Chị em thi nhau ngâm sấu, mơ, dâu giải khát, uống như thế nào mới đúng cách?

Chia sẻ Facebook
15/05/2022 19:17:31

Người trưởng thành có thể chỉ uống 1 đến 2 lần/tuần chứ không nên uống hàng ngày các loại nước siro ngâm (sấu, mơ, dâu, mận, đào…).

Năm nào cũng vậy, mùa nào thức ấy, chị Hoa (Ba Đình) sẽ ngâm các loại siro cho gia đình dùng dần. Cụ thể, đến mùa mơ rám má hồng chị sẽ ngâm một bình 5kg nhằm giải khát, 3kg dâu giúp ngủ ngon và thường thêm một bình 5kg sấu. Ngoài ra chị còn ngâm thêm 3kg chanh đào mật ong.

“Cả nhà tôi quen uống nước có vị, bần cùng với uống nước lọc. Thành ra tôi luôn phải ngâm sẵn các loại siro dùng dần cho cả năm, đặc biệt vào mùa hè số lượng tiêu thụ sẽ nhiều lên.

Buổi sáng tôi thường pha sẵn một cốc chanh muối, mật ong ấm to rồi chia cho cả nhà uống trước khi ăn sáng. Sau đó, sẽ pha sẵn các loại nước siro vào các bình tuỳ theo các mùa (đông, hè) tôi pha ấm, lạnh để sẵn vào các bình giữ nhiệt cho chồng và con mang đi làm, đi học.

Ảnh minh hoạ

Tối về tôi thường pha loại nước dâu thanh mát cho các con uống trong hoặc sau bữa ăn nhằm dễ ngủ”, chị Hoa cho hay.

Dù mất khá nhiều thời gian cho việc đi mua lựa chọn nguyên liệu để ngâm nhưng chị Hoa cho biết “mất công tý nhưng vừa rẻ lại vừa an toàn”.

Các chuyên gia cho biết, việc các gia đình tự ngâm hoa quả để dùng trong mùa hè là việc làm nên khuyến khích. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng như sử dụng cần chú ý một số điểm để tránh gây hại cho sức khỏe đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dương Quốc gia) ngâm siro các loại quả là một trong những thức uống truyền thống của người dân, đây cũng là cách để tích trữ, bảo quản khi các loại quả vào mùa chín rộ.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng quả ngâm siro chứa rất nhiều đường đơn, nguồn đường có trực tiếp từ trong các loại quả và cả một lượng lớn đường cho thêm vào ngâm.

Trong khi đó, trên thực tế hiện nay tình trạng rối loạn chuyển hoá, thừa cân béo phì …ngày càng gia tăng ở cả người lớn và trẻ em. Do đó, việc kiểm soát các loại đường đơn từ những đồ ăn, thức uống là rất quan trọng.

“Nói như vậy không có nghĩa chúng ta khuyến cáo không uống nước ngâm hoa quả, mà thực tế đã ngâm siro ai cũng muốn là uống ngọt một chút, mà để ngọt thì việc cho đường vào là khó tránh khỏi.

Vì thế khi uống chúng ta cần pha loãng các loại nước ngâm này và uống cũng nên ngắt quãng vì nó chứa nhiều đường.

Dưới góc nhìn của đông y, đại tá, lương y Bùi Hồng Minh - Hội Đông y quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, người dân khi ngâm hoa quả sau đó dùng nước đó để sử dụng với mục đích lớn nhất là giải khát, giải nhiệt trong ngày hè oi nóng.

Các loại hoa quả khi ngâm trong đông y không chỉ giúp giải khát, mà mỗi một loại quả lại là một vị thuốc, có công dụng chữa bệnh rất tuyệt vời, nếu biết cách sử dụng.

Ví dụ như quả mơ có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi đối với sức khỏe con người, chúng bao gồm: Acid tartric, acid citric, đường sacaroza, dextrin, izooquexetin, lycopene, vitamin C, quexitin, tinh bột và carotene,.... Ngoài ra, thành phần mycobacterium có trong quả mơ chính là hợp chất có tác dụng kháng vi trùng hiệu quả.

Trong nước mơ ngâm (quả mơ ngâm đường) có một lượng vitamin khá dồi dào, rất tốt trong việc chuyển hóa oxy tại tế bào, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, hô hấp, xơ vữa động mạch cũng như bệnh viêm hoặc xơ gan trong thời kỳ đầu.

Mặt khác, các chất khoáng như canxi, photpho, sắt,..có trong quả mơ có thể chuyển hóa vitamin A, từ đó giúp cơ thể con người chống lại sự tấn công từ các tế bào gốc tự do, mang lại lợi ích vô cùng lớn cho sức khỏe.

Hay như quả dâu tằm, cũng chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng cao sau đây: nước chiếm 84,71%; đường gồm glucoza, fructoza chiếm 9,19%,  axit 80% (gồm axit malic, axit sucinic), protit 0,36% và tanin, vitamin C, caroten.

Vào những ngày hè nóng bức, oi ả, nước dâu tằm không chỉ giúp mọi người thanh nhiệt cơ thể mà còn có tác dụng chữa nhiều loại bệnh khác nữa, đặc biệt là cực tốt với phụ nữ và trẻ em như: hỗ trợ tiêu hóa, tăng kháng thể.  Một ly nước dâu tằm mỗi ngày còn giúp chữa chứng mất ngủ, chứng thiếu máu, chứng táo bón, chứng nhức đầu, mất ngủ, ù tai, viêm khớp dạng thấp, chứng mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ,….

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý tới cách sử dụng. Việc ngâm siro đa số là dùng đường, do vậy nếu mới ngâm đã sử dụng thì đa số mọi người chỉ cảm nhận được vị ngọt của đường, còn các chất tốt có trong quả chưa kịp tiết ra.

Ngoài ra, việc sử dụng nước siro quá đặc cũng là một sai lầm rất thường gặp. “Khi sử dụng nước siro quá đặc không chỉ nạp lượng đường lớn vào cơ thể, mà nó còn gây những tác động cho hệ thống tiêu hóa. Vì thế,lương y Hồng Minh khuyến cáo việc pha loãng siro trước khi sử dụng là việc cần phải làm.


N. Huyền

Chia sẻ Facebook