Chiếc ô trong suốt ở Nhật Bản: Trở thành vật quốc dân trong ngày mưa, là nét văn hóa không thể thiếu của đất nước mặt trời mọc
Thế nhưng ô trong suốt dường như đã trở thành một tín ngưỡng văn hóa của Nhật Bản. Vì sao lại như vậy?
Mấy tháng gần đây, mặc dù toàn cầu đang hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử, nhưng nhiều khu vực trên thế giới vẫn đổ mưa lớn. Ở phương Nam, mưa rào tầm tã rồi lại tạnh, nhưng không phiền phức bằng mưa nhỏ nhưng dai dẳng không dứt. Phương Bắc thì đỡ hơn một chút, mưa nhỏ kèm theo gió, không khí hơi se lạnh. Thế nhưng hết mưa, đất trời lại "đổ lửa" bởi nắng nóng lịch sử.
Những trận mưa không có quy luật khiến người ta không khỏi khó chịu, bực dọc. Càng khổ não hơn là "lúc mang ô thì trời không mưa, nhưng khi trời đổ mưa thì lại không mang theo ô".
Cầm lòng không đặng, nhiều người chỉ đành đến cửa hàng tiện lợi mua chiếc ô, cái áo mưa, mặc dù ở nhà đã có sẵn mấy cái.
Hình ảnh đường phố tập nập, dân văn phòng mỗi người cầm chiếc ô lũ lượt về nhà quá đỗi quen thuộc ở Nhật Bản.
Đất nước mặt trời mọc có lượng mưa dồi dào, hết 1/3 số ngày trong năm đổ mưa, vậy nên lượng tiêu thụ ô dù ở Nhật Bản rất lớn.
Đầu tháng 6/2022, công ty dịch vụ khí tượng chuyên nghiệp Nhật Bản - Weather News công bố số liệu của một cuộc khảo sát nhỏ. Kết quả cho thấy mỗi người Nhật bình quân có 4,2 chiếc ô (tính theo đầu người trên toàn cầu là 2,4 chiếc).
Trong đó, người ở tỉnh Nara sở hữu 5,6 chiếc, đứng đầu toàn quốc. Tiếp theo là tỉnh Kanagawa với 5 chiếc, Tokyo với 4,9 chiếc, Osaka với 4,8 chiếc...
Điều thú vị hơn là ô trong suốt lại chiếm phần lớn. Theo số liệu cho thấy, mỗi người dân Nhật Bản sở hữu 1,6 chiếc ô trong suốt. Qua đó có thể nói, ô trong suốt rất được người nơi đây đón nhận và yêu thích.
Sự ra đời của ô trong suốt
Thật ra, văn hóa ô dù của Nhật Bản bắt nguồn từ Trung Quốc.
Trong một số tư liệu lịch sử truyền lại, thời Xuân Thu, vợ của Lỗ Ban - Vân thị đã tự tay làm ra một công cụ có thể che mưa cho chồng. Đây là chiếc ô được ra đời sớm nhất.
Trong "Tản vật ký nguyên" (tạm dịch: Ghi chép về ô dù), ô che mưa ở thời cổ đại chủ yếu được làm bằng lụa, sau khi giấy được phát minh thì lụa được thay bằng giấy. Sau thời nhà Hán, người ta bôi thêm một lớp dầu cây tung lên giấy có tác dụng không thấm nước.
Thời nhà Đường, ô dù mới bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản. Do đó, những chiếc ô bằng giấy dầu của Nhật ban đầu được gọi là "Đường tản" (ô Đường).
Để làm nên một chiếc ô giấy dầu phải qua nhiều công đoạn: chọn tre, ráp khung, dán giấy, vẽ họa tiết, bôi dầu... Thế là ở thời đại công nghệ chưa phát triển, gia đình bình thường sử dụng "bố tản" (dù vải màu bôi dầu). Loại "bố tản" này có nhược điểm là sẽ bị loang màu khi trời mưa, những giọt màu sẽ dính vào áo quần.
Để giải quyết vấn đề này, một người đàn ông họ Sudou đã lấy cảm hứng từ tấm trải bàn bằng nhựa của quân đội Mỹ ở Nhật: "Nếu lấy loại nhựa mỏng này làm ô che mưa thì thế nào nhỉ?".
Gia tộc Sudou chuyên kinh doanh ô dù truyền thống, từ năm 1721 bắt đầu mở cửa hàng bán lẻ và đây chính là tiền thân của công ty White Rose hiện nay. Tuy nhiên, thị trường ô dù cạnh tranh quá gay gắt, xí nghiệp gia tộc đứng trước nguy cơ lụi tàn.
Để cứu lấy sự nghiệp truyền đời, gia tộc Sudou đã tiết kế loại ô mà phần giấy được bọc bằng lớp nhựa mỏng vào năm 1953, tạm thời giải quyết được vấn đề loang màu. Nhờ đó, gia tộc Sudou đã có thể hồi sinh.
Sau đó, nylon và vật liệu không thấm nước xuất hiện, ô dù lại trở thành thứ đồ dư thừa, lượng tiêu thụ ít ỏi đến tội nghiệp.
Chìa khóa để trụ vững trên thương trường chính là sáng tạo. Nếu những chiếc ô giấy bọc nhựa đã bị đào thải, vậy thì nếu ô được làm hoàn toàn bằng nhựa thì sao?
Thế là năm 1955, Sudou phát minh loại ô nhựa đầu tiên trên thế giới. Cho dù nó không hoàn toàn trong suốt, nhưng cũng có màu trắng đục, mẫu mã và màu sắc bắt mắt hơn rất nhiều.
Song, mặc dù sản phẩm đã ra đời, nhưng thời điểm chuyển mình lại không thích hợp. Vì ô nhựa có giá thành rẻ nên những nhà bán lẻ ô vải thông thường xem ô nhựa là đối thủ cạnh tranh, không muốn nhập hàng về bán.
Dưới áp lực của nhiều đơn vị thu mua, ô nhựa của Sudou bị tồn hàng, chất chồng chất đống trong kho. Cuối cùng nhân viên phải đi từng cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ bên đường để thương lương mới có thể miễn cưỡng bán đi số lượng nhất định.
Trong khi Sudou đang đứng trước nguy cơ phá sản, Nhật Bản đăng cai tổ chức Thế vận hội Tokyo năm 1964. Với mẫu mã đẹp và giá thành rẻ, ô nhựa Sudou đã bắt đầu làm "rung động lòng người".
Người ở khắp nơi trên thế giới đổ về Tokyo, trong đó một công ty Hoa Kỳ đã đánh giá cao ô nhựa Sudou. Nhờ vậy, ô trong suốt bắt đầu trở nên phổ biến ở Mỹ. Báo đài lần lượt đưa tin, ô trong suốt đột nhiên trở thành "cơn sốt" cực thịnh.
Đến những năm 1960, ô trong suốt đã phổ biến trên khắp đất nước Nhật Bản, hầu như mỗi người đều có 1 chiếc ô cho riêng mình.
Ô trong suốt trở thành một nét văn hóa ở đất nước mặt trời mọc
Thông thường, chiếc ô trong suốt tuy có giá thành rẻ và xuất hiện khắp mọi nơi không đủ để chắc chắn nó có thể chiếm lĩnh thị trường của một quốc gia trong thời gian dài. Bởi lẽ, sản phẩm ô dù ở nhiều quốc gia trên thế giới không hề kém cạnh, như mẫu ô vải nhựa màu đen không thấm nước có tay cầm cong lên nổi tiếng được sản xuất ở Anh.
Trong tài liệu khảo sát của WeatherNews có để cập đến vấn đề này.
Khi được hỏi về lý do và mục đích mua của người sở hữu 1 chiếc ô nhựa trở lên, câu trả lời nhiều nhất là: "Vì trời mưa đột ngột nên mới mua", "Để cho khách hàng sử dụng", "Vì trong suốt không chắn tầm nhìn nên rất thích sử dụng ô nhựa"...
Ở đất nước mưa nhiều như Nhật Bản, tần suất sử dụng ô dù rất cao, nhưng đồng thời tỷ lệ mất dù cũng cao không kém. Theo thống kê, một nữ giới Nhật Bản bình quân mất 3 chiếc ô, nam giới thì nhiều hơn với 6 chiếc.
Thế là để ứng phó với trường hợp trời đổ mưa bất ngờ, nhiều người chỉ có thể tìm cửa hàng tiện lợi hoặc tạp hóa gần nhất mưa một chiếc ô. Lúc này, ô trong suốt giá rẻ là lựa chọn phù hợp nhất. Chỉ với 300-500 yên (khoảng 52-87 nghìn đồng) là có thể mua được chiếc ô che mưa, vừa đẹp vừa rẻ, cầm lại nhẹ tay.
Hầu như người nào cũng có chiếc ô trong suốt giống nhau. Vì để không cầm nhầm, nhiều người đã thêm một vài ký hiệu nhận biết lên mặt ô. Có người ghi tên, người thì vẽ tranh, thậm chí còn ghi những dòng thơ hay hoặc câu nói gây cười tâm đắc, khiến chiếc ô "quốc dân" này trở thành độc nhất vô nhị thuộc về riêng mình.
Ngoài ra, trung tâm thương mại và khách sạn ở Nhật Bản thường có nguyên tắc cung cấp ô che mưa cho khách và không cần phải hoàn trả. Vì thế loại ô trong suốt giá rẻ này càng được yêu thích hơn.
Vậy tại sao phải là kiểu ô có cán dài, mà không phải ô xếp có cán rút ngắn tiện lợi?
Nếu để ý người Nhật vào trạm tàu điện ngày mưa, bạn sẽ phát hiện những chiếc ô được buộc chặt kín kẽ. Người Nhật Bản rất chú trọng lễ nghi nơi công cộng, mà ô cán dài sau khi đóng lại thì nước mưa có thể chảy dọc trực tiếp xuống sàn, chứ không tán loạn tứ phía rồi vấy lên người khác như ô có cán rút nhỏ nhắn.
Hơn nữa, ô cán dài có thiết kế chắc chắn, cản gió tốt hơn, không dễ bị méo mó. Điều này càng thích hợp với kiểu người Nhật chấp nhận đội mưa để "chạy Deadline" hơn. Do đó, ô trong suốt cán dài được chào đón ở Nhật Bản hoàn toàn là điều dễ hiểu.
Một nguyên nhân khác khiến người người đều yêu thích ô trong suốt chính là nó không cản trở tầm nhìn, vừa an toàn vừa bảo đảm lễ nghĩa phép tắc khi có thể nhận ra người quen để chào hỏi và nhìn thấy người đang đi bên cạnh.
Cầm chiếc ô trong suốt chụp hình trong ngày mưa cũng có thể tạo nên những bức ảnh để đời, đầy chất nghệ thuật.
"Chỉ khi cầm chiếc dù trong suốt cán dài trên tay mới được xem là hòa mình vào mùa mưa Nhật Bản đúng nghĩa. Nó có thể là bước chân đầu tiên để bạn tiến vào nền văn hóa Nhật Bản".
Nguồn: Thepaper