"Chiến công hiển hách" của nhà sáng lập đế chế Sơn Kim khi làm ăn với Đông Âu những năm đầu Việt Nam "Đổi Mới"

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 20:24:32

"Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của trung ương và các tỉnh thành khi đến thăm các nhà máy của Legamex đều khen ngợi, tôi được nhiều báo đài trong nước và ngoài nước viết bài ca ngợi như một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam trong thời kỳ đầu của chính sách mở cửa" - bà Nguyễn Thị Sơn - nhà sáng lập Sơn Kim Group chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Sơn, là nhà sáng lập Sơn Kim Group. Trước khi nắm trong tay cơ nghiệp như hôm nay, bà Sơn từng là con cháu của một gia tộc có truyền thống kinh doanh ngành vải sợi.

Năm 1987, ở độ tuổi trên 30, bà được Nhà nước giao trọng trách về quản lý Công ty Legamex. Legamex là công ty thành viên trong hệ thống của Công ty Cổ phần dệt may Gia Định được thành lập từ năm 1986. Trong thời điểm hoàng kim, công ty may mặc quốc doanh này có 4.000 nhân viên chính thức, 10.000 nhân viên của các công ty vệ tinh, xuất khẩu qua các nước như Liên Xô, Ba Lan, Nhật Pháp…; và là công ty may mặc lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

Bà Nguyễn Thị Sơn từng chia sẻ trên trang cá nhân về giai đoạn khởi nghiệp này:

"Nhận trong tay quyết định bổ nhiệm giám đốc, quyết định giao giải tỏa khu nghĩa địa Đô Thành. Nhìn trên bảng cân đối tài khoản lúc bàn giao, tài sản chỉ có 6 triệu đồng tiền vốn lưu động (vàng lúc ấy 5 triệu đồng một lượng), một đơn hàng gia công cho Liên Xô chưa giao được do hàng chất lượng kém.

Đang làm việc ở nơi phòng ốc khang trang của một công ty thương mại, dịch vụ lớn, về nơi làm việc tồi tàn ở một xí nghiệp nhỏ, rất nhiều nỗi khó khăn phát sinh. Đầu tiên là lương công nhân mấy tháng chưa thanh toán vì hàng gia công mũ giày cho Liên Xô không giao được nên xí nghiệp không có tiền trả lương.

Khi tôi đến dự họp về phân kế hoạch sản xuất với công ty đầu mối gia công của Thành phố về gia công hàng giày da theo nghị định thư ký với Liên Xô. Ban tổng giám đốc công ty có vẻ ái ngại khi gặp tôi nên nói chung với mọi người: "Có một số đơn vị làm hàng kém chất lượng, bây giờ lại thay đổi giám đốc, không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm với hợp đồng cũ".

Tôi đứng dậy trả lời ngay: "Tôi là giám đốc mới của xí nghiệp, hợp đồng cũ không giao được tôi xin nhận nợ và chịu trách nhiệm trả số nợ này, đề nghị các anh chị vẫn giao hàng cho chúng tôi sản xuất theo kế hoạch".

Bà Nguyễn Thị Sơn - nhà sáng lập Sơn Kim Group

Khi bàn về kế hoạch mới, các nhà máy các quận khác cân đối kế hoạch chỉ dám nhận 60.000 sản phẩm/năm. Tôi đăng ký 400.000 sản phẩm/năm. Mọi người hỏi căn cứ vào đâu dám đăng ký kế hoạch như thế. Tôi trả lời: "Kinh doanh sản xuất lo nhất là không có thị trường, còn đã có nơi đặt hàng rồi thì vấn đề tổ chức thực hiện là công việc của nội bộ, quyết tâm thì làm được". Thế là tôi ký được hợp đồng. Tương tự như thế với Tổng công ty May thành phố.

Không những chỉ làm với các công ty thành phố, tôi đi thẳng ra Hà Nội ký với các công ty ở trung ương.

Đến phần thực hiện hợp đồng, tôi về báo cáo với quận phải xây dựng ngay nhà máy trên lô đất nghĩa địa mới giải tỏa. Quận hỏi tiền đâu? Tôi nói để đấy tôi lo. Đầu tiên tôi mượn gia đình để có tiền chi lương cho công nhân, tuyển cán bộ kỹ thuật giỏi để sửa chữa lô hàng kém chất lượng và giao hàng để khỏi đọng vốn.

Sau đó tôi đến gặp bạn bè là những công ty đã từng là khách hàng cũ của HTX Đại Thành như Công ty cung ứng xuất khẩu Tân Bình, Công ty xuất nhập khẩu Tổng Hợp, xin vay xi măng, tôn, sắt thép; xong tôi đến Công ty xây dựng 14 xin họ chấp nhận xây trước trả tiền sau; đến Ngân hàng Công thương TPHCM, Ngân hàng Quận 10, Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng Đầu tư TP. HCM trình bày phương án kinh doanh để xin bảo lãnh mở L/C và xin hỗ trợ vốn lưu động; tuyển thợ và đào tạo theo phương pháp dây chuyền công nghiệp, mỗi người một công đoạn nên không cần thợ có kỹ năng cao mà cần người điều hành chuyền sản xuất cho giỏi. Dây chuyền máy công nghiệp xin mua trả chậm của Công ty Du lịch Vũng Tàu.

Phân công mỗi người mỗi việc, tôi đi Đông Đức và Tiệp Khắc để học tập về sản xuất giày vì từ trước tôi chỉ có kinh nghiệm ở ngành may chứ chưa làm giày bao giờ. Những ngày tôi đi công tác như thế tôi điều hành công việc bằng Fax. Tôi nhận được nhiều Fax thúc hối từ bên nhà, quận yêu cầu tôi về sớm.

Tôi về, nhà máy xây dựng gần xong; thiết bị tôi đặt mua cũng gần về. Thế là tôi chỉ huy lắp đặt và đưa công nhân đã được đào tạo vào hệ thống sản xuất dây chuyền. Lô hàng giao đầu tiên lại do chính bà giám đốc công ty May ở Liên Xô đến kiểm tra tại nhà máy mới nên được phía bạn hàng Liên Xô khen ngợi nhà máy trang bị tốt, chất lượng hàng hóa đạt yêu cầu. Bà đề nghị công ty nhận thêm đơn hàng ngoài kế hoạch (hàng ngoài kế hoạch giá công cao hơn và được trả bằng đối lưu hàng hóa).

Tôi đồng ý và khách hàng đã chuyển nguyên liệu sang cùng với hàng hóa đối lưu để trả tiền công trước. Có được tiền công trả trước tôi vội trả ngay tiền xây dựng nhà máy và tiền xi măng sắt thép của các công ty bạn để giữ uy tín với họ. Phòng khách nhà tôi hiện nay vẫn còn trưng bộ ấm Samova do bà giám đốc công ty May ở Mascova tặng tôi từ ngày đó, xem đấy như một kỷ niệm của nước Nga, một biểu hiện của sự hợp tác thành công.

Không những trả nợ xây dựng mà công ty còn xin đầu tư vào khu Hội chợ quận 10 để giới thiệu sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng. Tháng 12/1988 công ty chính thức đổi tên là Công ty xuất nhập khẩu Dệt Da May – LEGAMEX. Thương hiệu Lega-fashion cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức các chương trình giới thiệu thời trang và tôn vinh nghề người mẫu Việt Nam.

Đoàn quay phim của Đài truyền hình Nhật cũng có mặt và họ đi theo chúng tôi suốt chuyến công tác để quay những cảnh đàm phán làm việc của tôi và cảnh đoàn tụ của gia đình tôi. Một lần khác sang Nga cũng thấy đoàn quay phim của Nga chờ sẵn ở sân bay và họ đi cùng chúng tôi suốt chuyến công tác ở Nga và vùng giá lạnh Siberi. Buổi tối về đến khách sạn tôi đã thấy hình mình trên truyền hình. Sứ quán Việt Nam tại Nga, các cơ quan thương vụ và đại diện Việt Nam tại các quốc gia Đông Âu cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi và công ty Legamex".

Có một chuyện thú vị về "cái máy ép đế giày đầu tiên" của Legamex từng được ông Võ Hồng Phúc - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chia sẻ. Câu chuyện xảy ra vào những năm đầu Đổi Mới, nguồn vốn đầu tư, vật tư thiết bị, thị trường tiêu thụ cho công nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào Liên Xô và Đông Âu thông qua các chương trình hợp tác theo sự phân công sản xuất và phối hợp kế hoạch hàng năm với khối SEV.

"Đối với sản phẩm có quy trình sản xuất hơi phức tạp hoặc đầu tư thiết bị nhiều tiền hoặc sử dụng ít lao động thì Việt Nam chỉ sản xuất một phần của sản phẩm, không làm sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy sản xuất rất phụ thuộc vào các thành viên trong khối. Ví dụ như làm giày, ta chỉ làm đến mũ giày, phần ép để giày thì đưa sang Liên Xô và Đông Âu. Ta chỉ đầu tư máy khâu mũ giày, không đầu tư máy ép đế vì đắt tiền hơn và sử dụng ít lao động. Theo cơ chế phân công lao động của khối SEV! Cho nên mới có chuyện vui là vào khoảng đầu năm 1989, khi công ty Legamex của chị Nguyễn Thị Sơn nhập cái máy ép đế giày đầu tiên về Việt Nam, nhiều lãnh đạo các bộ ngành liên quan đã phải kéo đến xem. Tôi nói đùa với anh em :


- Cứ làm như đi thăm tàu vũ trụ!


Mọi người cười nói lại:

- Gần mười năm chỉ làm mũ giày, bây giờ mới thấy làm ra được đôi giày hoàn chỉnh mà!" - ông Võ Hồng Phúc viết.


Theo Nhã Mi

Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ Facebook