Chi thêm tiền triệu để đi du lịch không mua sắm: Bạn chọn không?

Chia sẻ Facebook
15/05/2022 13:59:38

Rất nhiều du khách phàn nàn về việc đi du lịch theo tour và phải ghé thăm quá nhiều cửa hàng bán đặc sản, quà lưu niệm, được gợi ý mua những vật phẩm cùng các kiểu dịch vụ đắt đỏ.

Khách nước ngoài mua sắm tại chợ Bến Thành, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG


Nhân đọc bài "Tôi ngán ngẩm tour du lịch ghé điểm mua quà là chính" trên Tuổi Trẻ Online, tôi góp mấy ý từ một góc nhìn khác xung quanh chuyện này.


Đi chơi phải có mua quà

Trước nhất, theo tôi, mua quà và hàng lưu niệm trong những tour du lịch là một phần của chuyến đi. Mua để tặng người thân, bạn bè, để lưu giữ kỷ niệm.

Với người Việt, nhu cầu này không thể thiếu. Vấn đề là số lượng, chất lượng và giá cả. Có người mua thì có người bán. Có mua bán sẽ cần người tiếp thị, giới thiệu (dân gian gọi là cò) và phải chi hoa hồng theo tỉ lệ nhất định. Đó là việc bình thường.

Ở các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản... không có cửa hàng đặc sản dành riêng cho du khách vì nhu cầu mua quà của họ cũng đơn giản. Với khách châu Á, nhất là Asean, Nga, Trung Quốc... nhu cầu mua sắm khi ra nước ngoài rất lớn.

Bởi vậy nên mới có tour 0 đồng. Khách chỉ mua vé máy bay khứ hồi giá rẻ. Chương trình tham quan là chùa, nhà thờ, phố cổ, công viên miễn phí; ăn uống và lưu trú qua loa, chủ yếu là mua sắm và các lựa chọn dịch vụ ngoài chương trình.

Nếu chỉ mua sắm thì không thể làm tour 0 đồng. Nguồn thu từ các dịch vụ được gợi ý mới là chính. Có thời gian, khách Trung Quốc đến Thái Lan còn được trả thêm vài chục USD mỗi khách nhờ khả năng mua sắm và các "option ăn chơi tới bến" mà ở quê nhà không có. Dạng tour này gọi chung là tour thương mại, giá rẻ nhờ shopping.

Ngoài hoa hồng cho hướng dẫn viên (HDV), tour leader (dẫn đoàn), nhà xe; các cửa hàng còn phải trích lại cho công ty đem khách tới. Nhờ vậy, giá tour giảm đáng kể. HDV và bộ phận phục vụ cũng vui vẻ vì có thêm thu nhập.

Thực tế trong nghề này, chỉ HDV cơ hữu mới có lương căn bản, đi tour có thêm lương tour tượng trưng. HDV tự do (freelancer) chỉ có lương tour. Đi mấy nước có shopping và dịch vụ, nguồn thu hoa hồng từ các điểm mua sắm và dịch vụ mới quan trọng.


Chiêu trò hay nghệ thuật bán hàng?

Đánh vào tâm lý đám đông, người bán đọc tâm lý, phân loại khách, tập trung mời chào người dễ thuyết phục nhất, từ giá cao đến thấp dần theo túi tiền. Chỉ cần một người mua, cả hội sẽ mua theo.

Khách tự vào các điểm bán đặc sản cũng phải mua giá đó. Mua các option ngoài chương trình của HDV bán còn rẻ hơn giá niêm yết, có khi trên 50%. Giá bán cũng thay đổi tùy khách từng nước, do lượng khách đến và thói quen chi tiêu từng quốc gia.

Các điểm mua bán hàng đặc sản ở Việt Nam quy mô nhỏ nên hoa hồng thường khoán theo đầu xe, một dạng hối lộ trá hình. Khách không mua hoặc mua ít là lỗ.

Các điểm cạnh tranh nhau, liên tục tăng tiền khoán đầu xe. Để bù đắp khoản này, không còn cách nào khác là giảm chất lượng hàng hóa. Hậu quả khách tẩy chay, vào nhưng không mua.

Công bằng mà nói, có những điểm mua đặc sản rất thú vị. Như ở xưởng làm bánh dứa (Đài Loan), khách vừa nghe giới thiệu lịch sử, cách làm, tự làm bánh, mang về; được ăn thử... nên rất thích và nhiệt tình mua. Mấy điểm xem xiếc rắn hổ mang, các bộ sưu tầm về bướm, côn trùng... kết hợp bán hàng đặc sản ở Thái Lan cũng rất đáng vào.

Các điểm mua sắm hàng đặc sản luôn được đưa vào chương trình chính thức của công ty lữ hành để giảm giá (tour nước ngoài) hoặc tăng thu nhập cho HDV, lái xe. Đi Thái Lan, tour học sinh sinh viên, công nhân đắt hơn tour cho công chức, lao động tự do. Các tour trong nước thường có ghé cửa hàng đặc sản (không kể trạm dừng vệ sinh dọc đường, cũng là nơi mua sắm).

Vấn đề là ở người tiêu dùng. Hầu hết du khách thích giá rẻ và không đọc kỹ chương trình, chưa hiểu về những quy định luật pháp du lịch.


Chẳng công ty nào dám công khai đưa vào chương trình quá nhiều điểm ghé mua quà. Nếu không có trong chương trình mà ép khách đi hoặc tự ý hủy bỏ phần nào trong chương trình đều vi phạm pháp luật. Khách có thể đòi bồi hoàn, thậm chí kiện ra tòa vì vi phạm hợp đồng.


Mua hay không là quyền của du khách

Khi vào các điểm mua sắm, mua hay không là quyền của du khách, việc này các nhân viên kinh doanh đều tư vấn rõ khi khách chọn tour. Còn người bán bày "đủ chiêu trò chào hàng" là việc của họ, miễn không ép buộc. Mua hay không, khách hoàn toàn chủ động.

Du khách càng khó tính, các công ty lữ hành càng có dịp tiến bộ. Khách dễ tính xuê xoa, biết HDV làm sai, công ty lừa khách, chỉ cự cãi rùm beng rồi du di bỏ qua là vô tình làm hại ngành du lịch.

Trong kinh doanh, người bán tìm mọi cách bán thứ người mua cần. Những "tour vào các điểm bán đặc sản quà lưu niệm là chính" phải được nhìn từ cả công ty lữ hành lẫn khách hàng. Không ai ép buộc được ai.

Vấn đề là sự minh bạch, công khai từ nội dung chương trình đến từng dịch vụ và sự gặp nhau giữa hai bên, người bán và người mua.

Nếu muốn dành thời gian trọn vẹn để tham quan, trải nghiệm nên chọn những tour không có shopping. Liệu khách có sẵn sàng chi thêm 5 - 7 triệu đồng mỗi tour đi Asean, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan không mua sắm? Bao nhiêu người có nhu cầu như vậy?

Chia sẻ Facebook