Chị nông dân bỏ túi 1 tỷ đồng/năm nhờ nuôi con “đắt đỏ” tỏa mùi thơm

Chia sẻ Facebook
24/06/2024 07:28:56

Nuôi thành công loài côn trùng có giá đắt đỏ, cô gái trẻ Lê Thị Thơ (SN 1995, trú xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thu về 1 tỷ đồng/năm.

Sau 4 năm học tập, rèn luyện trên ghế giảng đường Đại học, năm 2017 cô gái trẻ Lê Thị Thơ (SN 1995, sinh ra tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã cầm trên tay tấm bằng thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ra trường, chị Thơ nhận lời yêu và nên duyên cùng với anh Phan Văn Hiệp (SN 1987, trú tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Hai vợ chồng chị Thơ quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp bằng công việc bán nước mắm truyền thống của gia đình chồng.

Chị Lê Thị Thơ gác lại bằng đại học về quê nuôi cà cuống. Ảnh: Dân Việt


Về cơ duyên đến với nghề nuôi cà cuống, chị Lê Thị Thơ chia sẻ với báo Dân Việt : "Một lần vô tình, vợ chồng tôi xem được 1 video đánh giá về món bánh cuốn, bún chả chấm với nước mắm cà cuống được nhiều lượt tương tác cao.

Sau đó, vợ chồng tôi quyết định tìm hiểu về con cà cuống, nhận thấy loài vật này có giá trị kinh tế cao mà thị trường hiện tại rất khan hiếm hàng".

Theo chị Thơ, từ khi lấy anh Hiệp chị đã yêu thích, gắn bó buôn bán nước mắm truyền thống mà gia đình chồng làm. Mong muốn tạo ra một sản phẩm nước mắm đặc biệt, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe từ sản phẩm nước mắm của gia đình.

Chị Thơ tâm sự: "Thấy con cà cuống được nhiều người săn lùng để thưởng thức mà không biết tại sao. Sau khi tìm hiểu, trong đông y, cà cuống có vị ngọt, cay, tính bình và không độc.

Dùng cà cuống để điều chế các loại thuốc, ngâm rượu hoặc làm nước mắm, cà cuống có tác dụng bổ thận, hỗ trợ chữa yếu sinh lý ở nam giới. Cho nên giá cả cà cuống rất cao từ 200.000 -250.000 đồng/cặp. Tuy khan hiếm hàng, giá cao, trên thị trường rất ít nuôi loài vật này”.

Nghĩ là làm, chị Thơ quyết định bàn với chồng nghỉ việc ở Hà Nội về quê nuôi cà cuống. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, mới bắt đầu vợ chồng chị Thơ đã phải chịu 3 lần thất bại.

Theo đó, tháng 8/2022 vợ chồng chị Thơ quyết định mua 10 cặp cà cuống tự nhiên ở Lào với giá 2,5 triệu đồng để về nuôi thử nghiệm trong thùng xốp. Cà cuống tự nhiên nuôi trong điều kiện nhân tạo khiến nó bỏ ăn, chết hết trong 1 tháng.

Không ngại thất bại, vợ chồng chị Thơ mua 10 tổ trứng, tổng giá 2,5 triệu để ươm. Số trứng trên nở ra khoảng từ 1.500-2.000 con cà cuống giống khiến chị rất vui. Tuy nhiên, lần này do thiếu thức ăn, đói quá các con cà cuống quay ra cắn nhau gây thất thoát, vợ chồng chị thất bại lần thứ 2.

"Sang lần thứ 3, tôi cũng mua 10 ổ trứng cà cuống để nuôi lại. Trong lần này cà cuống cũng chết vì không được thay nước sạch thường xuyên và đưa ra nơi rộng rãi hơn", chị Thơ thổ lộ.


Liên tiếp 3 lần thất bại khiến gia đình chị mất đi khoản kinh tế khá lớn. “Đã có lúc tôi nghĩ, có lẽ mảnh đất quê mình nắng gió khắc nghiệt nên không thể nuôi được loài cà cuống...”, chị Thơ chia sẻ với báo Hà Tĩnh.

Đúc rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất, vợ chồng chị Thơ đã thành công nuôi loài "khó tính" này.

Cà cuống thích hợp khí hậu ở vùng đất Hà Tĩnh, nên sinh trưởng rất tốt. Ảnh: báo Hà Tĩnh

Đầu năm 2023, chị Thơ đã bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên và được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực; giá thành cao, vượt ngoài mong đợi, với 1 ổ trứng cà cuống có giá bán 200 nghìn đồng; 1 con cà cuống thương phẩm có giá từ 40-60 nghìn đồng và 200-250 nghìn đồng/cặp cà cuống giống...

Được biết, lúc đầu cà cuống được gia đình chị Thơ dùng để chế biến nước mắm truyền thống nhằm tạo ra loại nước mắm có hương vị đặc sắc. Nhưng, sau đó chị chuyển sang chủ yếu bán cà cuống giống và cà cuống thương phẩm cho người dân nhiều tỉnh thành khác nhau: Nghệ An, Hưng Yên, Quảng Nam...

Theo chị Thơ, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ trứng quanh năm. Mỗi tháng có thể sinh sản 1 đến 2 lần, tỉ lệ nở con thành công đạt gần 100%. Từ khi nở đến khi xuất bán cà cuống thương phẩm chỉ mất khoảng 40 ngày, còn nuôi để sinh sản mất khoảng 1 năm.

Về nguồn nước cần đảm bảo phải sạch, người nuôi thường xuyên thay nước (2-3 lần/ngày). Bên cạnh đó thường xuyên vớt thức ăn ra ngoài tránh ô nhiễm nguồn nước.

"Về thức ăn, cà cuống là động vật săn mồi, chúng chỉ ăn được thức ăn tươi sống, còn hoạt động. Khi chúng ăn sẽ hút dịch từ con mồi, để lại xác. Nếu không đủ thức ăn, cà cuống sẽ tự cắn nhau, ăn thịt đồng loại", chị Lê Thị Thơ bật mí.

Những ổ trứng cà cuống. Ảnh: báo Hà Tĩnh

Theo chị Lê Thị Thơ, lúc mới nở, cà cuống con sẽ ăn các loại động vật như tép, cá 7 màu, nòng nọc ếch. Lớn dần, chúng sẽ được cho ăn các loại cá, động vật to hơn. Để nước luôn sạch, người nuôi thường xuyên chú ý, vớt xác thức ăn của cà cuống ra ngoài sau khi chúng ăn xong.

Từ khi được nở ra đến khi trưởng thành cà cuống trải qua 5 lần lột xác, kéo dài 40 ngày, sau 10 ngày nữa cà cống có phấn trắng ở bụng. Lúc này cà cuống có tinh dầu cao nhất.

Hiện nay, cơ sở của chị Thơ có diện tích 400m2, với 200 cặp giống, hàng trăm ổ trứng, hàng nghìn con cà cuống con và cà cuống thương phẩm.

Các sản phẩm từ cà cuống được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Ảnh: Dân Việt

Từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, tổng doanh thu từ việc bán nước mắm, con giống và cà cuống thương phẩm của doanh nghiệp chị Thơ làm chủ là khoảng 1 tỷ đồng; tạo việc làm cho 7 lao động chính và thời vụ với mức lương từ 3-6 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về dự định tương lai, chị Thơ nói: "Hiện tại các sản phẩm liên quan đến cà cuống của cơ sở tôi luôn cháy hàng, được thị trường đón nhận nhiệt tình. Dự định của vợ chồng tôi là chuyển giao kỹ thuật để bà con trong địa phương nuôi loài vật kinh tế này, chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm giúp bà con, giúp họ có thêm nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong các cấp chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ để mở rộng diện tích trang trại và khu chế xuất nước mắm cà cuống của gia đình. Có như vậy mới ổn định được nguồn cung, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương".


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook