Chỉ sau vài tháng giông bão, cổ phiếu “trà đá” lại tràn ngập thị trường
Không chỉ số lượng cổ phiếu “trà đá” tăng vọt, danh sách dưới mệnh giá cũng được nối dài thêm hàng trăm cái tên sau những đợt sụt giảm từ đầu năm.
Thị trường chứng khoán đã ghi nhận thêm một dấu mốc buồn khi VN-Index rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng kể từ tháng 2/2021. Không khí ảm đảm bao trùm thị trường trái ngược hoàn toàn với sự sôi động chưa từng có kéo dài trong suốt cả năm ngoái. Con sóng đầu cơ qua đi lại kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt cổ phiếu “trà đá” trên thị trường.
Thống kê cho thấy, số lượng cổ phiếu có thị giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu trên cả 3 sàn đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Thời điểm 31/12/2021, toàn thị trường có 117 cổ phiếu “trà đá” nhưng chủ yếu đang giao dịch trên UpCOM và chỉ 2 cổ phiếu niêm yết là ACM, LCS trên HNX trong khi HoSE thậm chí không còn cái tên nào có thị giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến hiện tại, số lượng cổ phiếu “trà đá” trên toàn thị trường đã tăng thêm gần trăm mã lên hơn 200 cái tên trong đó có 50 cổ phiếu đang niêm yết. Danh sách này hiện đang có một loạt cái tên từng rất “hot” trong năm qua như “họ” FLC (FLC, ROS, HAI, AMD, KLF), “họ” Louis (BII, TGG). Ngoài ra, nhiều cổ phiếu đơn lẻ từng tăng sốc trong năm ngoái như HQC, HAR, PVL, TNI, JVC, VKC, TB, KMR,... cũng đều đã về dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ số lượng cổ phiếu “trà đá” tăng vọt, hàng trăm cổ phiếu cũng đã về dưới mệnh giá sau những đợt sụt giảm từ đầu năm. Theo thống kê, thời điểm hiện tại, toàn sàn chứng khoán có đến 540 cổ phiếu dưới mệnh giá, tăng thêm hơn 200 cái tên so với cuối năm ngoái. Trong danh sách này có một loạt cổ phiếu “đình đám” từng làm mưa làm gió trên thị trường năm ngoái như FIT, TSC, HNG, ITA, SJF, TVB, POM, DAH, HBS, QCG, LDP, TLH, SCR,...
Chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu trong câu lạc bộ 100 (thị giá 3 chữ số) vốn đã ít lại còn vơi đi đáng kể sau 9 tháng đầu năm nay. Rất nhiều “siêu cổ phiếu” có thể kể đến như L14, THD, DGC, RAL, FRT, VCS, CTD, SSH, MCH,... đã rụng khỏi nhóm cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn. Cần phải lưu ý thêm rằng, ngoài việc cổ phiếu giảm mạnh, thị giá một số cái tên như MWG, SCS, DGW còn bị điều chỉnh sâu do các đợt phát hành, chia thưởng,...
Sau khi thủng đáy trong phiên 28/9 vừa qua, thị trường được dự báo sẽ còn nhiều sóng gió trước khi tìm được điểm cân bằng mới. Theo EVS Research, dù thị trường vẫn trong vùng định giá rất hấp dẫn, song nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trong giai đoạn tuần cuối tháng 9 và tuần đầu tháng 10 do đây là giai đoạn thị trường có thể sẽ có nhiều biến động bất thường.
Nếu thị trường tiếp tục giảm, số lượng cổ phiếu “trà đá”, dưới mệnh chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số hiện tại. Chiều ngược lại, đương nhiên cũng sẽ có một vài cổ phiếu ngược dòng để thoát “mác” trà đá, thậm chí vượt mệnh giá nhờ câu chuyện riêng nhưng số lượng sẽ không nhiều.
Về dài hạn, triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ tình hình vĩ mô ổn định và định giá hấp dẫn trên cơ sở khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Kinh tế nội địa vẫn đang vận hành tốt và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao trong đó Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt được 2 chữ số trong quý 3 và 7,8% trong năm 2022.
Tương tự, Pyn Elite Fund cũng bày tỏ quan điểm tin tưởng nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những áp lực và tốc độ tăng trưởng có thể chống chọi lại với khủng hoảng. Quỹ ngoại dự phóng tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 7,5% trong năm nay và tăng trưởng thu nhập tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể đạt 25%. Do đó, chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá đặc biệt rẻ trong tương quan với triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới.
Nhà quản lý Pyn Elite Fund khuyên nhà đầu tư nên lựa chọn danh mục một cách thận trọng với đầy đủ các cổ phiếu được mua ở mức định giá thấp. Nền kinh tế ổn định và triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán nhanh chóng tăng trở lại, một khi bất ổn lắng xuống. “Khi bão qua đi, trời sẽ lại bừng sáng” - Petri Deryng nhấn mạnh.