Chị nông dân bỏ túi 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng cây "chiêu tài, hút lộc"
Nông dân Nguyễn Thị Hoan trồng loại quả không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, may mắn, tài lộc mà còn được gọi là "cây tiền tỷ”, nhờ đó chị nhẹ nhàng kiếm 1 tỷ đồng.
Vốn sinh ra và lớn lên ở miền quê, chị Nguyễn Thị Hoan ở Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đầu tư cho nông nghiệp, không ngờ bỏ túi tiền tỷ mỗi năm.
Tại Vĩnh Phúc những năm gần đây, nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đưa các giống cây trồng mới, con giống mới vào gieo trồng, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm đổi thay đời sống của bà con nông dân ở các vùng quê. Đặc biệt, nhờ công nghệ số, khoa học, kỹ thuật phát triển và thị trường tiêu thụ rộng mở nên khâu tiêu thụ cũng như doanh thu ngày một cải thiện.
Vốn quen với công việc đồng áng, năm trở lại đây, bà con nông dân xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc đã thu hẹp diện tích trồng chuối tiêu hồng để chuyển sang trồng phật thủ - loại quả không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, may mắn, tài lộc, ra hoa kết trái quanh năm mà còn được gọi là cây “tiền tỷ” của bà con.
Đáng chú ý theo thống kê của UBND xã Liên Châu, hiện toàn xã có trên 20 hộ trồng phật thủ với diện tích khoảng 25ha và diện tích trồng sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Khởi nghiệp với loại cây quen thuộc thơm nức mũi "chiêu tài, hút lộc" tại quê nhà, nông dân Nguyễn Thị Hoan ở Vĩnh Phúc đã có doanh thu tiền tỷ.
Nổi tiếng ở vùng, nông dân Nguyễn Thị Hoan - một trong những người đầu tiên trồng và thu lãi tiền tỷ mỗi năm từ cây phật thủ. Không ngần ngại tiết lộ bí quyết làm giàu tại quê hương, chị Hoan cho biết trước đây, phần lớn diện tích đất bãi của gia đình chị trồng chuối tiêu hồng và đu đủ. Từ kinh nghiệm của bản thân sau nhiều năm trồng, mang chuối ra chợ bán, nhận thấy nhu cầu mua phật thủ dâng các đình, chùa và thờ cúng trên ban thờ gia tiên vào các ngày lễ, Tết cao hơn nhiều so với mua chuối nên năm 2021, gia đình chị đã thuê thêm đất của các hộ dân, chuyển đổi hơn 4 mẫu đất sang trồng trên 900 cây phật thủ. Quả thật, "trời không phụ công" sau 2 năm trồng, chăm sóc và ứng dụng các kỹ thuật đặc biệt, vườn phật thủ của gia đình chị đã cho ra quả gối vụ quanh năm, với số lượng bình quân từ 50 - 70 quả/cây. Đặc biệt, với giá bán từ 30.000 - 50.000 đồng/quả, năm 2023, gia đình chị thu nhẹ nhàng thu gần 1 tỷ đồng.
Không chỉ có doanh thu tiền tỷ, chị nông dân này còn vừa làm nông nghiệp vừa tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương.
Quả phật thủ thường được bày ban thờ trong các dịp cúng giỗ, lễ tết ở nước ta và một số nước châu Á. Không chỉ làm đẹp ban thờ và mang nhiều ý nghĩa tâm linh, quả phật thủ còn có thể được dùng làm mứt, nấu cháo, làm siro và làm thuốc… Nhận thấy được giá trị của loại cây trồng này chị Hoan ngày một săn sóc và đầu tư cho vường cây của mình.
Nhắc đến phật thủ ắt hẳn ai cũng biết, bởi đây là một trong những loại quả có hương thơm rất dễ chịu và có ý nghĩa rất đặc biệt vào ngày Tết của người Việt. Đáng chú ý theo quan niệm dân gian, quả phật thủ có hình dáng giống như "bàn tay Phật" nên quả phật thủ có ý nghĩa rất thiêng liêng. Quả phật thủ thường được bày trên mâm ngũ quả vào ngày Tết hoặc đặt trên bàn thờ để thắp hương tổ tiên, được đặt ở vị trí chính giữa và cao nhất trong mâm ngũ quả.
Cây phật thủ nhỏ xanh tốt quanh năm, lá mọc so le, hình trứng, mép có răng cưa nhỏ, gai ngắn mọc ở phía dưới lá. Vào đầu mùa hạ cây ra hoa màu trắng, quả chín vào mùa đông, vỏ ngoài màu vàng nâu, trên một số những múi chạy dài dọc quả phía dưới tách ra trông như ngón tay cho nên có tên phật thủ.
Tại trang trại trồng cây phật thủ, chị Hoan thường xuyên kiểm tra chất lượng từng quả trước khi cắt bán ra thị trường. Nói thêm về loại cây trồng độc đáo này chị Hoan cho hay, phật thủ không phải là loại cây trồng khó tính nhưng để có được vườn phật thủ quả đẹp, nhiều ngón cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm thì người trồng phải yêu và hiểu rõ quy luật sinh trưởng của cây như: Bón phân phải theo định kỳ, không bón ồ ạt và bón phải đều vì nếu nhiều quá hoặc ít quá cây sẽ chết. Riêng việc bón các loại phân cao cấp, phân gà ủ trấu, phân lợn thì phải qua xử lý, bảo đảm phân mát mới được bón cho cây vì nếu phân còn nóng mà bón cây sẽ chết. “Phật thủ không ăn được nhưng tiềm năng làm giàu từ loại quả bàn tay của phật này rất lớn, bởi chúng có mùi thơm dịu nhẹ, thời gian bảo quản dài từ 1 - 4 tháng. Đặc biệt, loại quả này còn được nhiều đơn vị thu mua làm tinh dầu thơm nên thị trường tiêu thụ rất rộng mở”, chị Hoan nói.
Chị Hoan là một trong những nông dân tiêu biểu tại địa phương, chia sẻ về bà con phát triển kinh tế nông nghiệp, ông Phùng Mạnh Khuyến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Liên Châu cho biết: Người dân Liên Châu rất nhạy bén và không bao giờ để ruộng đất không. Sau nhiều năm trồng chuối tiêu hồng, bưởi diễn, cam canh, bà con nông dân đã chuyển dần sang trồng cây phật thủ, áp dụng hệ thống tưới tự động, theo dõi sát quy trình sinh trưởng, tưới phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ số và giới thiệu sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội. Bước đầu, loại cây này được đánh giá là tiềm năng, cây làm giàu mới của bà con nông dân, với lợi nhuận thu được cao gấp đôi, gấp ba so với các loại cây trồng khác. Tới đây, khi địa phương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoạt động gieo trồng, tiêu thụ sản phẩm được liên kết chuỗi thì thị trường tiêu thụ phật thủ ở Liên Châu sẽ còn vươn xa. Năm 2023, loại cây này đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển, đưa thu nhập bình quân đầu người tăng lên 75,2 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay có muôn cách làm giàu, điển hình nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới, con giống mới về gieo trồng, chăn nuôi mà còn chủ động nắm bắt, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ số, khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch, dịch vụ.
Cây phật thủ có bề ngoài bắt mắt, nồng thơm hình “bàn tay Phật”.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, đồng hành, khuyến khích nông dân làm giàu, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”. Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã tổ chức gần 2.100 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 150.600 lượt cán bộ, hội viên. Phối hợp với doanh nghiệp giới thiệu, hướng dẫn nông dân tiếp cận máy móc, thiết bị nông nghiệp; xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Thực hiện nhận ủy thác từ các ngân hàng hơn 50,7 tỷ đồng cho hơn 1.270 hộ vay phát triển kinh tế.
Thời gian qua, bằng sự chủ động, dám nghĩ, dám làm của bà con nông dân và việc đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” những năm gần đây, đời sống của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
"Bỏ túi" kỹ thuật trồng và chăm sóc cây phật thủ
Phật thủ được trồng tại nhiều nơi trong nước ta. Muốn phát triển cây phật thủ bà con nên lưu ý những điều sau:
Cây được nhân giống bằng phương pháp chiết cành và ghép cành. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và công sức thì bạn nên tìm mua cây giống bán sẵn ở các vựa giống uy tín. Khi trồng loại cây này bà con đào một hốc nhỏ giữa mô, đặt cây con vào hốc, tháo bao đựng bầu ra, lấp đất giữ chặt bầu cây, cắm cọc giữ cây cố định.
Cách trồng cây phật thủ
- Mỗi cây cách cây 3m, hàng cách hàng 4m.– Kích thước hốc trồng 0,6×0,6×0,6m.
- Về khu vực đất thấp phải có hệ thống thủy lợi tưới tiêu hoàn chỉnh, đắp mô cao 0,5 – 0,6m, rộng 0,8-1m.
- Vùng đất cao nên lưu ý mặt đất bằng phẳng đắp mô cao 0,3 -0,8m, rộng 0,8-1m, mặt đất nghiêng <5% không vun mô.
- Cây Phật thủ ưa sáng, nên phải để chậu trồng cây nơi có ánh sáng trực tiếp. Sau khi trồng, tưới nước giữ ẩm vừa phải cho cây. Có thể tưới từ 2 - 3 ngày/lần cho những tuần đầu sau trồng. Sau đó khoảng 7 - 10 ngày/lần.
- Phật thủ thuộc giống họ cam thân mềm, cành cây thường bò lan trên mặt đất. Do đó, ngay từ lúc cây đạt chiều cao từ 1,7 - 1,8m, nên làm giàn tre để đỡ cho cây.
- Lư ý vào mùa Đông, không nên để gió lạnh thổi vào cây, phải khống chế lượng nước tưới, giữ cho chậu ẩm vừa.
Cách bón cây phật thủ
- Năm đầu tiên, bón thúc với liều lượng 1 muỗng canh phân urea pha với bình 10 lít nước để tưới cho cây. 1 năm tưới 3 – 4 lần.
- Bà con có thể bổ sung phân lân, kali và các yếu tố vi trung, vi lượng thông qua bón thêm phân hữu cơ và hữu cơ khoáng theo khuyến cáo.
Khi tưới bằng phân hữu cơ ngâm pha loãng tỷ lệ khoảng từ 1 – 5 để tưới cho cây. Bón thúc từ năm thứ hai là 10 – 50g phân urea/cây/năm.
- Chia làm 3 – 4 lần bón vào gốc lấp đất hoặc pha nước tưới. Nếu tưới cần tưới xả lại một lần với nước lã.
Cách chăm sóc, tỉa cành
- Loại cây này phát triển tốt nhất ở nhiệt độ thích hợp là 15 đến 38 độ C. Đặc biệt, loại cây này dễ bị rụng lá, nếu số lá rụng hơn một nửa, sẽ gây ảnh hưởng đến sự quang hợp, do đó phải kịp thời tỉa bớt các chồi ngọn để giữ lá, giữ được lá là giữ được quả, theo Dân tộc & Phát triển.
- Bà con cần hạn chế cành vượt, loại bỏ những cành sâu bệnh, giúp cây thông thoáng, có dáng đẹp, tăng khả năng quang hợp và cây phát riển cân đối.
- Muốn cây phật thủ ra quả đúng vào dịp Tết, bạn cần lưu ý mấy việc như sau: Sau 1 năm trồng là có thể xử lý để cây ra hoa. Cứ đến tháng 3 âm lịch cần tiến hành lấy 1 con dao sắc tiện 1 vòng tròn quanh thân cây, lần 1 cách lần 2 trong 10 ngày. Sau đó bón mỗi gốc chừng 100 đến 200g kali. Sang tháng 4 âm lịch thì tưới thuốc kích ra hoa từ 1 đến 2 lần cho cây là được. 1 tháng sau cây sẽ ra hoa dần và đến Tết là đậu quả. Sau năm đó thì các năm sau chỉ cần bón kali vào tháng 3 và phun thuốc kích ra hoa là được.
Trúc Chi (t/h)