Chỉ số giá bất động sản tại Hà Nội và TPHCM tiếp tục tăng trong quý 3

Chia sẻ Facebook
20/11/2022 10:06:58

Theo báo cáo mới công bố về Chỉ số Giá Bất động sản của Savills (SPPI) quý 3/2022, Chỉ số Giá Bất động sản Nhà ở và Văn phòng tại Hà Nội và TPHCM đều có xu hướng gia tăng. Ở góc độ phát triển dự án, mặc dù chỉ số giá nhân công xây dựng công trình tại TPHCM không có biến động gì nhưng chỉ số giá xây dựng công trình và giá vật liệu xây dựng liên tục duy trì đà tăng từ quý 3/2021 cho đến nay.

Chỉ số giá bất động sản tại Hà Nội và TPHCM tiếp tục tăng trong quý 3

Chỉ số Giá Nhà ở

Chỉ số giá nhà ở tại TPHCM là 130 điểm và tăng 1 điểm so với quý trước. Sự gia tăng này đến từ việc giá sản phẩm Hạng B tại quận 9 tăng 13% và Nhà Bè tăng 5%.

Trong quý 3/2022, tỷ lệ hấp thụ đạt 15% giảm 54 điểm % so với quý trước nhưng tăng 1 điểm % so với cùng kỳ. Sự sụt giảm đáng kể đến từ việc giá sơ cấp tăng cao, niềm tin của người mua nhà giảm bởi việc lãi suất tăng và kiểm soát tín dụng chặt chẽ. Nguồn cung nhà ở Hạng B chiếm 54% nguồn cung sơ cấp, với giá cao nhất là 10 tỷ đồng /căn. Dòng sản phẩm Hạng A chiếm 23% nguồn cung sơ cấp, với mức giá lên tới 30 tỷ đồng/căn.

Chỉ số này tại Hà Nội cũng ghi nhận đà tăng với 8 điểm so với quý trước, đạt mức 126.1 điểm, ghi nhận mức tăng cao nhất trong 12 quý liên tiếp, cao hơn 21% so với mức đáy 104.1 tại quý 3/2019. Giá bán trung bình đạt 37 triệu đồng/m2, tăng 8% so với quý trước do có các dự án mới gia nhập thị trường và 65% các dự án mở bán tăng giá.

Theo phân tích của Savills, nguồn cung hạn chế, chất lượng được cải thiện và chi phí xây dựng gia tăng đã thúc đẩy giá nhà ở tại Hà Nội tăng.

Chỉ số Giá Văn phòng

Ở phân khúc văn phòng, thị trường văn phòng TPHCM được cải thiện trong quý 3 sau một thời gian ổn định trong thời kỳ đại dịch. Chỉ số văn phòng TPHCM đạt 98 điểm, tăng 3 điểm so với quý trước và 5 điểm so với cùng kỳ. Công suất cho thuê Hạng B tăng 3 điểm % so với quý trước lên 92%, Hạng A tăng 2 điểm % lên 97% và Hạng C tăng 1 điểm % theo quý lên 94%; sự gia tăng đã thúc đẩy sự cải thiện.

Báo cáo SPPI cho thấy văn phòng khu vực ngoài trung tâm đang có tốc độ tăng trưởng về giá khá nhanh. Cụ thể, chỉ số của khu vực ngoài trung tâm đã tăng lên 111 điểm trong quý này, tăng 4 điểm so với quý trước và 7 điểm so với cùng kỳ. Tỷ lệ lấp đầy ở khu vực ngoài trung tâm cải thiện 2 điểm % so với quý trước và 4 điểm % so với cùng kỳ lên 91%, và giá thuê cũng tăng lần lượt 1% và 3%.

Chỉ số khu vực CBD đạt 109 điểm, cải thiện 3 điểm so với quý trước và 7 điểm so với cùng kỳ nhờ công suất thuê tăng 2 điểm và giá thuê tăng 1% so với quý trước. Nhóm văn phòng Hạng A có mức tăng giá thuê cao nhất lần lượt là 3% so với quý trước và 2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại Hà Nội, Chỉ số Giá Văn phòng đạt 72.9 điểm, tăng 2.4 điểm so với quý trước và 6 điểm so với cùng kỳ, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Công suất thuê ở tất cả các phân khúc đều tăng, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hậu Covid-19. Công suất cho thuê của hạng C có mức tăng lớn nhất 4 điểm % so với quý trước, đạt 96%. Công suất của Hạng A đạt 84% và Hạng B đạt 89% sau khi cả hai hạng đều cải thiện 1 điểm % so với quý 2.

Chỉ số giá khu vực CBD thành phố tăng 1.9 điểm so với quý trước và 5.1 điểm so với cùng kỳ lên 91 điểm nhờ giá thuê tăng 2% so với quý 2. Công suất thuê ổn định theo quý nhưng tăng 2.2 điểm % theo năm lên 92%. Công suất cho thuê đạt 89%, tăng 1.7 điểm % so với quý trước, giá thuê cũng ghi nhận tăng 1.5%, báo cáo SPPI nhấn mạnh điều này đã giúp chỉ số khu vực ngoài trung tâm tăng 2.8 điểm theo quý và 7.7 điểm theo năm, lên 83.7 điểm.

Môi trường kinh doanh được kỳ vọng cải thiện


Theo khảo sát CEO Pulse vào tháng 9 vừa qua của Cimigo với 50 CEO tại Việt Nam, 70% kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ cải thiện trong năm tới.

Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận định rằng so với các nước khác trong khu vực, nhân sự Việt Nam có những đặc tính tương đương hoặc lợi thế. Chi phí nhân sự và mức độ chăm chỉ là các lợi thế nổi bật nhất.


Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng ( CCI ) là một chỉ số kinh tế hàng đầu do Trading Economics công bố. Chỉ số CCI trên 100 cho thấy người tiêu dùng lạc quan và nhiều khả năng sẽ chi tiêu, trong khi chỉ số dưới 100 cho thấy sự bi quan và người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn. CCI của Việt Nam dự kiến đạt 121 điểm vào cuối quý 4/2022, tăng từ 113 điểm trong quý 4/2021.


Theo khảo sát của Deloitte với 1,000 hộ gia đình trên toàn quốc trong quý 4/2021, 56% số hộ lạc quan về triển vọng kinh tế ngắn hạn, được định nghĩa là triển vọng kinh tế trong 12 tháng tới; 77% số hộ lạc quan về triển vọng kinh tế trung hạn, được định nghĩa là triển vọng kinh tế trong một đến ba năm tới.

Chia sẻ Facebook