Chị em tốt đòi vốn lẫn lời sau 1 tháng hùn hạp làm ăn: 3 bài học NHỚ ĐỜI khi kinh doanh cùng người quen, cái cuối đau nhưng đúng!
Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày mối quan hệ “chị em” của mình lại tan vỡ chỉ vì làm ăn chung.
Giống như hầu hết tất cả mọi người, những năm gần đây chuyện đi làm và thu nhập của tôi có phần chững lại hơn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong khoảng thời gian rảnh rỗi ấy, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện kinh doanh , buôn bán nho nhỏ để giết thời gian và kiếm thêm chút ít tiền cho những mục tiêu tài chính lớn hơn.
Có một người chị thân thiết khi nghe về ý tưởng kinh doanh đã ngỏ ý muốn hùn hạp làm ăn chung với tôi. Ở thời điểm đó, tôi vẫn đủ khả năng để lo trọn số vốn dự kiến, nhưng vì cả nể lẫn mối quan hệ thân thiết, tôi gật đầu đồng ý cho chị tham gia chung mà không suy nghĩ điều gì.
Mặt hàng mà chúng tôi định kinh doanh là quần áo thời trang và phụ kiện như khuyên tai, vòng tay, dây chuyền. Theo thỏa thuận, tôi và chị sẽ chung vốn 50: 50 (10 triệu/ người) và chia đôi tất cả đầu việc: tôi lo mảng nhập hàng, đóng gói và vận hành; chị lo mảng hình ảnh, chăm sóc khách hàng. Vì quá thân quen nhau, tất cả công việc đều được chúng tôi trao đổi bằng miệng hoặc tin nhắn, không giấy tờ rõ ràng cụ thể.
Ấy thế nhưng người tình không bằng trời tính, vì tình hình thế giới có nhiều biến động, hàng đã đặt không thể vận chuyển về Việt Nam ngay. 1 tuần rồi 2 tuần, cuối cùng là cả tháng đã trôi qua từ ngày xuống ví nhập hàng, khách thì đã order nhiều, hàng vẫn biệt tăm.
Ban đầu, người chị làm cùng vẫn bình tĩnh. Thỉnh thoảng chị sẽ hỏi thăm tôi hàng hóa khi nào về để kịp trả cho khách. Nhưng sau khi tiền vốn "ngâm" lâu mà không sinh ra lời, chị dần mất kiên nhẫn. Bắt đầu từ bóng gió xa xôi cho đến nghi ngờ rằng người đảm nhiệm chuyện nhập hàng - là tôi có vấn đề. Bên cứ phải giải thích, bên liên tục hỏi vặn - mối quan hệ chị em của chúng tôi dần rạn nứt.
Một ngày, khi mọi thứ đã đạt tới ngưỡng của nó, người chị thân thiết mà tôi rất yêu mến không ngần ngại đặt thẳng nghi vấn có phải tôi đã lấy tiền vốn hùn hạp của chị để đầu tư cho thứ khác (khi đó tôi vẫn đang có một công việc kinh doanh khác với số vốn lớn hơn nhiều lần) và không ngần ngại đòi rút vốn.
Tiền vốn đã thanh toán cho bên nhập, khi chị đòi lại tiền tất nhiên tôi không đồng ý. Điều đó càng khiến chị tin những nghi ngờ tôi có điều mờ ám trong việc làm ăn chung là có cơ sở. Mâu thuẫn đỉnh điểm, tôi tự ái trả lại tất cả tiền vốn cho chị. Những tưởng mọi chuyện sẽ chấm dứt ở đó, người chị lại "giáng" cho tôi một đòn chí mạng bằng tin nhắn: "Em cầm tiền của chị cả tháng mà không định trả tiền lời à?".
Sau cùng, chuyện làm ăn kinh doanh chung đổ bể, tôi không chỉ lỗ tiền hàng đang bị "ngâm" mà phải lấy tiền túi bù lãi cho chị lẫn ôm trọn các chi phí chuẩn bị để mở cửa hàng đã xuất ra. Tuy nhiên, thứ làm tôi thấy buồn nhất là mối quan hệ của chúng tôi vỡ vụn, không thể hàn gắn được nữa sau khi tôi chuyển tiếp số tiền lời theo yêu cầu cho chị.
Qua câu chuyện "xương máu" của bản thân, tôi cũng rút ra được kha khá những bài học nhớ đời khi làm ăn, hùn hạp với người quen. Đây là 3 điều quan trọng nhất mà ai cũng cần phải biết và nhớ mới hy vọng tiền không mất, mối quan hệ cũng chẳng tan vỡ khi làm ăn chung.
Làm ăn chung, chi 1k cũng phải kiểm kê rõ ràng
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự nghi ngờ của người chị góp vốn chính là việc tôi không có bất cứ giấy tờ rõ ràng nào cho các khoản chi. Không phải chỉ mình tôi vướng phải sai lầm này, mà hầu như ai làm ăn chung với người quen đều mắc phải.
Khi tình cảm vẫn còn dồi dào, 2 bên đều coi đối tác làm ăn là "người nhà" nên chuyện tiền bạc chi ra - thu vào nói miệng hoặc không ghi chép cẩn thận đều có thể "cho qua". Tuy nhiên, một khi mầm mống nghi ngờ đã được gieo, dù bạn có làm gì và thanh bạch các khoản chi đến đâu, đối tác cũng sẽ không tránh khỏi cảm giác thiếu tin tưởng.
Đồng tiền đi liền khúc ruột, không ai có thể "mắt nhắm mắt mở" với tiền của họ được mãi. Thế nên khi làm ăn chung, bất cứ thu chi nhỏ nhặt nào cũng nên được ghi chép cẩn thận, đối chiếu và kiểm kê với sự có mặt của cả 2 người. Tiền bạc phân minh, mối quan hệ mới bền vững được.
2. Chọn người mà hùn hạp
Người quen, thân thiết đến đâu thì cũng có dăm ba loại. Có người thật sự phù hợp để chơi cùng, tâm sự và chia sẻ nhưng không phù hợp để làm ăn chung. Sự trái ngược trong tư duy kinh doanh ví dụ như một người luôn mang tâm lý "liều ăn nhiều" và một người chỉ muốn ổn định lâu dần sẽ gây ra mâu thuẫn, tranh cãi. Xử lý không tốt, mối quan hệ sẽ có nhiều vết nứt, đến khi vỡ tan thì chuyện kinh doanh cũng sẽ sụp đổ.
Mặt khác, cũng không ít người vì tin nhầm bạn mà từng nếm trái đắng khi bị lừa đầu tư, kinh doanh ảo rồi mất hết tiền bạc.
Để hạn chế các rủi ro, hãy cân nhắc khi chọn người làm ăn chung. Xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về "gu", tư duy kinh doanh của họ cũng như các phẩm chất đạo đức khác kỹ càng rồi mới quyết định. Hoặc đơn giản hơn, nếu bạn cảm thấy mình đủ điều kiện để tự vận hành tất cả, cứ nhẹ nhàng từ chối lời đề nghị làm ăn chung. "Mất lòng trước, được lòng sau", có như thế chuyện làm ăn chung mới vững vàng mà tình cảm cũng không bị ảnh hưởng.
Biết chấp nhận sự thật
Nếu bạn lỡ gặp phải những sự cố sụp đổ chuyện làm ăn, tan vỡ các mối quan hệ thì đừng nên tự trách bản thân hay trách người khác. Hãy xem đó như một bài học đắt giá cả về tiền bạc lẫn quan hệ xã hội trên con đường lập nghiệp của bạn.
Chỉ khi không còn dao động, ngừng tranh cãi hay dằn vặt về những thất bại và điều đã mất khi làm ăn chung với người quen, bạn mới rút ra được kinh nghiệm cho bản thân và mạnh mẽ hơn để đi tiếp tới thành công sau này.
Ảnh: Tổng hợp
Theo W
Pháp Luật và Bạn đọc