Chỉ 10 ngày, BV Nhi Trung ương ghi nhận thêm gần 1.000 ca nhiễm virus Adeno
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết tổng số ca nhiễm virus Adeno ghi nhận từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú là 811 ca (chiếm gần 58%); 7 ca tử vong.
Theo thông tin cập nhật mới nhất của Bệnh viện Nhi Trung ương vào hôm 22/9, tính từ 1/8 – 21/9/2022, tổng số ca bệnh nhiễm virus Adeno phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc virus Adeno nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.
Trước đó, Bệnh viện cho biết từ ngày 1/8 – 12/9/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 412 trẻ nhiễm virus Adeno (nhiều hơn tổng số ca nhiễm của cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ 2021; 6 ca đã tử vong).
Như vậy, trong vòng 10 ngày, số ca nhiễm virus Adeno đã thêm gần 1.000 ca.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trước diễn biến các ca mắc virus Adeno đang có xu hướng tăng cao, bệnh viện đã ban hành các tài liệu hướng dẫn về quản lý, phân luồng tiếp nhận, cách ly điều trị và dự phòng lây nhiễm virus Adeno.
Bệnh viện đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm virus Adeno nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay tiêu chuẩn nhập viện điều trị trẻ viêm phổi nhiễm virus Adeno kèm theo một trong các tiêu chuẩn sau:
Khó thở: Thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản; Suy hô hấp hoặc giảm oxy máu: Tím, SpO 2 < 94%; Có dấu hiệu toàn thân nặng: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng; Bệnh nền nặng: Bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…; Tổn thương trên X-quang phổi: Tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, abces phổi…;
Tiêu chuẩn chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm virus Adeno điều trị ổn định kèm theo các tiêu chuẩn:
Không suy hô hấp: SpO2 từ 94% trở lên, không tím; Giảm khó thở; Hết sốt; Ăn được bằng đường miệng; Các rối loạn nặng đã được kiểm soát;
Để giảm thiểu lây nhiễm virus Adeno, chuyên gia khuyến cáo:
Luôn sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt; Vào mùa mưa, lũ lụt, nên tiến hành khử trùng nước giếng bằng cloramin B; Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở, tránh sử dụng chung khăn mặt với người khác, nên thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng; Thường xuyên rửa tay với xà phòng hay dung dịch sát khuẩn; Kiểm tra thường xuyên tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường, nhất là ở những bể bơi công cộng.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày. Bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân-hè hoặc thu-đông. Virus Adeno được chia làm 7 nhóm từ A-G, trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não màng não,… Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, trong đó, trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém. Đối với trẻ em, bệnh hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng-5 tuổi. Trẻ nhiễm virus Adeno thường có các biểu hiện như sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Khi diễn biến nặng hơn, trẻ xuất hiện tình trạng khó thở. |
Minh Long
BV Nhi Trung ương: Ca nhiễm virus Adeno tăng bất thường, 6/412 bệnh nhi đã tử vong
Chưa đầy tháng rưỡi, từ ngày 1/8-12/9, BV Nhi Trung ương đã ghi nhận 412 trẻ nhiễm virus Adeno, nhiều hơn tổng số ca nhiễm của cả năm 2021.