Chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi ngày thì thuộc tầng lớp trung lưu, tiêu dùng cao?

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 14:08:15

Thông thường, việc xác định tầng lớp trung lưu thường dựa trên thu nhập hoặc chi tiêu bình quân ngày/người. Tuy nhiên, một số học giả lại xét về cả học vấn, trình độ, nghề nghiệp...

Một số tổ chức cho rằng, việc xác định tầng lớp trung lưu thường dựa trên chi tiêu bình quân ngày/người. Cụ thể, theo Ngân hàng Thế giới, một cá nhân được cho là thuộc tầng lớp trung lưu khi có chi tiêu trên 15 USD/ngày (theo ngang giá sức mua). Trong khi World Data Lab, cho rằng một người trung lưu sẽ có chi tiêu từ 11-110/USD/ngày. McKinsey đưa ra con số 11 USD/ngày và OECD cho rằng một người cần chi tiêu trong khoảng 10-100 USD/ngày để được xếp vào tầng lớp trung lưu.


Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra dự báo rằng, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 10-20 năm tới. World Data Lab dự báo Việt Nam sẽ có thêm khoảng 23,2 triệu người gia nhập nhóm trung lưu trong 10 năm tới, trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo, hơn 50% dân số của Việt Nam, tương đương khoảng 52 triệu người sẽ thuộc nhóm trung lưu vào năm 2045. Con số này tương đương với dân số Hàn Quốc hiện tại.

Với cách xác định dựa trên chi tiêu trung bình, McKinsey còn đưa ra khái niệm "Tầng lớp tiêu dùng". Thành viên của tầng lớp tiêu dùng được định nghĩa là có đủ thu nhập để trả cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, và quần áo, cũng như các loại hàng hóa dịch vụ tùy theo ý thích khác. Định nghĩa này thống nhất một cách khái quát với các định nghĩa về tầng lớp trung lưu của các tác giả khác.

Một người được xếp vào tầng lớp tiêu dùng tiêu dùng khi họ chi tối thiểu 11 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua (PPP). Nếu mỗi ngày cá nhân đó chi từ 11-30 USD thì được xếp vào tầng lớp tiêu dùng mới, từ 30-70 USD thì được xếp vào tiêu dùng ổn định và trên 70 USD thì được xếp vào tiêu dùng cao.

Trong thập kỷ tiếp theo đây, McKinsey cho rằng, tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam có thể được bổ sung thêm 36 triệu người.

Đây là một sự thay đổi lớn. Năm 2000, chưa đầy 10% dân số Việt Nam nằm trong tầng lớp tiêu dùng, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 40%.


Đến năm 2030, con số này có thể đạt gần 75%. Sức tiêu thụ mới đang nổi lên mạnh mẽ không chỉ từ những người lần đầu gia nhập tầng lớp tiêu dùng, mà còn do thu nhập của tầng lớp tiêu dùng nói chung có xu hướng tăng vọt trong biểu đồ kim tự tháp thu nhập. Hai tầng cao nhất của tầng lớp tiêu dùng (gồm những người chi tối thiểu 30 USD/ngày) đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất, và có thể chiếm 20% dân số Việt Nam ở năm 2030.

Các thành phố nhiều khả năng sẽ là đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam, đóng góp khoảng 90% tổng tăng trưởng tiêu dùng trong thập kỷ tới. Câu chuyện đô thị hóa của Việt Nam thường xoay quanh các thành phố đông dân như Hà Nội và TP. HCM, mỗi thành phố này hiện có hơn 10 triệu dân và tập trung phần lớn tầng lớp trung lưu của Việt Nam.

Tuy nhiên, nghiên cứu của McKinsey thấy rằng trong thập kỷ tới, các nguồn tiêu thụ đô thị nhiều khả năng sẽ lan rộng sang các thành phố nhỏ hơn.

Bên cạnh Hà Nội và TP. HCM, 13 tỉnh, thành phố tiếp theo tập trung nhiều hộ gia đình trung lưu nhất là Hải Phòng, Cần Thơ, Biên Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Vinh, Quy Nhơn, Hạ Long, Rạch Giá và Long Xuyên.

Chia sẻ Facebook