Chế xe 16 chỗ thành nhà di động, đưa 2 con nhỏ đi khắp đó đây
“Sau mỗi chuyến đi, da các con lại đen hơn một chút, mặt và chân tay nhiều vết muỗi đốt hơn. Nhưng đổi lại, các con đã mạnh dạn hơn, thích khám phá cái mới và sức đề kháng cũng tăng lên đáng kể”, anh Sơn cho biết.
Đó là những tâm sự của ông bố 2 con Lương Lam Sơn sau 1 năm cùng các con rong ruổi khắp nơi trên "ngôi nhà di động" do chính vợ chồng anh thiết kế và thực hiện.
Anh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, cả ngành du lịch lao đao. Dịch vụ cho thuê homestay của anh cũng phải dừng hoạt động. Các con bị nhốt trong nhà không có chỗ vui chơi, suốt ngày quanh quẩn trong 4 bức tường.
Khi đó, ước mơ có một chiếc xe với đủ giường, bếp ăn giống trong các bộ phim Mỹ nhen nhóm trở lại và hai vợ chồng đã bắt tay thực hiện. Để có được motorhome đầu tiên, vợ chồng anh Sơn đã phải suy nghĩ lên ý tưởng và hoàn thiện trong vòng 2 tháng, với đủ thứ công việc lần đầu tiên anh phải làm.
"Điều khó khăn nhất khi làm ra chiếc xe này là phải thiết kế chiếc xe sao cho tuân thủ luật an toàn giao thông tại Việt Nam, đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, cũng như những người tham gia giao thông khác.
Sau một tháng suy nghĩ, vợ chồng mình đã quyết định hạ tải chiếc xe 16 chỗ thành xe tải van. Tất cả các thành viên trong gia đình đều ngồi trên khoang lái và thắt dây an toàn. Phần phía sau được thiết kế với giường ngủ, bếp ăn", anh Sơn cho biết.
Sau đó, ông bố trẻ đã mất thêm 2 tuần đặt mua các thiết bị chuyên dụng cho nhà di động như bàn ăn thông minh, pin để thiết kế hệ thống điện độc lập… từ các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Cuối cùng, thi công và hoàn thiện trong 14 ngày.
Tổng chi phí để làm ra một ngôi nhà di động khoảng 300 triệu đồng, bao gồm chi phí mua xe, bảo dưỡng, đại tu xe, mua sắm các thiết bị lắp đặt theo thiết kế. Từ khi có chiếc xe, các chuyến đi của gia đình cũng nhiều hơn. Đặc biệt nhất là chuyến đi "không tiếp xúc" của gia đình từ Hà Nội đến thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
"Vì trên xe có đủ thứ từ đồ ăn, thức uống đến chỗ ngủ nghỉ, suốt cả quãng đường gia đình mình đã đi một mạch đến thẳng bản Tả Van. Khi đó, ở bản chưa có ca F0 nào nên nhà mình mới quyết định ở lại cắm trại trong 4 ngày.
Trong chuyến đi này, các con được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị: khám phá ruộng bậc thang, tắm suối với các bé bản địa và tìm hiểu về các loài động vật ở farmstay", anh Sơn chia sẻ.
Sau mỗi chuyến đi, vợ chồng anh lại thấy các con thay đổi rõ rệt. Da các bạn nhỏ đen hơn, các nốt côn trùng cắn cũng nhiều hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là các con đã học thêm được nhiều điều mới mẻ, có những trải nghiệm thú vị.
"Trong lần đi đầu tiên, các bạn nhỏ nhà mình đã mất gần 2 tiếng mới có thể làm quen với môi trường lạ. Các con sợ đủ thứ: bùn đất, côn trùng, người lạ. Nhưng càng đi nhiều, các con lại càng có những thay đổi tích cực.
Những chuyến đi sau, các con chỉ mất 10-15 phút để làm quen với môi trường mới. Bên cạnh đó, các con cũng mạnh dạn hơn, chăm giao tiếp với người lạ, yêu thích thiên nhiên và tạo được thói quen thích khám phá. Đó là những thói quen rất tốt cho các con.
Sức đề kháng của các con cũng tốt hơn rất nhiều. Cụ thể, đợt vừa rồi gia đình mình cũng nhiễm COVID-19, bé Kay (5 tuổi) gần như không có triệu chứng gì, còn bé Kem (7 tuổi) bị sốt 2 ngày là lại có thể chạy nhảy bình thường", anh Sơn cho biết.
Trong mỗi chuyến đi, anh Sơn đều ghi lại toàn bộ hành trình, trải nghiệm của gia đình mình để chia sẻ thông qua kênh YouTube do chính anh sáng lập, nhằm mang đến cho mọi người những kiến thức thú vị khi du lịch tự túc bằng motorhome.
Hiện, anh Lam Sơn đang có ý tưởng kết nối những gia đình có motorhome (mobihome) để mở dịch vụ cho thuê. Qua đó, anh hy vọng sẽ giúp cho nhiều gia đình được trải nghiệm mô hình du lịch độc đáo này, đồng thời góp phần phát triển phong trào chơi mobihome tại Việt Nam.
Cặp đôi người Na Uy Birk Haaland và Sara Teigen đã biến chiếc xe Volkswagen của mình thành ngôi nhà di động để đi du lịch qua nhiều quốc gia châu Âu.