Chìa khóa nào tháo gỡ cho thị trường nhà ở xã hội?
Theo ghi nhận, Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội mới hoàn thành 46 dự án với 20.210 căn, đạt 4,7% so với mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2021- 2025.
Kết quả chưa như kỳ vọng
Quyết định 338/QĐ-TTg đã chấp nhận Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân từ 2021 đến 2030”. Mục tiêu của Đề án là hoàn thành khoảng 1.062.200 căn hộ trên toàn quốc đến năm 2030, với 428.000 căn trong giai đoạn 2021 - 2025 và 634.200 căn trong giai đoạn 2025 - 2030.
Đề án được xây dựng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết, đặc biệt là khi nguồn cung nhà ở xã hội hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế của công nhân. Nó cũng được coi là biện pháp “cứu cánh” cho doanh nghiệp bất động sản đối diện với khó khăn và rủi ro trên thị trường, cũng như là chìa khóa giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu và thúc đẩy phát triển ổn định của thị trường.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp va công nhân khu công nghiệp là một đề án đầy tính nhân văn, góp phần rất lớn vào công cuộc an sinh xã hội.
Đã có rất nhiều cuộc họp, buổi hội thảo, hội nghị được tổ chức với mục đích phân tích, thảo luận các vấn đề vướng mắc, nhằm tìm cách tháo gỡ cho phân khúc này.
Dẫn chứng thực tế từ Luật Nhà ở mới vừa được thông qua cũng đã điều chỉnh theo hướng mở hơn, thuận lợi hơn, với cả chủ đầu tư làm dự án và người có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Cụ thể, với việc đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ các thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.
Ngoài ra, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án mà không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục.
Vị chuyên gia đưa ra quan điểm, với những kinh nghiệm đã có trong thời gian vừa qua, cùng những “điểm mở” trong các dự án Luật mới và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ phía Chính phủ, sẽ góp phần tích cực giúp phân khúc nhà ở xã hội đủ lực để phát triển và đạt các kết quả ấn tượng trong năm 2024. Nhất là khi nhu cầu đối với phân khúc này hiện đang rất cao, thậm chí sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian sắp tới.
Chìa khóa tháo gỡ cho nhà ở xã hội
Ông Hoàng Hải nhận định, hiện tại Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho người dân. Việc Luật nhà ở (sửa đổi) mở rộng đối tượng được mua nhà, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và liên minh hợp tác xã trong các khu công nghiệp, đã giúp làm tăng cường nguồn cung và giảm áp lực cho thị trường.
Để tạo sự cạnh tranh và công bằng trong lựa chọn chủ đầu tư, thời gian tới, để chuẩn bị cho quá trình thông qua Luật đất đai, cần tạo được sự thống nhất với hai dự án Luật đã thông qua trước đó, kèm theo cơ chế đấu thầu để đảm bảo chọn lựa công bằng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tầm quan trọng của chính sách Nhà nước trong việc hỗ trợ các chủ đầu tư và điều chỉnh giá bán. Việc tính đúng và đủ giá được coi là quan trọng để thu hút sự quan tâm của các chủ đầu tư.
“Trước đây, giá bán chưa tính đúng, chưa tính đủ nên chưa hấp dẫn các chủ đầu tư. Bây giờ cần tính đúng, tính đủ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thể cân đối, có các bài toán về tài chính nhưng vẫn đảm bảo hài hòa được đáp ứng được mục tiêu, chính sách nhà nước quan tâm đến hỗ trợ để có thể giảm thiểu giá đối tượng này được thụ hưởng”, ông Hoàng phát biểu.
N.Giang