừa nhận rằng, Moscow có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ nếu họ đưa Nga vào danh sách các quốc gia “tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố”.

Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xấu đi nghiêm trọng sau ngày 24/2, khi Moscow tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Sau đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Các nhà chức trách Nga đã nhiều lần nói rằng, sẽ không có quan hệ trở lại mức độ trước đây với các nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đã tuyên bố, Nga sẽ "nghiêm túc suy nghĩ" xem liệu có đáng để khôi phục quan hệ hay không, ngay cả khi phương Tây đề nghị. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng việc cắt đứt hoàn toàn các liên lạc là đi ngược lại với lợi ích của Nga và chính phương Tây.


TÚ ANH (T/h)

Chia sẻ Facebook