Chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận của Gạo Trung An
Quý I/2023, Gạo Trung An báo lãi 8,5 tỷ đồng, giảm hơn 68%, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính mới được công bố, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 897 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ.
Trong quý, dù giá vốn hàng bán có tiết giảm nhưng lợi nhuận gộp của Gạo Trung An vẫn đi lùi hơn 21% xuống còn 65,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính quý I/2023 của Trung An giảm mạnh nhưng chi phí tài chính lại phát sinh thêm 142% so với cùng kỳ, ở mức 34 tỷ đồng. Tăng chủ yếu đến từ chi phí lãi vay.
Ngoài ra, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều có sự cắt giảm so với quý I/2022; giảm từ 48,7 tỷ đồng xuống còn 24,4 tỷ đồng, tương đương giảm gần 50%.
Từng mang lại cho Gạo Trung An 4 tỷ đồng vào quý I/2022 nhưng đến quý I/2023 khoản lợi nhuận khác lại giảm không phanh xuống chỉ còn 310 triệu đồng.
Năm 2023, Trung An đặt ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành hơn 7% mục tiêu về lợi nhuận.
Về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Trung An ở mức 2.808 tỷ đồng, đi ngang so với số đầu năm. Trong đó hàng tồn kho ghi nhận đạt 1.353 tỷ đồng, chiếm 48% cơ cấu tổng tài sản.
Dư nợ tính đến cuối tháng 3 của Trung An ở mức 1.697 tỷ đồng, đa số là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Cụ thể, khoản tiền trên đạt mức 1.445 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với số đầu kỳ, bao gồm 7 khoản vay đến từ các ngân hàng và 1 khoản nợ thuê tài chính.
Theo báo cáo mới đây của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ngành lúa gạo Việt Nam đang có yếu tố thiên thời và địa lợi.
Việc thời tiết thuận lợi đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.
Bên cạnh đó, lượng tồn kho tại Philippines giảm do nhiều diện tích gieo trồng của nước này bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023.
Trong khi đó, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm vừa qua với mưa nhiều và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, được kỳ vọng sẽ cho ra sản lượng ổn định.
Chính vì vậy, chuyên gia VCBS nhận định năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ giá gạo duy trì ở mức cao vì nhu cầu tăng cao, cùng đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp gạo cũng được mở rộng nhờ chi phí đầu vào hạ nhiệt .