Chênh vênh ước mơ của nữ sinh 26,98 điểm: Đỗ ĐH nhưng không đủ học phí

Chia sẻ Facebook
18/10/2022 21:32:47

Biết mẹ phải vất vả nuôi bản thân trưởng thành nên suốt 12 năm liền, Diệu Em luôn nỗ lực học tập. Song, khi đứng trước ngưỡng cửa Đại học, nỗi lo học phí lại trĩu nặng trên đôi vai hai mẹ con.

Những ngày vừa qua, hàng trăm nghìn tân sinh viên đã và đang nô nức chuẩn bị cho một khởi đầu mới đầy ắp những trải nghiệm thú vị trên giảng đường Đại học. Thế nhưng, bên cạnh bầu không khí hào hứng ấy, vẫn còn đâu đó những em học sinh dù đạt điểm cao nhưng lại chật vật trong chính giấc mơ của mình, chỉ bởi hai chữ “học phí”.


Nghị lực vươn lên của cô học trò nghèo

Báo Tuổi Trẻ viết, nữ sinh Trần Thị Diệu Em là học sinh của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Châu Thành, An Giang). Ngay từ khi còn bé, Diệu Em đã thiếu vắng tình thương của bố. Vì vậy, hơn 17 năm qua, nữ sinh cùng mẹ phải nương nhờ ở nhà bà ngoại cùng cậu mợ. Dù gia cảnh khó khăn cùng cực là vậy nhưng với mẹ Diệu Em, bà không bao giờ muốn con phải chịu khổ.

Giấc mơ đi học của Trần Thị Diệu Em gặp nhiều khó khăn do kinh tế gia đình. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Bà Nguyễn Thị Ngân (mẹ Diệu Em) năm nay chỉ mới 46 tuổi nhưng mọi dấu vết thời gian đã in hằn trên gương mặt khắc khổ của bà. Gần 20 năm gồng gánh trên đôi vai gầy toàn bộ kinh tế gia đình, đã có lúc bà tưởng như không thể tiếp tục. Song, khi nhìn đứa con thơ dại đang say ngủ, bà lại nuốt nước mắt vào trong. Ngày nào cũng thức khuya dậy sớm làm đủ loại mọi bánh ngọt mang đi bán.

Ngôi nhà nhỏ sống cùng bà ngoại của hai mẹ con. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Mỗi ngày, bà Ngân lại thay đổi các loại bánh khác nhau, khi thì bánh bò, lúc lại bánh chuối, bánh canh,... Trên chiếc xe đạp nhỏ chất đầy bánh ở yên sau, nếu bán hết thì bà có thể kiếm được từ 80 nghìn - 100 nghìn đồng để nuôi con ăn học. Nhưng rong ruổi cùng xe bánh mãi cũng đến lúc không thể kham nổi chi phí của học sinh cấp 3, vì vậy, bà xin đi phụ việc tại quán ăn, làm rửa bát thuê với mức lương 150 nghìn đồng/ ngày để trang trải cuộc sống.

Với bà Ngân, Diệu Em là tài sản quý giá nhất của bà nên bà không nề hà bất kỳ công việc gì. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Thấy mẹ đi làm cực khổ, Diệu Em ngỏ ý được đi làm phụ mẹ khiến bà rất vui. Năm học lớp 12, cô nữ sinh nhỏ xin làm nhân viên ở một nhà sách trong thị trấn nhưng vì sợ ảnh hưởng việc học, lại chưa đủ tuổi nên bà chủ hẹn em năm sau. Sau đó, khi đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, Diệu Em liền xin đi làm ở tiệm thuốc Tây, hai tháng kiếm được hơn 4 triệu đồng.

Diệu Em đôi khi phải làm đến 11, 12 tiếng một ngày mỗi khi nhà thuốc nhập lô hàng mới. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Học không chỉ là giấc mơ mà còn là con đường duy nhất để giúp Diệu Em vượt qua được nghịch cảnh. Suốt 3 năm cấp 3, Diệu Em luôn là học sinh giỏi của trường. Trong kỳ thi năm nay, nữ sinh An Giang đã đạt được kết quả 48,5 điểm cho 6 môn. Với kết quả này, Diệu Em đã đủ điều kiện được xét tuyển vào Trường đại học Luật TP.HCM ở khối C00 với tổng điểm là 26,98 điểm.

Nỗ lực trong học tập, Diệu Em đã gặt hái được nhiều “trái ngọt” xứng đáng với công sức bỏ ra. (Ảnh: Tuổi Trẻ)


Song, niềm vui qua đi lại là lúc nỗi lo lắng ập đến. Ngày nhập học đến gần, hai mẹ con phải gánh vác khoản học phí đóng tạm kỳ 1 lên đến hơn 15 triệu đồng. Số tiền này với nhiều người không phải nhiều, nhưng với Hiền lại là áp lực vô cùng lớn. "Với em, khó khăn nhất lúc này là thời gian, em ước mình có đủ thời gian để đi làm, giá có thể nhập học lùi lại trễ hai tháng, lúc đó em sẽ kiếm được khoảng 10 triệu đồng, cộng với tiền lương của mẹ thì may ra..." , Diệu Em sụt sùi tâm sự với Tuổi Trẻ.

Diệu Em rơi nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình mình. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Biết hoàn cảnh khó khăn của Diệu Em, ngày phải đặt cọc 2 triệu tiền trọ tại Sài Gòn, gia đình của hai học sinh ở ghép cùng Diệu Em đã cho em mượn tiền đóng trước. Còn các vật dụng sinh hoạt đều đã được họ mua sẵn. Mẹ Diệu Em dự tính khi say vay mượn tạm để lo cho con nhập học, sau này sẽ vay ngân hàng để trả dần. Diệu Em cũng dự định khi đã quen với môi trường mới, em sẽ đi làm thêm để tự trang trải sinh hoạt.


Nỗi lo không có tiền của nữ sinh dân tộc Thổ

Cũng trong hoàn cảnh tương tự như Trần Thị Diệu Em, cô bạn Trương Thị Hiền (Nghệ An) cũng mang trong mình nỗi lo không có tiền đi học. Sinh ra trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, trên là bà lớn tuổi, mẹ mắc bệnh nặng về tinh thần, dưới là 2 em thơ vẫn còn đang tuổi ăn tuổi học, gia đình lại chỉ làm nông nên Hiền mọi nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đều do cha em gánh vác.

Hiền đậu đại học với số điểm lần lượt là Ngữ văn 9,25 điểm, Lịch sử 9,5 điểm, Địa lý 8,75 điểm. (Ảnh: Dân Trí)

Nuôi mộng từ bé, nhiều năm liền, Hiền luôn cố gắng đạt học sinh giỏi. Trong kỳ thi năm nay, cô bạn dân tộc Thổ đã đạt được 30,25 điểm ở tổ hợp khối C00, đã cộng cả điểm ưu tiên. Với kết quả vô cùng khả quan này, Hiền đã trúng tuyển nguyện vọng vào ngành Quan hệ công chúng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Hiền rất buồn bã vì bố mẹ không ủng hộ việc học Đại học của cô bạn do hoàn cảnh gia đình khó khăn. (Ảnh: Dân Trí)

Trước đó, trong thời gian đợi điểm, Hiền đã xin vào làm công nhân tại một nhà máy lắp linh kiện điện tử ở Bắc Ninh. Dù bố mẹ thường xuyên khuyên nên đi xuất khẩu lao động nhưng Hiền vẫn quyết định đi học. Trước mắt em cũng tiết kiệm được chút ít rồi vay người thân, tạm thời có thể chi trả được các chi phí đầu năm. Đợi khi nào ổn định về chỗ trọ rồi, Hiền sẽ đi làm thêm để tự trang trải cho cuộc sống.

Có thể thấy, dù sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng những nữ sinh trên đều không phó mặc cho số phận, vượt qua nghịch cảnh để vừa chăm chỉ học tập vừa có thể phụ giúp bố mẹ khiến ai cũng phải nể phục. Bạn nghĩ sao về nghị lực của những nữ sinh này? Hãy chia sẻ bằng cách để lại bình luận ngay bên dưới nhé.


Cùng cập nhật những tin tức mới nhất tại YAN!

Tuổi 18, cái tuổi mà bao nhiêu ước mơ và nhiệt huyết vẫy gọi thì những nữ sinh này lại gặp nhiều gian nan, vất vả vì điều kiện không cho phép. Giấc mơ đến với cánh cổng đại học khó khăn là thế nhưng đây lại chính là con đường giúp các em thoát nghèo, mang đến cho bố mẹ cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, vượt qua nghịch cảnh, họ vẫn cố gắng vươn lên, nỗ lực học tập. Mong rằng trước sự nỗ lực và kiên cường của các em, sẽ có thêm nhiều cánh tay vươn ra để đưa các em đến gần hơn với với ước mơ, mở rộng tương lai.

Chia sẻ Facebook