Chi phí tăng, sản xuất gặp khó
Các doanh nghiệp sản xuất đang đối diện với hàng loạt khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, giá đầu vào bị đội lên rất cao trong khi đầu ra vẫn chưa khởi sắc.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đang đứng trước bài toán khó là nếu tăng giá bán theo mức tăng của chi phí đầu vào, việc tiêu thụ hàng hóa sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể không dễ đàm phán với đối tác về mức giá mới. Nhưng nếu không tăng giá bán, doanh nghiệp sẽ bị lỗ.
Có đơn hàng cũng không dám nhận
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại TP.HCM cho biết các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao.
Thời gian qua, các nguyên vật liệu sản xuất đến các loại bao bì, vỏ sản phẩm đã đội giá, đến nay đã tăng trên 20%. Doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm, nhưng mức tăng chưa tới 8% nhằm giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn thường xuyên nhận các bảng báo giá mới, đặc biệt là chi phí vận chuyển từ các đối tác sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu. Theo vị này, cái khó của doanh nghiệp sản xuất đó là nguyên vật liệu nhập khẩu lẫn trong nước đều tăng, chi phí vận chuyển tăng cao nhưng nhà sản xuất khó để nâng giá đầu ra với mức tăng tương ứng.
Thay vào đó, doanh nghiệp phải cắt giảm tối đa các chi phí sản xuất, hạ lợi nhuận để giảm thấp nhất việc phải nâng giá bán. Chẳng hạn trước đây khi giá đầu vào tăng chừng 5-6% là có thể đàm phán để điều chỉnh giá đầu ra.
"Nhưng với bối cảnh vật giá đều tăng, nỗi lo lạm phát càng khiến cuộc sống của người tiêu dùng chật vật hơn nên việc tăng giá bán là bước đi cuối cùng mà doanh nghiệp phải lựa chọn nếu không thể cầm cự được thêm", vị này nói.
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết dù khách mua từ các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu... có nhu cầu đặt hàng rất lớn với các mặt hàng thực phẩm như bún, mì ăn liền, đồ uống... tuy nhiên các doanh nghiệp không dám nhận bởi vì giá đầu vào thay đổi quá nhanh, nếu ký hợp đồng giá trị lớn, doanh nghiệp sẽ khó điều chỉnh khi giá thay đổi.
"Các doanh nghiệp sản xuất ngành lương thực, thực phẩm của TP.HCM đang đối diện với "cơn bão giá" khi tất cả nguyên vật liệu, giá nhập khẩu đã tăng 20-30%. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để duy trì mặt bằng giá, không để lạm phát tăng cao", bà Chi cho biết.
Tăng giá bán, lo tiêu thụ giảm
Ông Nguyễn Quốc Anh - chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM - nói ngành nhựa và cao su đang trải qua giai đoạn "cực kỳ khó khăn" bởi dầu mỏ đội giá khiến nguyên liệu của ngành này tăng cao trong thời gian dài.
Từ đầu năm đến thời điểm này, nhiều nguyên vật liệu đã tăng 30-50%. Bên cạnh đó, cước vận chuyển nội địa cũng tăng theo giá xăng dầu, khiến chi phí vận chuyển bị đội lên 10-15%, chưa kể nhiều chi phí khác cũng tăng ăn theo giá xăng dầu.
Hơn nữa, chi phí vận tải quốc tế vẫn neo cao khiến đơn hàng đi châu Âu, đi Mỹ giảm trong khi lợi nhuận cũng giảm. "Chúng tôi xác định năm nay là một năm khó khăn bởi giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí vận tải xăng dầu tăng cao, dù Nhà nước có các giải pháp giảm giá xăng dầu đi chăng nữa nhưng mặt bằng giá thế giới vẫn cao nên rất khó để kéo giảm các chi phí đầu vào", ông Anh nói.
Do chi phí đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp cho biết phải tăng giá đầu ra 5-7% tùy từng loại mặt hàng. Tuy nhiên, cái khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là chưa thể đàm phán với các đối tác nước ngoài để nâng giá bù đắp chi phí trong khi vì giá cao nên đối tác cũng bắt đầu giảm đơn hàng.
"Đối với các đối tác nước ngoài, việc tăng giá đầu ra 5-10% cực kỳ khó, chỉ có một vài doanh nghiệp họ đàm phán được, còn đa số vẫn khó để đàm phán tăng giá", một doanh nghiệp ngành nhựa chia sẻ.
Để đảm bảo duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng tìm các nguồn nguyên liệu mới có giá thành rẻ hơn hoặc chuyển sang mua chung nguyên vật liệu để bớt đi các chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải cắt giảm các chi phí chưa cần thiết thời điểm này để giữ công ăn việc làm cho công nhân.
"Điều đáng lo là từ đầu quý 2 đã ghi nhận xu hướng người dân giảm chi tiêu đối với một số mặt hàng trong ngành cao su, nhựa như đối với sản phẩm săm lốp, các sản phẩm tiêu dùng từ nhựa", giám đốc một doanh nghiệp ngành nhựa - cao su lo lắng.
Ngành ximăng "bế tắc" vì giá than tăng cao
Tại hội thảo phát triển ngành vật liệu xây dựng (VLXD) do Hội VLXD VN tổ chức ngày 22-6, các doanh nghiệp trong ngành VLXD cho biết đang gặp nhiều khó khăn do chi phí vật liệu tăng quá cao.
Ông Nguyễn Quang Cung - phó chủ tịch Hội VLXD VN - cho biết giá than nội địa trước đây chỉ 1,8 triệu đồng/tấn, hiện tăng lên 4 triệu đồng/tấn, trong khi than nhập khẩu lên 5 triệu đồng/tấn.
Dù giá than nội địa tăng cao, các doanh nghiệp cũng không thể mua được trong khi tỉ trọng than trong giá thành sản xuất ximăng đã tăng lên 53-55% thay vì chỉ 35% như trước khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Cung, điều trớ trêu là than tại Trung Quốc không tăng giá, Thái Lan và Indonesia cũng tăng rất ít trong khi Nga giảm giá than. "Hiệp hội đã bàn chuyện nhập khẩu than từ Nga nhưng không làm được, lo các nước phương Tây đưa vào diện tiếp tay cho Nga.
Chúng tôi đang bế tắc khủng khiếp", ông Cung nói và cho biết thêm tỉ lệ tiêu thụ ximăng trong tháng 5 chỉ bằng 92% cùng kỳ và xuất khẩu chỉ bằng phân nửa năm ngoái.
Ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) - cho biết bước sang quý 2-2022, tình hình tiêu thụ các sản phẩm VLXD cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều giảm do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, cộng với giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là xăng dầu và các chi phí leo thang khiến ngành sản xuất VLXD giảm đáng kể về sản lượng.
T rong quý 1, sản xuất ximăng đã giảm đến 25% so với cùng kỳ 2021, gạch không nung giảm gần 7% và một số VLXD khác cũng giảm 1-2%, riêng sứ vệ sinh và kính tăng hơn 7%.
Mặc dù thời tiết năm nay có phần thuận lợi hơn, giúp sản lượng mủ cao su có thể gia tăng, nhưng đại diện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết lợi nhuận vẫn không được cải thiện mấy do chi phí phân bón, điện... tăng mạnh.