Chi phí nhiên liệu tăng ảnh hưởng thế nào đến hãng hàng không Việt?

Chia sẻ Facebook
07/07/2022 16:23:50

Giá nhiên liệu tăng cao đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao mặc dù dịch Covid-19 dần được kiểm soát.


Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm các hãng hàng không của Việt Nam vận chuyển được 20,1 triệu lượt khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 6/2022, lượng khách đi lại nội địa qua đường hàng không đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19). Cục cũng dự báo rằng các hãng hàng không Việt Nam cũng dự kiến vận chuyển được 43,3 triệu lượt khách trong năm nay, tăng 185% so với năm trước.

Với những số liệu khả quan trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc Chính phủ đã mở cửa lại hoàn toàn đất nước từ 15/3, các hãng hàng không Việt Nam nhận được nhiều kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau 2 năm đại dịch. Tuy nhiên, năm nay không gặp khó khăn vì Covid-19 thì các hãng hàng không lại tiếp tục đối mặt với khó khăn mới. Đó chính là giá dầu tăng.

Tuy có sự sụt giảm trong thời gian gần đây nhưng trong phiên giao dịch ngày 5/7, giá dầu Brent đang giao dịch ở mức 104 USD/thùng, tăng khoảng 33% so với đầu năm. Thời điểm đầu tháng 3, giá dầu có lúc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 đạt 130,2 USD/thùng, và giao dịch quanh mức 110 USD/thùng kể từ thời điểm đó đến nay.

Giá dầu tăng cao đã khiến cho giá nhiên liệu bay tăng nhanh theo giá dầu. Điều này đã gây ra những tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành vận tải, đặc biệt là các hãng hàng không.

"Mặc dù đặt mục tiêu doanh thu tăng nhưng chi phí nhiên liệu bay còn tăng mạnh hơn", đó là những gì ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines gần đây. Mặc dù đặt mục tiêu doanh thu là 45.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm ngoái nhưng hãng hàng không quốc gia vẫn lỗ gần 10.000 tỷ đồng, giảm 23,5% so với năm trước. Giá nhiên liệu vẫn tiếp tục tăng thì công ty có thể lỗ thêm.

Theo ông Hiền, chi phí nhiên liệu nếu đạt mức 133 USD/thùng thì chiếm 40% chi phí. Tuy nhiên nếu vượt mốc 160 USD/thùng thì chi phí bay có thể tăng lên xấp xỉ 50%. Giá nhiên liệu bay đã lên mức lên trên 160 USD/thùng, nếu còn tăng thêm thì chi phí hoạt động có thể tăng thêm 4.300 tỷ đồng, cao hơn giá mà công ty dự tính.

Các cổ đông cũng đặt thắc mắc rằng việc giá nhiên liệu lên cao như vậy thì công ty có phương án quản trị rủi ro với giá dầu (hedging giá dầu) để giảm chi phí hay không. Ông Hiền cho rằng việc làm này là con dao hai lưỡi. Vietnam Airlines đã từng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên triển khai việc quản trị rủi ro giá dầu, từ những năm 2010. Tuy nhiên thị trường đã thay đổi, nếu coi đây là một phương pháp tiết kiệm chi phí có thể sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn. Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa cho phép thực hiện điều đó, giá dầu lên cao như bây giờ quản trị rủi ro càng khó. Gặp khó khăn là vậy nhưng ông khẳng định hãng hàng không sẽ làm tất cả để cắt giảm chi phí.

Vietnam Airlines vẫn gặp khó năm nay vì giá dầu tăng.

Năm nay, với việc giá dầu tăng cao nên Vietnam Airlines đã đưa ra nhiều phương án để có thể giảm thiểu khoản lỗ của mình. Đầu tiên, công ty sẽ tái cơ cấu đội tàu bay của mình. Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bán 29 máy bay, trong đó có 23 tàu bay Airbus A321 và 6 tàu bay ATR 72. Năm 2021, công ty mới bán 2 máy bay. Việc này được đánh giá là chưa thành công như mong đợi những doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch, có thể bán đứt hoặc cho thuê lại, hỗ trợ cho dòng tiền.

Cùng việc bán máy bay, Vietnam Airlines sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình, trong đó có việc thoái vốn khoải Pacific Airlines. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đang có nhiều vướng mắc trong việc chuyển nhượng vốn vì là doanh nghiệp Nhà nước. Hiện đã tìm được một vài nhà đầu tư tiềm năng nhưng cơ chế rất phức tạp vì Pacific Airlines là doanh nghiệp đặc biệt khi đang lỗ lớn. Công ty đang xin cơ chế Nhà nước để lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở công khai, minh bạch. Đây là vướng mắc trong việc vận dụng cơ chế chính sách.

Ngoài ra, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng chia sẻ thêm rằng công ty đang kiến nghị Bộ Tài Chính nới giá trần giá vé máy bay - xây dựng thực tế trên giá nhiên liệu. Giá trần sẽ được tăng theo giá nhiên liệu. Lúc xây dựng giá trần thì giá dầu mới ở mức 80 USD/thùng. Việc xin phụ thêm chi phí nhiên liệu có thể gia tăng doanh thu, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra hãng hàng không cũng muốn nới biên độ giá để tăng tính cạnh tranh, tạo ra nhiều cơ hội khai thác. Thời gian tới, Vietnam Airlines cũng sẽ tiến hành tăng vốn để thoát âm vốn chủ sở hữu.

Trên thế giới, không chỉ mỗi Vietnam Airlines gặp khó khăn vì giá dầu tăng. Hồi tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Các nhà vận hành hàng không Nigeria (AON) đã ra thông báo các hãng hàng không thành viên sẽ ngừng hoạt động trên toàn quốc. AON gồm có 9 thành viên nằm trong số các hãng hàng không lớn nhất Nigeria. Quyết định được đưa ra do giá nhiên liệu đã tăng gấp 4 lần từ đầu năm cho đến thời điểm đó.

Với những khó khăn trên, ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch Vietnam Airlines dự báo ngành hàng không thế giới đến năm 2024 ngành hàng không thế giới mới có thể phục hồi lại như trước dịch.

Dù thị trường có nhiều khó khăn, Vietjet vẫn tự tin đặt kế hoạch tham vọng

Tuy nhiên, một hãng hàng không khác của Việt Nam là Vietjet lại đặt ra một kế hoạch tham vọng trong năm nay. Cụ thể, Vietjet đặt ra mục tiêu doanh thu hợp nhất 32.270 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.000 tỷ đồng; gấp lần lượt 2,5 lần và 12,5 lần so với thực hiện năm 2021. Cũng gặp những khó khăn như những hãng hàng không khác, đặc biệt là giá dầu tăng cao nhưng đơn vị này khẳng định đã có những giải pháp để giúp giảm thiểu thiệt hại do giá dầu tăng.

Vietjet đặt ra mục tiêu doanh thu hợp nhất 32.270 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.000 tỷ đồng; gấp lần lượt 2,5 lần và 12,5 lần so với thực hiện năm 2021.

Tại đại hội cổ đông của Vietjet năm nay, ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc chia sẻ rằng tiêu chí của công ty là quản trị chi phí khai thác ở mức thấp nhất kể từ khi đi vào hoạt động. Ở giai đoạn bình thường thì chi phí nguyên liệu chiếm khoảng 40% tổng chi phí khai thác. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chi phí nhiên liệu đã chiếm trên 50% tổng chi phí bay. Để có thể tăng trưởng như kế hoạch, hãng đã triển khai nhiều giải pháp để quản trị chi phí nhiên liệu (hedging giá nhiên liệu) ở mức thấp nhất.

Cụ thể, Vietjet đã đầu tư đội tàu bay có tuổi đời còn trẻ, trung bình chỉ khoảng 3 năm được trang bị động cơ tiết kiệm nhiên liệu. Nổi bật trong số này là đội tàu bay Neo 321 giúp hãng tiết kiệm 17% nhiên liệu. Cùng với đó, hãng còn triển khai một số biện pháp như để phi công đặt các chế độ bay tiết kiệm nhất, chọn cung đường ngắn nhất, có những sân bay dự bị vị trí phù hợp, bảo trì bão dưỡng động cơ thường xuyên để nâng cao hiệu suất hoạt động. Đội kỹ thuật mặt đất cũng tiến hành trà nạp nước vào máy bay với lượng tối ưu để đảm bảo hoạt động của máy bay

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lựa chọn các nhà cung cấp có uy tín, giá thấp, đảm bảo việc tra nạp nhiên liệu hao hụt thấp. Công ty cũng thường xuyên kiểm tra quá trình để đảm bảo hao hụt là thấp nhất. Bên cạnh đó, sân bay nào có chi phí nhiên liệu thấp thì cũng hướng dẫn phi công nạp tại đó. Ông Thắng khẳng định giá nhiên liệu tăng cơ bản được kiểm soát và không ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của Vietjet.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet cho rằng rằng các chuyến bay đầu tiên của hãng ở thời điểm giá dầu cũng ở mức trên 100 USD/thùng. Vì vậy công ty luôn sẵn có những giải pháp để đối phó với tình huống trên. Bà chia sẻ rằng còn có kế hoạch mua dự trữ nhiên liệu khi giá xuống. Ngoài ra, Vietjet còn tiến hành phụ thu tiền của khách hàng khi mua vé máy bay khi giá xăng dầu tăng.

Chia sẻ Facebook