Cháy hầm để xe, chủ đầu tư 'phủi tay'?
Gần 1 năm sau vụ cháy trong hầm để xe nhưng cư dân chung cư Dream Home Residence (phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM, do Công ty TNHH Nhà Mơ làm chủ đầu tư) vẫn không được chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường.
Trong khi đó, hotline lẫn trụ sở công ty này đều là địa chỉ "ma".
Ngày 26-6-2021, tại khu vực A hầm chung cư Dream Home Residence xảy ra vụ cháy, thiêu rụi nhiều xe máy gửi tại tầng hầm.
Chủ đầu tư "bặt vô âm tín"
Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp kết luận không tìm thấy sự cố chập điện trên các mẫu gửi giám định, không có cơ sở để kết luận có hay không sự cố chập điện trên các xe máy; không đủ cơ sở xác định vụ cháy bắt nguồn từ chiếc xe nào; không đủ cơ sở xác định nguyên nhân vụ cháy. Đồng thời, cơ quan này cũng ban hành thông báo về định giá tài sản các chiếc xe bị cháy.
Ông Nguyễn Văn Thăng (36 tuổi, cư dân chung cư Dream Home Residence ) cho biết dù ông nhiều lần liên hệ nhưng suốt gần 1 năm kể từ ngày xảy ra vụ cháy, Công ty Nhà Mơ phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm, không đối thoại, không đưa ra phương án bồi thường, không bồi thường tài sản đã bị thiệt hại cho ông.
Theo ông Thăng, năm 2017, ông tin tưởng chủ đầu tư Công ty TNHH Nhà Mơ (địa chỉ: 11/29 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) nên mua 1 căn hộ thuộc dự án chung cư Dream Home Residence. Năm 2018, Công ty Nhà Mơ bàn giao nhà. Vào ở 4 năm nay nhưng gia đình ông và nhiều hộ dân khác vẫn chưa được bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, làm ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi của cư dân, song chủ đầu tư vẫn "bặt vô âm tín".
Chúng tôi đã liên hệ với Công ty cổ phần Nhà Mơ để tìm hiểu sự việc, song tại địa chỉ 11/29 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú được công ty quảng cáo là trụ sở công ty này chỉ là một spa. Chúng tôi tiếp tục gọi vào số hotline của công ty nhưng không liên lạc được. Liên hệ ban quản lý chung cư Dream Home Residence nhưng trưởng ban quản lý cho biết "không có thẩm quyền trả lời vụ việc".
Ai phải bồi thường?
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), thông tư 28 của Bộ Xây dựng quy định khi chủ đầu tư chưa tổ chức được hội nghị chung cư lần đầu thì chủ đầu tư có thể trực tiếp thực hiện việc quản lý vận hành hoặc ủy thác cho đơn vị khác có chức năng, năng lực để vận hành nhà chung cư.
Như vậy trong trường hợp này, trách nhiệm vận hành trong thời gian này vẫn thuộc về chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nhà Mơ, dù họ trực tiếp quản lý hay thuê đơn vị quản lý.
Cũng theo quy định tại khoản 9 điều 38, thì chủ đầu tư còn có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định.
Như vậy, trường hợp cư dân gửi xe nhưng xe bị cháy mà không xuất phát từ lỗi kỹ thuật của xe hoặc do chủ xe hoặc một cá nhân nào đó cụ thể gây ra thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về chủ đầu tư. Chủ xe bị cháy và chủ đầu tư có thể thương lượng với nhau về việc bồi thường.
Trường hợp không tìm được tiếng nói chung thì người có xe bị cháy có thể khởi kiện vụ án ra tòa để yêu cầu chủ đầu tư bồi thường. Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án có thể triệu tập thêm các bên có liên quan như: đơn vị quản lý nhà chung cư, đơn vị bảo vệ, bảo hiểm để làm rõ trách nhiệm của các bên, nhằm đưa ra quyết định bên nào sẽ phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe hay liên đới bồi thường cho chủ xe.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), khi cư dân thực hiện việc gửi xe cho bãi giữ xe và có lấy thẻ xe đã là thực hiện một loại hợp đồng gửi tài sản. Bởi theo điều 557 Bộ luật dân sự, nghĩa vụ của bên giữ tài sản là phải bảo quản tài sản như đã thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Như vậy, vấn đề chính cần xác định là nguyên nhân gây cháy bãi giữ xe có phải là sự kiện bất khả kháng hay không, chủ đầu tư có áp dụng các biện pháp phòng chống cháy nổ cần thiết phòng ngừa trường hợp này không?
Việc chủ đầu tư cố tình phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm, không đối thoại, không đưa ra phương án bồi thường tài sản đã bị thiệt hại là hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cư dân, có thể làm sự việc ngày càng nghiêm trọng. Trường hợp cư dân không thể xác định chính xác địa chỉ của chủ đầu tư cố tình che giấu có thể làm văn bản gửi Sở Kế hoạch và đầu tư, UBND, công an địa phương để xác minh thông tin của chủ đầu tư, tổ chức đối thoại.
Bên cạnh đó, Luật nhà ở 2014 và Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua, chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện thực hiện.
Trường hợp chậm bàn giao sổ đỏ cho người mua nhà từ sau 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng; chậm từ 6 đến 9 tháng bị phạt tiền từ 30 triệu đến 300 triệu đồng; từ 9 tháng đến 12 tháng bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng; từ 1 năm trở lên bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng. Người mua căn hộ có thể gặp trực tiếp chủ đầu tư để trao đổi và đề nghị hoàn tất giao sổ cho người mua căn hộ.
Trường hợp chủ đầu tư tiếp tục vi phạm nghĩa vụ, người mua căn hộ có thể làm đơn kiến nghị với thanh tra xây dựng hoặc UBND cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm. Người mua có thiệt hại do hành vi chậm thực hiện thì có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo hợp đồng đã thỏa thuận.
Ông Đặng Công Báu (trú TP Vũng Tàu) đang đeo đuổi vụ kiện kéo dài gần 5 tháng nay mà vẫn chưa biết ai bồi thường tài sản cho mình.