Chế độ ăn hợp lý, phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em
Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, thường gặp nhất là sự thiếu hụt protein, vitamin và các khoáng chất.
Suy dinh dưỡng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi. Hiện, nhiều phụ huynh hiểu chưa đầy đủ về suy dinh dưỡng trẻ em và không có biện pháp can thiệp kịp thời đã khiến cho tình trạng suy dinh dưỡng ngày càng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, vận động và trí tuệ của trẻ.
Theo bác sĩ Vi Thị Huệ, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, có nhiều nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó chế độ ăn không đầy đủ chất dinh dưỡng (ngay từ trong giai đoạn bào thai đến ăn dặm) và bệnh tật, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn là hai nguyên nhân chủ yếu.
"Xem di truyền là yếu tố gây nên tình trạng thấp còi ở trẻ là cách hiểu sai lầm của khá nhiều phụ huynh. Họ cho rằng bố mẹ thấp thì con sẽ thấp và ngược lại. Thực tế là nhiều bố mẹ có chiều cao khiêm tốn nhưng con của họ lại cao to. Đó là do họ nuôi con bằng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý ở từng giai đoạn phát triển của trẻ và chăm sóc sức khỏe cho con một cách khoa học", bác sĩ Huệ nói.
Suy dinh dưỡng trẻ em có 3 thể chính, gồm: thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi): cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới; thể thấp còi (chiều cao/tuổi): chiều cao thấp hơn mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới; thể gầy còm (cân nặng/chiều cao): là hiện tượng cơ và mỡ bị teo đi, được coi là suy dinh dưỡng cấp tính vì thường biểu hiện trong một thời gian ngắn.
Các biểu hiện của suy dinh dưỡng gồm: trẻ không tăng cân trong 3 tháng liên tiếp; trẻ thường quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt; bắp tay, chân mềm, nhão, bụng to; chậm lẫy, ngồi, bò, đi, biếng ăn kéo dài…
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 25,6% (năm 2011) xuống còn 18,4% (năm 2020); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 35,5% xuống còn 28,5%. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với trung bình toàn quốc, lần lượt là 11,6% và 19,5%.
Cũng theo bác sĩ Huệ, nhiều gia đình tại Đắk Lắk, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ em như: không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho trẻ cai sữa mẹ và ăn dặm sớm, từ 4 tháng tuổi; chế độ ăn hằng ngày nghèo nàn, không đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ như chất đạm (thịt, cá, hải sản, trứng, sữa, các loại đậu/đỗ…), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ..), bột đường (cơm, khoai, bún, phở, đường…), vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả…); môi trường sống kém vệ sinh, không có nước sạch khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm phổi…
Bác sĩ Huệ cho biết: "Có nhiều bà mẹ lấy lí do nhà nghèo, không có thức ăn đủ dinh dưỡng cho con nhưng điều đó không đúng. Không phải những thức ăn đắt đỏ, hiếm có, khó tìm mới có dinh dưỡng mà chúng ta hoàn toàn có thể dùng những loại thực phẩm sẵn có trong gia đình để nấu cho con như thịt gà, trứng, rau, củ quả, đậu/đỗ…".
Hậu quả của suy dinh dưỡng thường không thể khắc phục được. Với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng, khi lớn ảnh hưởng đến khả năng học tập, lao động thể lực, trí lực cũng như mắc một số bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành. Để phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần:
- Có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời (từ khi mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi).
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Có chế độ ăn bổ sung đầy đủ, hợp lý 4 nhóm chất (đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất) theo từng lứa tuổi của trẻ.
- Theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng tháng nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng.
- Không tự ý dùng thuốc điều trị nếu trẻ bị bệnh.
- Bổ sung Vitamin A, tẩy giun định kì và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.