“Chỉ số đã giảm rất mạnh, hy vọng chuyển biến tích cực hơn trong năm 2023”
"Chỉ số đã giảm rất mạnh, chúng tôi hy vọng sau giai đoạnnày chỉ số có thể có những diễn biến tích cực hơn trong năm 2023. Có lẽ là chúng ta cũng chưa thể kỳ vọng thị trường sẽ sớm quay trở lại sự tăng trưởng".
Là nhận định của ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tại Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8 khi được hỏi nhận định thị trường chứng khoán thời gian tới, trước tác động của tỷ giá và lãi suất.
BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép về tỷ giá, lãi suất như thế nào?
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Như chúng ta đã biết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho đến thời điểm này đã có 6 lần tăng lãi suất với tổng cộng mức tăng là 3,75% - bước đi rất mạnh mẽ của FED. Điều này làm cho đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác, tạo nên sức ép cho tỷ giá của Việt Nam.
Tuy nhiên, với chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan quản lý, mức độ tỷ giá gây áp lực đối với nền kinh tế nói chung chưa nhiều như ở các quốc gia khác. Thời điểm này đồng VNĐ so với đồng USD mất giá vào khoảng 8,8%, mạnh hơn so với thời điểm cuối quý II, khoảng trên 4%. Tuy nhiên nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, các đồng tiền khác trong khu vực đều mất giá so với đồng USD trên mức 10%, trung bình là khoảng 12%-16%. Thậm chí Yên Nhật mất giá khoảng 27% so với đồng USD.
Còn về tác động thì kết quả kinh doanh quý III cũng đã phần nào phản ánh những khó khăn này. Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp theo như chúng tôi thống kê thì đã giảm khoảng trên 5%, mức này nếu mà so với các quý trước thì đã ảnh hưởng rất lớn. Nếu mà chúng ta nhìn vào quý I/2022, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn, công ty niêm yết tăng ở mức khoảng trên 51%. Ở quý II thì mức tăng trưởng khoảng 26%, nhưng mà đến quý III này thì đã chuyển sang giảm. Tôi đang nói các doanh nghiệp phi tài chính, tôi không nói đến lợi nhuận của ngành ngân hàng có mức tăng trưởng là 53%. Nếu mà nhìn vào kết quả kinh doanh này thì thấy sức ép cũng như tác động của sự biến động của môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này thì theo ông nhóm ngành nào bị ảnh hưởng nặng nhất và vì sao?
Câu chuyện tỷ giá một số ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như một số ngành chúng ta thường phải nhập khẩu như ngành bán lẻ chẳng hạn, hầu hết các sản phẩm trong ngành này đều nhập khẩu về để bán trong nước. Khi tỷ giá tăng, giá cả của các mặt hàng này sẽ tăng lên, tác động đến mức tiêu thụ của sản phẩm này.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều các nguyên vật liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Khi mà tỷ giá tăng thì cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như kết quả của rất nhiều doanh nghiệp trong quý III vừa rồi, điển hình nhất là các doanh nghiệp trong ngành thép.
Ngoài ra các ngành mà các doanh nghiệp họ đi vay nợ bằng đồng USD, ví dụ như một số doanh nghiệp trong ngành điện, chủ yếu các khoản vay tính bằng đồng USD. Vì thế khi VNĐ mất giá thì họ sẽ phải ghi nhận khoản lỗ về chênh lệch tỷ giá. Còn đối với lãi suất ảnh hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều. Bởi vì hầu hết các doanh nghiệp ở trên thị trường đều sử dụng vốn vay ngân hàng và khi lãi suất tăng lên hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, ở mức độ ít hay nhiều mà thôi.
Thực tế, các doanh nghiệp không chỉ chịu áp lực kép lãi suất và tỷ giá, mà tổng cầu cũng đang suy giảm, theo ông những nhóm ngành nào đang chịu ảnh hưởng từ tổng cầu này?
Rõ ràng lạm phát toàn cầu đều gia tăng rất mạnh. Ở Mỹ vừa rồi CPI có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao; hay ở khu vực Châu Âu, CPI vẫn đang ở mức cao nhất trong lịch sử, khiến người dân cũng như các doanh nghiệp ở các quốc gia này cũng sẽ giảm bớt nhu cầu về đầu tư, chi tiêu, giảm nhu cầu đối với các hàng hóa đặc biệt, các hàng hóa nhập khẩu trong đó có cả hàng hóa của Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn thấy ngành dệt may, da giày hay các hàng nông sản khác, ví dụ như hạt tiêu, hạt điều đều đang có những khó khăn nhất định. Đơn hàng họ bị giảm đi hoặc giãn những đơn hàng ra, thậm chí có những doanh nghiệp còn phải giảm số lượng công nhân hoặc là đóng cửa nhà máy. Đấy là những tác động bất lợi đối với các doanh nghiệp của chúng ta.
Vậy theo ông, các doanh nghiệp nên làm gì để xoay sở vào lúc này?
Trong bối cảnh như hiện tại, tôi vừa nói về áp lực trong quý II và quý III, còn trong quý IV có lẽ chúng ta cũng sẽ nhìn thấy rõ hơn nữa những áp lực trong môi trường về tỷ giá cũng như lãi suất, sự sụt giảm của nhu cầu đối với các hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa từ bên ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp cũng đã nhìn nhận được phần nào những khó khăn đấy và có những động thái khá tích cực để chuẩn bị, ví dụ giảm chi phí rồi tăng thêm tỷ lệ tiền mặt để đề phòng hoặc chuyển đổi số. Tại SHS giai đoạn vừa rồi cũng đầu tư khá mạnh và xây dựng một ứng dụng giao dịch hoàn toàn mới trên nền tảng di động cả Android lẫn IOS có tên SH Trading. Đồng thời trong thời gian tới để hỗ trợ nhà đầu tư, dự kiến là SHS cũng sẽ có chương trình giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư cơ sở thông qua ứng dụng SH Trading, áp dụng từ giữa tháng 11 cho đến giữa tháng 12.
Thực tế, không phải nền kinh tế nào cũng đang thắt chặt, ví dụ như Nhật Bản và Trung Quốc đang thông qua các gói kích thích kinh tế, như vậy đây có phải là cơ hội cho các doanh nghiệp hướng sang nhiều hơn các thị trường này?
Như chúng ta đã biết hiện tại thị trường Mỹ và thị trường Châu Âu chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường ở Châu Á, ở gần Đông Nam Á cũng là một thị trường rất quan trọng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc hiện tại chiếm khoảng 16% kim ngạch. Thời gian vừa rồi Chính phủ Trung Quốc cũng đã có chính sách nới lỏng dần các biện pháp hạn chế để chống dịch, dần mở cửa nền kinh tế thì các doanh nghiệp có thể chuyển hướng dần sang thị trường này.
Hoặc là đối với với thường Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thị trường mà có thể nói là cửa ngõ để vào Châu Âu. Đây cũng là một thị trường mà chúng ta có thể tận dụng để xuất khẩu các mặt hàng nông sản hoặc mặt hàng dệt may để phần nào đó để đa dạng hóa các thị trường để có thể mà vượt qua được giai đoạn khó khăn trong thời gian tới.
Trước bối cảnh trên, theo ông từ nay đến hết năm thị trường sẽ diễn biến như thế nào?
Giai đoạn vừa rồi thị trường đã có một đợt giảm khá mạnh. Tháng vừa rồi VN-Index giảm 9,2%, nếu tính từ đầu năm đến giờ thì chỉ số VN-Index đã giảm khoảng trên 31%. Rất nhiều giá các cổ phiếu cũng một phần chịu ảnh hưởng từ thị trường. Thứ hai là họ cũng đã phản ánh phần nào những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên sẽ còn thấy những khó khăn tiếp tục trong quý IV này nữa bởi vì ở Việt Nam, lãi suất điều hành cũng mới tăng 2% trong 2 tháng gần đây, tuy nhiên trong thời gian tới lãi suất cũng sẽ tăng lên. Bởi vì chỉ số đã giảm rất mạnh rồi chúng tôi hy vọng sau giai đoạn tích lũy này chỉ số có thể có những diễn biến tích cực hơn trong năm 2023. Có lẽ là chúng ta cũng chưa thể kỳ vọng thị trường sẽ sớm quay trở lại sự tăng trưởng, vượt qua những mức mức giá của năm đầu năm 2022, mức 1.500 điểm ở trong ngắn hạn.
Những nhóm ngành nào theo ông sẽ vượt qua "giông bão" này?
Có một số ngành mà nếu nhà đầu tư quan tâm cũng có thể lưu ý. Một là ngành công nghệ, các doanh nghiệp trong tiến trình để cắt giảm chi phí họ sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển sang số hóa, đây cũng là cơ hội của các công ty trong ngành công nghệ. Bên cạnh đó các công ty công nghệ cũng ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố tỷ giá hay lãi suất bởi vì họ cũng vay nợ ít. Thậm chí có một số công ty họ cũng được hưởng lợi từ câu chuyện tỷ giá. Ví dụ doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm thì doanh thu đấy chủ yếu bằng ngoại tệ.
Thứ hai ngành cảng biển, logistics là những ngành mà các nguồn thu của họ chủ yếu tính bằng ngoại tệ. Ngoài ra, cũng phải kể đến là một số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản khu công nghiệp. Bởi vì làn sóng của doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn đang khá tốt và hầu hết các doanh nghiệp trong ngành này, doanh thu của họ cũng chủ yếu được niêm yết bằng tỷ giá trong khi đó thì chi phí đều bằng tiền VNĐ và nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp hiện tại đang có nguồn thu rất ổn định.
Bên cạnh đó một số các doanh nghiệp trong ngành dầu khí khá tiềm năng như hiện tại, ngoài ra, họ có lượng tiền mặt lớn, có thể phòng thủ vượt qua những đoạn khó khăn này.