Chỉ số VN-Index đã mất mốc 1.270 điểm, xuống thấp nhất 9 tháng qua

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 10:09:49

Chỉ số VN-Index đã mất mốc 1.270 điểm khi giảm gần 60 điểm (4,49%), về mức 1.269,62 điểm trong phiên ngày 9/5, sắc đỏ tiếp tục bao trùm.

Chỉ số VN-Index đã mất mốc 1.270 điểm khi giảm gần 60 điểm (4,49%) trong phiên ngày 9/5, về mức 1.269,62 điểm, thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Sắc đỏ tiếp tục bao trùm thị trường trên diện rộng.

Chỉ số VN-Index mất gần 60 điểm hôm 9/5, thanh khoản toàn thị trường ở mức thấp khiến đà giảm được dự báo chưa dừng. (Ảnh: Bảng giá chứng khoán/mbs.com.vn)

Theo ghi nhận, phiên giao dịch ngày 9/5 có khoảng 445 mã giảm giá (trong đó hơn 220 mã giảm sàn), 27 mã tăng giá và 12 mã đứng giá. Áp lực bán ra mạnh khiến chỉ số VN-Index rơi xuống còn 1.269,62 điểm (tương đương mất 4,49%). Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây.

Trong phiên sáng ngày 9/5, yếu tố chính của chỉ số VN-Index lao dốc là chỉ số VN30 khi toàn bộ 30 mã đều giảm, kéo theo VN30-Index giảm gần 44 điểm (3,18%), xuống dưới ngưỡng 1.330 điểm. Trong đó các mã giảm trên 5% như: PNJ, TCB, MWG, SSI, GVR, KDH, PLX, STB,…

Lo ngại đà giảm tiếp tục nới rộng cùng tâm lý bất ổn sau chuỗi lao dốc gần đây nên nhà đầu tư chấp nhận bán bằng mọi giá. Chỉ số nâng mức giảm lên 40 điểm, sau đó lên 47 điểm và nghỉ trưa tại vùng 1.282 điểm. Phiên sáng có 420 cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu, 79 mã nằm sàn trong khi số lượng cổ phiếu tăng chưa đến 30 mã. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, thép đều chịu áp lực xả hàng.

Chưa dừng lại ở đó, áp lực bán tháo tăng lên khi phiên chiều mở cửa. Chỉ số VN-Index bị rớt xuống sâu hơn, có lúc mất hơn 62 điểm và phá nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng như 1.280 điểm, 1.270 điểm.

Biên độ giảm được thu hẹp sau phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa nhưng không đáng kể. VN-Index chốt phiên tại sát 1.270 điểm, mất gần 60 điểm so với tham chiếu, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng hai tuần và trở về vùng giá thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

Thanh khoản sàn TP.HCM đạt 18.770 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cuối tuần trước. Giá trị giao dịch vẫn ở mức thấp nhưng việc nối dài mạch tăng bốn phiên liên tiếp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện dòng tiền giải ngân ở vùng giá thấp. HPG hôm nay hút hơn 1.075 tỷ đồng, tiếp đến là VPB 777 tỷ đồng và STB 574 tỷ đồng.

Trong khi nhà đầu tư trong nước xả hàng ồ ạt thì khối ngoại lại mua vào. Nhóm này mua vào gần 1.820 tỷ đồng, tập trung ở các mã vốn hoá lớn trong khi chỉ bán ra khoảng 1.240 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng mạnh nhất trong gần hai tuần qua của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, chỉ tính đến hết tháng 4, toàn thị trường chứng khoán có 382 cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, chiếm gần 1/4 trên tổng số 1.616 mã. Riêng trên 2 sàn niêm yết HOSE và HNX có 110 cổ phiếu trong tổng số 757 mã đang giao dịch. Trong đó có những mã giảm gần 50% giá trị.

Nhóm cổ phiếu “họ” FLC trên sàn HOSE đã giảm liên tục trong tháng 4 đến nay, các mã này đều giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí có nhiều mã đang dưới 5.000 đồng/cổ phiếu như ROS có giá 4.590 đồng, KLF có giá 4.100 đồng, HAI có giá 3.980 đồng, AMD có giá 4.300 đồng/cổ phiếu.


Đức Minh

Doanh nghiệp BĐS 'vắng bóng' trên thị trường phát hành trái phiếu tháng 4/2022

Trái với diễn biến luôn dẫn đầu trước đây, doanh nghiệp bất động sản không có một đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ nào trong tháng 4/2022.

Chia sẻ Facebook