Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2022

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 08:35:18

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành trọng tâm, nổi bật.


Trong 6 tháng đầu năm 2022, Lãnh đạo Chính phủ đã có hơn 30 chuyến công tác hoặc làm việc với các địa phương; đã xử lý hơn 230 kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chủ trì hơn 806 hội nghị, cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương và tiếp khách để xử lý các công việc theo thẩm quyền.

Chính phủ đã ban hành tổng số 14 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã xem xét xử lý hơn 4.960 phiếu trình giải quyết công việc; ban hành 91 Nghị quyết của Chính phủ, 42 Nghị định, 15 Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng, 252 văn bản của Chính phủ, 810 Quyết định cá biệt của Thủ tướng, 10 Chỉ thị, 580 văn bản của Thủ tướng, 250 Thông báo kết luận làm việc của lãnh đạo Chính phủ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch năm 2022, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành trong năm 2022.

Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; trong đó xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp phân công cho từng Bộ, cơ quan gắn với thời gian hoàn thành cụ thể nhằm triển khai 05 nhóm giải pháp cụ thể.

Đẩy mạnh giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; triển khai Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời quy định chi tiết cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 để thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động ngày 12/6. Ảnh: VGP.


Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội


- Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;;

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng quốc gia, nhất là các dự án phát triển hạ tầng;


- Mở rộng, đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu; thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;


- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế;

- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp;

- Phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương:

a) Phát triển công nghiệp trở thành trụ cột của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu rộng và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo, tạo động lực cho phát triển kinh tế;

b) Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

c) Phát triển ngành dịch vụ;;

d) Đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng; đẩy mạnh phát triển không gian đô thị; duy trì ổn định thị trường bất động sản;


đ) Nâng cao chất lượng lập quy hoạch; chú trọng phát triển kinh tế địa phương, vùng lãnh thổ.


Tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, rà soát, tháo gỡ các quy định pháp luật gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh ; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề tồn đọng, dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.


Thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân ; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.


Chú trọng nguồn lực con người, phát triển văn hóa, giáo dục, sức khỏe nhân dân , nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em


Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường ; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; thực hiện các cam kết COP 26.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 2 trong năm 2022. Ảnh: VGP.


Quyết liệt thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ; chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phân quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.


Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước ; chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao.


Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông , lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo đồng thuận xã hội.


Những kết quả đạt được

(1) Tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản cao đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Tăng trưởng GDP Quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay (Quý II năm 2021 tăng 6,73%). Tính chung 06 tháng đầu năm tăng 6,42% so với cùng kỳ (kịch bản theo Nghị quyết 01 là 5,1-5,7%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,74%), tương đương bình quân các năm trước dịch 2016-2019 (6,38%).

(2) Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. So với cùng kỳ năm trước, CPI bình quân Quý II tăng 2,96%, bình quân 06 tháng tăng 2,44%. Đây là mức tăng tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch (06 tháng năm 2018 tăng 3,29%, năm 2019 tăng 2,64%).

(3) Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; sản xuất công nghiệp mở rộng nhanh hơn trong Quý II; giá trị tăng thêm toàn ngành Quý II tăng 9,87% so với cùng kỳ (Quý II năm 2018 tăng 8,28%, năm 2019 tăng 8,38%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,45%. Tính chung 06 tháng, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 8,48% so với cùng kỳ.

Thương mại, dịch vụ rõ xu hướng phục hồi nhanh. Vận tải hành khách, du lịch tiếp tục phục hồi ấn tượng; lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 06 tăng 36,8% so với tháng trước, tính chung 06 tháng tăng 5,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

(4) Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực. Tính chung 06 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

(5) Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển.

(6) Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, tăng cường. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đến ngày 9/6 đã hỗ trợ gần 81,3 nghìn tỷ đồng cho trên 49,7 triệu lao động, và gần 728,5 nghìn người sử dụng lao động theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP và 116/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 27/6, có 34 địa phương đã phê duyệt quyết định hỗ trợ cho gần 150.000 lao động, kinh phí là 98,6 tỷ đồng…

(7) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại.

Chia sẻ Facebook