“Chỉ mất vài giây để cố đặt lệnh nhưng mất cả năm để gồng lỗ” - Một bí quyết nhỏ nhưng giúp nhà đầu tư tránh được cảnh chọn sai cổ phiếu
Một mẹo hay ho để tránh thua lỗ, giao dịch thiếu cẩn thận trên thị trường chứng khoán.
Khi đăng ký tài khoản tại công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ nhận được hỗ trợ từ môi giới chứng khoán. Ngoài ra hiện nay, bạn có thể bắt gặp rất nhiều lời khuyên, tư vấn của môi giới trên các nền tảng MXH hay hội nhóm cộng đồng.
Lúc thị trường “lên như diều gặp gió", môi giới thường tự tin rằng mình có thể đưa ra những lần “phím mã" có mức lãi tính bằng lần. Tuy nhiên, lúc thị trường rung lắc như trong 6 tháng vừa qua, những lời môi giới chứng khoán nghe được nhiều nhất có lẽ là trách móc. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn thua lỗ nặng nề do những lời hứa thiếu tính chính xác từ người môi giới thân thuộc. Câu hỏi khó tại thời điểm bây giờ chính là làm sao để biết đâu mới là môi giới phù hợp với mình.
Trong chương trình Bí Mật Đồng Tiền số 29 với chủ đề “Đôi bạn cùng tiến”, chuyên gia Phạm Lưu Hưng (Mr X30), Kinh tế trường SSI, đã chia sẻ trải nghiệm khá thú vị của mình với môi giới chứng khoán. Trước đây anh X30 nghĩ giao dịch online rất thuận tiện vì chẳng cần giao tiếp với ai. Song, cuối cùng, vị chuyện gia này lại thấy rằng trong giao dịch chứng khoán, giao tiếp giữa người với người rất quan trọng.
“Khi đặt lệnh, mình cần ai đấy hỏi “Tại sao anh lại đặt lệnh này?”. Và lúc đó, trong 1 thời gian rất ngắn, mình cần giải thích cho bạn môi giới lý do đưa ra quyết định đó. Nếu giải thích thành công, mình đã biết chắc chắn bản thân đang làm gì. Còn nếu trong quá trình đó, mình nhận ra bản thân hơi “ngáo ngáo”, chưa sẵn sàng thì mình nên dừng lại để suy nghĩ thêm. Còn nếu cố đặt lệnh chỉ mất vài giây nhưng mất cả năm để gồng lỗ”.
Bên cạnh đó, khách mời đặc biệt Thảo Trang, sinh năm 1996, đầu tư chứng khoán như là một công việc part-time cho rằng khi chọn môi giới cần ưu tiên người có trách nhiệm. Để khi có những chuyện cần trao đổi, người đồng hành đấy sẽ có những lời khuyên bổ ích. Dù là mới tham gia hay đã ở trên thị trường lâu, nhà đầu tư thường không biết quá nhiều, hay kiến thức về thị trường còn thiếu sót. Do vậy, nếu nhà môi giới không chắc về kiến thức, sẽ không có những lời khuyên tốt, khiến nhà đầu tư sợ thị trường.
“Đôi lúc, cảm xúc là thứ chính nhà môi giới cũng phải tiết chế trên thị trường. Chẳng hạn như khi thị trường lên cảm giác muốn thu hút thêm nhiều khách hàng, vào room bao lỗ, khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy không bao giờ thua được. Song, chính từ những câu đó mà bây giờ trên thị trường xuất hiện nhà đầu tư kiện môi giới phải chịu trách nhiệm khi bị thua lỗ”.
“Trên thực tế, trách nhiệm của 1 nhà môi giới không phải chỉ là giúp nhà đầu tư đi tìm kiếm cơ hội mà còn là người giúp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, lắng nghe và đồng hành cùng nhà đầu tư”.