“Chia sẻ cùng thầy cô”: Thầy, cô là tấm gương sáng về học tập, rèn luyện, đổi mới
Ngày 16/11, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng gửi lời chúc sức khoẻ và lời tri ân sâu sắc tới các thầy, cô giáo tham dự chương trình nói riêng và toàn thể giáo viên trong cả nước.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam luôn được các thế hệ kế thừa, vun đắp, phát huy. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục trước hết là phát triển con người, giáo dục là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, giáo dục nước ta đã đạt nhiều thành tích quan trọng. Có được những thành tích đó là nhờ một phần lớn công sức, sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, không ngại khó khăn gian khổ của tất cả các thầy, cô trên mọi miền Tổ quốc. Trong đó, có các thầy, cô giáo tham dự chương trình hôm nay, những người đã hết lòng tận tuỵ với nghề nghiệp. Các thầy, cô là tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tuỵ với học sinh.
Thứ trưởng ghi nhận, chia sẻ với những nỗi vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô trong hành trình tâm huyết, gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục. 68 thầy, cô tiêu biểu tham dự chương trình gặp mặt này là những giáo viên đang dạy học ở những vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn, trong đó có 9 thầy, cô là người dân tộc thiểu số; những thầy, cô giáo có thành tích vượt bậc, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; các thầy, cô giáo có sáng kiến đổi mới trong dạy và học, đã được áp dụng thực tế, đạt kết quả cao.
Nhiều thầy cô có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện giảng dạy, trường lớp thiếu thốn, phương tiện di chuyển đến trường chưa đảm bảo, nhiều thầy cô đã hy sinh, dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục tại những nơi khó khăn. Vượt qua những khó khăn vất vả ấy, các thầy cô đã phấn đấu giảng dạy, công tác, đạt nhiều thành tích trong chuyên môn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các địa phương.
Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, để đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT, đặc biệt triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc dạy và học, yêu cầu hội nhập quốc tế trong giáo dục ngày càng cao. Điều đó càng đòi hỏi nhiều hơn sự đóng góp của các nhà giáo.
Do đó, mỗi thầy, cô giáo không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, tinh thần tận tuỵ với nghề mà còn là tấm gương sáng về học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới chính mình để nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục.
"Vì vậy, tôi mong các thầy cô tiếp tục cố gắng hơn nữa, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, chuyên môn hơn nữa, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người", Thứ trưởng gửi gắm.
Tại chương trình gặp mặt, các thầy, cô giáo đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy; những động lực giúp các thầy cô tận tâm, cống hiến với nghề và những mong muốn, nguyện vọng về chế độ chính sách cho những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Các thầy, cô giáo cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, giảng dạy, hỗ trợ học sinh trong cuộc sống, học tập. Các thầy cô đều đau đáu nỗi niềm, mong mỏi lớn nhất là làm được điều gì đó cho học trò của mình, để các con yên tâm học tập, có môi trường giáo dục hạnh phúc, có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.
Lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đó, đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn đã báo cáo, trao đổi thông tin thêm về chính sách nhà giáo, an toàn trường học.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ GDĐT ghi nhận, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn và trăn trở của thầy, cô. Ngành giáo dục tác động đến từng gia đình, đến mọi thành phần trong xã hội, vì vậy kỳ vọng của xã hội, của người dân, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng lớn. Trong khi ngành giáo dục phải gánh vác trách nhiệm trong thời kỳ đổi mới, đổi mới chương trình, đặc biệt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhưng đang thiếu rất nhiều về đội ngũ, cơ sở vật chất, chế độ, phương pháp giảng dạy, công nghệ, kỹ năng áp dụng…
"Đổi mới thì rất khó khăn, đổi mới ngành giáo dục càng khó khăn hơn nữa, đổi mới ngành giáo dục trong lúc các nguồn lực hạn hẹp như vậy càng đặc biệt khó khăn", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, không phải đến bây giờ Đảng, Nhà nước hay Bộ GDĐT mới đưa ra giải pháp, mà chế độ chính sách đã có nhiều tuy nhiên đâu đó vẫn còn nhiều khó khăn, chính sách, chế độ chưa thể bao phủ được hết. Hiện nay, Chính phủ có Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới, kỳ vọng này sẽ góp phần tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học tại các địa phương.
Ngành giáo dục cũng luôn phấn đấu đề ra, đề xuất những cơ chế, chính sách về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học của các trường ở địa phương. Cùng với đó là chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo.
"Vừa rồi chúng ta đã đọc báo biết tin Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã rất nhiều lần có ý kiến về việc này và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ. Chắc chắn đợt tới, đặc biệt với giáo viên mầm non, tiểu học sẽ có những thay đổi, theo hướng tăng mức lương cơ bản chung của toàn quốc, đây là nỗ lực lớn của ngành", Thứ trưởng cho biết, đồng thời khẳng định, Bộ GDĐT ghi nhận các ý kiến của thầy, cô và sẽ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt hơn trong thời gian tới.