Chiến lược phòng thủ khi 'trời mưa' của Masayoshi Son
Masayoshi Son như biến thành con người khác khi báo cáo quỹ Vision thua lỗ 17 tỷ USD.
Masayoshi Son có thái độ "nhẹ nhàng bất thường" khi ông tiết lộ vào thứ 5 tuần trước rằng Vision Fund đã thua lỗ 27 tỷ USD do các khoản đầu tư không thành công vào năm ngoái.
Ông đã tiết chế những slide phóng khoáng, cường điệu mô tả SoftBank là con ngỗng đẻ ra những quả trứng vàng trong kỷ nguyên AI hay "một kỳ lân với nhiều cánh bay qua Thung lũng Coronavirus". Ông cũng không còn so sánh mình với Chúa nữa!
Thay vào đó, ông bắt đầu bài thuyết trình bằng bức hình được vẽ bằng màu trắng đối lập với màu nền xanh đậm: Mamori. Trong tiếng Nhật, mamori nghĩa là "sự bảo vệ". Nhưng, dù là để "phòng thủ" hay "bảo vệ" thì mamori đại diện cho một sự thay đổi chiến lược đáng kể của nhà sáng lập tỷ phú vốn luôn chấp nhận những hành động mang tính rủi ro cao.
"Chúng ta sẽ che ô khi trời mưa. Đây là thời gian cần phải tăng cường phòng thủ", Son nói.
Son đã trải qua những giai đoạn tương tự như trước đây. 2 năm trước, ông đã hứa sẽ phải cắt giảm những ngân sách khổng lồ đầu tư vào các công ty sau một đợt thua lỗ kỷ lục vì những cú đặt cược sai lầm khi thị trường trở nên hỗn loạn bởi những ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, sự phục hồi đã nhanh chóng quay trở lại. Ông sử dụng cách bán một khối tài sản trị giá 41 tỷ USD khẩn cấp để lấy tiền cho hoạt động mua lại cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản. Cũng nhờ vậy, ông giảm nợ ròng của Softbank khoảng 14 tỷ USD.
Các nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích nói rằng sự khác biệt giữa trước đây và bây giờ là số phận của Softbạnk không còn có thể dễ dàng được đảo ngược và một sự phục hồi nhanh chóng là không hề dễ dàng. Điều đó làm dấy lên một câu hỏi cơ bản về con đường phía trước của Son.
"Dường như Masa không còn ý tưởng nào cả", một nhà đầu tư vào Softbank nói.
Giai đoạn những gói kích thích tiền tệ trong đại dịch giúp thổi bùng những công ty không có lợi nhuận nhưng tăng trưởng cao trên khắp thế giới đã kết thúc.
Kỳ vọng Mỹ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát cũng tạo đà cho một đợt bán tháo. Trong khi đó, ở Trung Quốc những cuộc đàn áp giới công nghệ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cổ phiếu của Softbank ở Alibaba vốn đại diện cho 22% tài sản ròng của công ty. Điều đó cho thấy rằng Son đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công của các nhà chức trách Trung Quốc.
Rủi ro càng đẩy lên cao vào giữa tháng 3 khi mà cổ phiếu của Alibaba giảm xuống còn 73 USD – mức thấp nhất kể từ năm 2016. Vào ngày hôm đó, một nguồn tin cho biết Softbank đã "cực kỳ gần" với lệnh margin call khẩn cấp với khoản vay mà tài sản thế chấp là lượng cổ phần ở Alibaba.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhanh chóng vào cuộc để ổn định thị trường nhưng vẫn là khoảnh khắc đáng sợ cho các nhà đầu tư.
"Chúng tôi không bình luận về chi tiết vấn đề tài chính cá nhân. Số dư vay ký quỹ là 6 tỷ USD – không đáng lo ngại khi xem xét đến tỷ lệ trên tổng tài sản cũng như thanh khoản của công ty", phía Softbank tuyên bố.
Những công ty niêm yết công khai mà Vision Fund đầu tư trung bình đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm 62% kể từ khi IPO. Trong 24 thương vụ IPO vào năm 2021, chỉ 3 trong số đó chứng kiến cổ phiếu tăng giá theo Kirk Boodry – chuyên gia phân tích tại Redex Research.
Son dường như đã hết lựa chọn để phục hồi sự tự tin của các nhà đầu tư khi mà việc mua vào cổ phiếu trở nên ít có tác động trong việc ngăn chặn sự sụt giảm hơn nữa của cổ phiếu Softbank.
Chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 7,8 tỷ USD được tuyên bố vào mùa thu năm ngoái không chỉ không hề giúp gì cho việc cổ phiếu giảm xuống 40% vào năm qua mà còn gây ra "rủi ro hệ thống tập trung và phá hủy giá trị".
Softbank cũng có thể bán bớt cổ phiếu ở Alibaba hoặc chi nhánh Telecom Nhật Bản là Softbank Corp nhưng việc này đồng nghĩa với việc Son không thể vay tiền bằng việc thế chấp những cổ phiếu này nữa và nếu vậy, ông không thể có tiền cho những hoạt động đầu tư mới.
Nguồn tin cho biết, hoạt động kinh doanh viễn thông cũng có lợi nhuận cao và tạo ra dòng tiền ổn định cho công ty. Việc bán cổ phần Alibaba ở mức thấp hơn 1/3 so với mức đỉnh vào tháng 10/2020 cũng sẽ là một nỗi đau đối với Son.
"Thật khó để nói giai đoạn khó khăn này sẽ kéo dài bao lâu. Có nhiều yếu tố rất khó đoán định", một người liên quan tới Vision Fund nhận định.
Son đã hy vọng có thể bán Arm – công ty thiết kế chip của Anh mà Softbank đã mua với giá 31 tỷ USD vào năm 2016.
Softbank lên kế hoạch đưa công ty IPO sau khi thương vụ bán cho Nvidia đổ bể.
Trong khi Softbank đã chứng kiến khoản thua lỗ lớn chưa từng có, Arm báo cáo doanh thu hàng năm kỷ lục là 2,7 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước đó. "Khi nhìn vào những gì chúng tôi đã đạt được vào năm ngoái, tôi thực sự thấy sự hợp lý trong các chiến lược mà chúng tôi đặt ra từ 3, 4 năm trước", CEO Arm là Rene Haas nói.
Tuy nhiên, Son cũng phải lùi lại kỳ vọng của mình với Arm khi mà giá trị mục tiêu của ông là 66 tỷ USD hiện đang bị hoài nghi do lãi suất tăng và thay đổi thái độ của nhà đầu tư.
"Tất cả những gì chúng tôi có thể nói là chúng tôi đang chuẩn bị", Haas nói về câu hỏi liên quan tới việc IPO.
Cổ phiếu Softbank đã tăng 12% vào ngày Son thuyết trình nhưng Boodry nói rằng sự lạc quan có thể sớm qua đi.
"Dường như một vài người nghĩa rằng vì thua lỗ kỷ lục nên bằng cách nào đó mọi thứ đang được thiết lập lại. Nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Rõ ràng có lý do để phải lo lắng".
Nguồn: Financial Times