Chia rẽ của chính phủ Israel về vấn đề Gaza tràn vào công luận
Tuần này, chia rẽ trong Chính phủ Israel về cuộc chiến tại Gaza đã tràn vào công luận, sau khi ông Gallant công khai yêu cầu ông Netanyahu đề ra chiến lược rõ ràng.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã khẳng định sẽ phản đối kế hoạch đề ra chính phủ quân sự tại Gaza, và những bình luận của ông thể hiện rõ những lo ngại về sự thiếu phương hướng của ông Netanyahu về kế hoạch hậu chiến tại Gaza.
Những bình luận này cũng đã thể hiện rõ những bất đồng sâu sắc giữa phe hai cựu tướng đang làm việc tại chính phủ Israel, Benny Gantz và Gadi Eisenkot, hai quan chức ủng hộ ông Gallant, và phe cực hữu chủ nghĩa dân tộc tôn giáo lãnh đạo bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Nội địa Itamar Ben-Gvir.
Bên cạnh đề ra mục tiêu tiêu diệt Hamas và đưa 130 con tin về quê hương, ông Netanyahu đã không nêu ra bất kỳ mục tiêu chiến lược nào để kết thúc chiến dịch, một cuộc chiến đã khiến khoảng 35.000 người Palestine thiệt mạng và khiến Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, với sự ủng hộ từ ông Ben-Gvir và ông Smotrich, hai quan chức liên quan chặt chẽ tới phong trào định cư tại Bờ Tây, ông Netanyahu đã phản đối vai trò trong điều hành Gaza hậu chiến của Chính quyền Dân tộc Palestine (PA), một chính quyền được thành lập dưới hiệp định hòa bình tạm thời mang tên Hiệp định Oslo từ ba thập kỷ trước và được quốc tế nhìn nhận là chính quyền điều hành Palestine hợp pháp nhất.
Ông Netanyahu đang gặp nhiều khó khăn trong việc giữ vững chính phủ liên hiệp ngày càng rạn nứt, cho tới nay đã liên tục cam kết chiến thắng toàn diện trước Hamas. Trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC vào ngày thứ Tư, ông đã cho biết Gaza hậu chiến có thể được điều hành bởi một “chính quyền dân sự phi Hamas với Israel nắm giữ trách nhiệm quân sự chung”.
Quan chức Israel đã khẳng định những lãnh đạo phe phái Palestine hoặc những nhân vật công chúng khác có thể được bổ nhiệm để lấp đầy khoảng trống nhưng cho tới nay chưa có bằng chứng nào cho thấy có những lãnh đạo nào có thể hoặc sẵn sàng thay thế Hamas được xác định, và chưa có quốc gia Ả Rập nào tuyên bố đứng ra hỗ trợ.
Ông Yossi Mekelberg, một thành viên của Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, cho biết: “Về phía Israel, lựa chọn của họ bao gồm hoặc là họ kết thúc cuộc chiến và rút quân, hoặc họ đề ra một chính quyền quân sự tại đây và kiểm soát toàn bộ khu lãnh thổ trong một thời gian không xác định, vì một khi họ rời khỏi khu vực này, Hamas sẽ tái xuất hiện”.
Chiến thuật du kích
Việc ông Gallant từ chối cân nhắc mọi hình thức chính phủ quân sự vô thời hạn cho thấy chi phí khổng lồ về vật chất và chính trị của chiến dịch này, và khả năng chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quân đội và nền kinh tế quốc gia, gợi nhớ tới cuộc chiếm đóng của Israel tại miền Nam Lebanon sau cuộc chiến năm 1982.
Ông Michael Milshtein, một cựu sĩ quan tình báo và một trong những chuyên gia hàng đầu của Israel về Hamas cho biết mục tiêu giành toàn quyền kiểm soát tại Gaza có thể sẽ yêu cầu cài đặt bốn sư đoàn, tương đương khoảng 50.000 binh lính.
Mặc dù hàng ngàn tay súng Hamas đã thiệt mạng trong chiến dịch và các chỉ huy của Israel cho biết phần lớn các sư đoàn có tổ chức của phong trào này đã bị tiêu diệt, những nhóm nhỏ khác đã xuất hiện tại các khu vực mà quân đội đã rời khỏi sau giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Ông Milshtein cho biết: “Đây là một tổ chức rất mềm dẻo và họ có thể thích ứng rất nhanh. Họ đã áp dụng một mô hình chiến tranh du kích mới”.
Cái giá về một cuộc nổi dậy lâu dài mà Israel có thể sẽ phải đối mặt đã thể hiện rõ trong ngày thứ Tư vừa rồi, sau khi năm binh lính Israel thiệt mạng trong một vụ việc “bắn nhầm đồng đội” bởi một xe tăng của Israel, trong khi binh lính Israel đang chiến đấu tại khu vực Jabalia miền Bắc thành phố Gaza.
Phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, cho biết nhiệm vụ của quân đội là “tháo dỡ các khu vực Hamas đang trở lại và cố gắng tái tổ chức”, nhưng ông cũng nhận định những câu hỏi về giải pháp điều hành thay thế cho Hamas là vấn đề về mặt chính trị.
Mặc dù phần lớn các cuộc khảo sát cho thấy người Israel vẫn ủng hộ cuộc chiến, sự ủng hộ này đang dần giảm sút, với ngày càng nhiều tiếng nói cho rằng cần phải ưu tiên đặt việc giải phóng con tin lên trên mục tiêu tiêu diệt Hamas. Những vụ việc tương tự có thể sẽ càng gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự ủng hộ nếu chúng tiếp tục diễn ra.
Những ví dụ ban đầu về chia rẽ công luận có thể diễn ra đã xuất hiện trong những tranh chấp lâu nay tại Israel về việc tuyển mộ các sinh viên dòng Torah Siêu Chính thống vào quân đội, một quyết định được ủng hộ bởi Gantz và đồng minh của ông cũng như nhiều người Israel thế tục nhưng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng tôn giáo.
Ông Netanyahu cũng đã tránh được tình thế các đảng rút khỏi chính phủ liên hiệp, những kịch bản có thể khiến chính phủ của ông tan rã.
Tuy nhiên ông Gallant, một người đã chống đối ông Netanyahu về những kế hoạch giảm thiểu quyền lực của các thẩm phán trong năm vừa rồi, đã liên tục đối đầu với ông Smotrich và Ben-Gvir, và những thách thức lần này của ông nhằm vào Thủ tướng có thể sẽ còn lặp lại.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)