Chỉ số VN-Index 11 phiên giảm hơn 118 điểm, nhưng cơ hội kiếm lời vẫn còn?
Chỉ trong 11 phiên trở lại đây, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 118 điểm, lùi về mốc thấp nhất kể từ 10-2021. Không còn cảnh mua đâu thắng đó, nhưng nhà đầu tư vẫn có cơ hội kiếm lời nhờ 'đãi cát tìm vàng'.
"Nhiều mã đang lãi ngon ơ trên 10%, trong vòng hai tuần nay chuyển sang lỗ mất rồi. Thiệt chứ nhiều khi không muốn xem bảng điện, xem thì lo thị trường giảm nữa, mà không xem thì không chịu được", anh Tiến (nhà đầu tư ở TP.HCM) chia sẻ. .
Trải qua phiên giao dịch 19-4 hôm nay, thị trường chứng kiến hơn 160 mã chứng khoán giảm sàn, chỉ số VN-Index cũng giảm hơn 26 điểm, lùi về mốc 1.406 điểm - thấp nhất kể từ ngày 26-10-2021.
Anh K. (nhà đầu tư) chia sẻ nửa thật nửa đùa trên một diễn đàn chứng khoán có hơn 400.000 thành viên: " Giờ mong gì lãi nữa. Giờ mong gì về bờ nữa. Giờ chỉ mong công ty đại hội cổ đông thì đến tham gia ăn buffet gỡ lại thôi."
Trong vòng 11 phiên trở lại đây, chỉ số của sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã bị giảm hơn 118 điểm. Vốn hóa sàn này cũng tiếp tục bị "bốc hơi" hơn 103.700 tỉ đồng chỉ trong phiên giao dịch 19-4, đồng thời sụt giảm hơn 461.200 tỉ đồng (hơn 20 tỉ USD) trong vòng chưa tới hai tuần (kể từ phiên 4-4).
Lý giải về việc thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết nguyên nhân đến từ cả bối cảnh quốc tế và trong nước.
Theo đó, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới thời gian này cũng không mấy thuận lợi, khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tiếp tục đạt mức cao 8,5%, cao nhất kể từ tháng 12-1981 và cao hơn so với dự báo của thị trường là 8,4%.
Các thành viên của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng phát đi tín hiệu mạnh mẽ về việc sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong cuộc họp vào tháng 5-2022. Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục leo thang, các nhà đầu tư trú ẩn ở đồng USD.
Trở về thị trường trong nước, tính từ đầu năm 2022, phiên giao dịch vào ngày thứ hai đầu tuần thường giảm mạnh nhất trong tuần đáo hạn hợp đồng phái sinh hàng tháng, với mức giảm trung bình xấp xỉ -2% và có xu hướng hồi phục về đến phiên đáo hạn (thứ năm).
Điều này cũng lý giải vì sao riêng phiên 18-4 VN-Index lại bị giảm thêm gần 26 điểm, lùi về mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng nay.
Ngoài ra, gần đây hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ phải trải qua chuỗi giảm giá mạnh, xảy ra hiện tượng call margin - công ty chứng khoán thông báo ngừng cho vay ký quỹ.
Dù dự báo thị trường chung vẫn đang nằm trong xu hướng giảm trong ngắn hạn, nhưng vị chuyên gia cho biết vì thời gian qua nhiều cổ phiếu đã chiết khấu mạnh (bị giảm mạnh do yếu tố thị trường, tin đồn…), đồng thời VN-Index giao dịch quanh mốc 1.420-1.430 điểm - vùng hỗ trợ mạnh, nên sẽ kích thích lực cầu bắt đáy mua cổ phiếu quay trở lại trong thời gian tới.
Thêm vào đó, thị trường vẫn có nhiều yếu tố tích cực và có phần trưởng thành hơn so với trước kia.
"Đợt này thị trường chứng khoán giảm, nhưng so với nhiều giai đoạn trước đây thì không quá đáng ngại. Năm 2020 dịch COVID-19 lần đầu bùng phát, VN-Index cũng giảm mạnh kịch biên độ, bán tháo trên diện rộng. Năm 2021 cũng trải qua nhiều đợt giảm mạnh.
Ở năm 2022, hiện tại dòng tiền đang có sự phân hóa, kể cả khi thị trường chung giảm thì nhiều cổ phiếu ngành bán lẻ, hóa chất, tiêu dùng, công nghệ… vẫn phục hồi, tăng trưởng mạnh và lập đỉnh trong những ngày qua. Điều này sẽ góp phần giúp thị trường tránh bị giảm quá sâu và kéo dài", ông Minh cho hay.
Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2014 cổ phiếu của Tập đoàn FLC bị giảm mạnh, thị trường chứng khoán bị lao dốc theo. Nhưng hiện tại dù cổ phiếu "họ FLC" bị giảm sàn liên tục, thì nhiều cổ phiếu khác vẫn tăng. Thay vì bán tháo ồ ạt, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng cơ cấu danh mục, chuyển qua mua cổ phiếu có thanh khoản cao và nền tảng tốt.
"Sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán lúc này là không cần thiết. Nhiều thông tin trong thời gian qua đều có bản chất tốt, ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng dài hạn sẽ giúp tăng tính minh bạch, tăng trưởng bền vững thay vì tăng trưởng nóng.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có việc kiểm soát dòng tiền đổ vào bất động sản. Đồng thời lãi suất trong thời gian tới có thể tăng nhưng chỉ nhích nhẹ. Nền kinh tế cũng đang trong giai đoạn kích thích để hồi phục sau dịch. Nên cơ hội cho thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều", vị chuyên gia chia sẻ.
Chỉ trong phiên giao dịch hôm nay 19-4, toàn thị trường chứng khoán đã có tới 162 mã bị rớt xuống giá sàn. Trong vòng 11 phiên trở lại đây, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 118 điểm. Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu cũng bị sụt giảm.