'Chạy' nhanh như KPF
Tăng gấp đôi sau 12 phiên giao dịch, KPF đang trở thành hiện tượng trên sàn HOSE.
Chốt phiên giao dịch ngày 29/8, cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh đóng cửa ở mức 22.200 đồng/cp – tăng gấp đôi so với thời điểm kết phiên giao dịch ngày 12/8. Đó là hệ quả của 12 phiên tăng điểm liên tiếp của cổ phiếu KPF.
Cùng với sự thăng hoa về giá, khối lượng giao dịch của cổ phiếu KPF cũng gia tăng đột biến. Trong các phiên giao dịch ngày 19/8 và 29/8, hơn 600.000 cổ phiếu KPF được trao tay qua phương thức khớp lệnh.
Nên biết, KPF chỉ ghi nhận mức thanh khoản cao như vậy ở những tuần đầu niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) hồi tháng 3/2016.
KPF có gì?
Đà tăng của cổ phiếu KPF phần nào được củng cố bởi báo cáo tài chính bán niên năm 2022 (đã được soát xét) được công ty này công bố hôm 13/8.
Báo cáo cho thấy, KPF không phát sinh doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong nửa đầu năm 2022. Cùng kỳ năm trước, công ty này ghi nhận 25 tỉ đồng doanh thu bất động sản, phát sinh từ việc chuyển nhượng hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Khu phức hợp và Nhà ở Phước Lợi giữa KPF và Công ty TNHH Đầu tư Central Capital ( Central Capita l).
Thành lập từ tháng 11/2018, Central Capital, nên biết, được sáng lập bởi hai cựu thành viên HĐQT KPF, là ông Vũ Đức Toàn và bà Trần Thị Dịu Hoà. Họ cũng chia nhau 2 chức vụ chủ chốt nhất của Central Capital, lần lượt là Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc.
Trong các năm 2020 và 2021, Central Capital đều báo lỗ, lần lượt ở mức 27,8 tỉ đồng và 30,4 tỉ đồng.
Mối liên hệ giữa KPF và nhóm Central Capital còn được thể hiện ở các khoản phải thu về cho vay và đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp này.
Tính đến ngày 30/6/2022, số dư phải thu về cho vay được KPF ghi nhận với 4 pháp nhân lên tới 223,6 tỉ đồng, bao gồm: Công ty TNHH New World (26,3 tỉ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (95 tỉ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (91,8 tỉ đồng) và Công ty TNHH The Alcove Library Hotel (10,3 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, KPF còn nắm giữ tới 94,38 tỉ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (Phúc Hậu) và 72,98 tỉ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Son (Phú Son).
Phúc Hậu là chủ đầu tư dự án Khu dân cư sinh thái Vườn Tài tại các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tính đến tháng 5/2021, Phúc Hậu có quy mô vốn điều lệ đạt 250 tỉ đồng. Trong đó, bà Trần Thị Dịu Hoà – CEO Central Capital – đứng tên sở hữu 62,5% vốn điều lệ. CTCP Đầu tư Bất động sản Happy House và Công ty TNHH Happy House Việt Nhật, mỗi đơn vị sở hữu 18,75% vốn điều lệ.
Cập nhật tới tháng 5/5/2022, bà Thái Thị Hải Yến đã nhận chuyển nhượng 62,5% cổ phần Phúc Hậu từ bà Trần Thị Dịu Hoà.
Sinh năm 1983, bà Thái Thị Hải Yến là nhân sự cấp cao của Central Capital. Bà Yến cũng từng mua vào 850.000 cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ 36 triệu cổ phiếu của KPF hồi tháng 3/2021.
Ở Phúc Hậu, bà Yến từng đảm nhiệm ghế giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty thay thế cho bà Trần Thị Dịu Hoà, trước khi nhường lại vai trò này cho bà Vu Quyen (SN 1977, quốc tịch Mỹ).
Bà Trần Thị Dịu Hoà từng là giám đốc kiêm người đại diện Công ty TNHH The Alcove Library Hotel (Alcove Library Hotel) – pháp nhân được thành lập từ tháng 8/1998.
Tính đến tháng 10/2016, Alcove Library Hotel có quy mô vốn điều lệ 0,25 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH NIBC Investment nắm giữ 99% vốn điều lệ. Bà Hoà nắm giữ 1% cổ phần còn lại của Alcove Library Hotel.
Câp nhật đến tháng 10/2021, Alcove Library Hotel có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Lê Trần Minh Thuỷ (70% VĐL) và Nguyễn Thị Hải Minh (30% VĐL). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Trần Đức Vinh (SN 1980) – anh trai của CEO Central Capital Trần Thị Dịu Hoà.
Bên cạnh đó, ông Trần Đức Vinh cũng là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH A Type Machine (A Type Machine).
Bà Lý Nguyệt Cung Nghi – phu nhân của ông Trần Đức Vinh, A Type Machine từng là các nhà đầu tư đăng ký mua vào 66,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ của KPF.
Tuy nhiên, theo quyết nghị chào bán riêng lẻ mà HĐQT KPF thông qua hôm 20/6/2022, công ty này chỉ phát hành thêm 47,2 triệu cổ phiếu. Danh sách được chào bán cũng không còn ghi nhận bà Lý Nguyệt Cung Nghi và A Type Machine.
Ở một diễn biến khác, ngày 20/5/2022, ông Vũ Đức Toàn đã bán ra 1,2 triệu cổ phiếu KPF, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,28%, qua đó không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp này.
Ở chiều hướng ngược lại, ngày 26/5/2022, ông Vũ Ngọc Hoàng mua vào tới 3,8 triệu cổ phiếu KPF theo phương thức thoả thuận và trở thành cổ đông lớn tại đây với tỉ lệ sở hữu 6,28% vốn điều lệ.
Không loại trừ khả năng các giao dịch là động thái tái cơ cấu sở hữu. Ngày 26/7/2022, bà Thái Thị Hải Yến bất ngờ mua thêm 1,15 triệu cổ phiếu KPF, tăng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 3,6 triệu đơn vị, tương đương 5,93% vốn điều lệ.
Tại ngày 30/6/2022, KPF còn ghi nhận khoản phải thu lên tới 152,6 tỉ đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Sakiland (Sakiland) liên quan đến việc chuyển nhượng 48% cổ phần CTCP TTC Deluxe Sài Gòn (Deluxe Sài Gòn). Đáng chú ý, hợp đồng này đề ngày 30/6/2022 – đúng ngày 'chốt sổ' báo cáo tài chính quý 2/2022.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Sakiland là một pháp nhân còn khá trẻ, được thành lập từ tháng 2/2020, bởi 2 thể nhân, bao gồm: ông Vũ Ngọc Khánh Đạt (SN 1994; góp 9 tỉ đồng – tương đương 30% vốn điều lệ); ông Nguyễn Bách Bảo Vinh (SN 1987; góp 21 tỉ đồng – chiếm 70% vốn điều lệ).
Cập nhật tới ngày 10/6/2022 quy mô vốn điều lệ của Sakiland tăng gấp 10 lần, lên tới 300 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông của công ty cũng được 'thay máu' triệt để, bao gồm: ông Đặng Phúc Vĩnh (SN 1995; sở hữu 95% VĐL) và bà Võ Lê Bích Trâm (SN 1990; sở hữu 5% VĐL)./.