Châu Mỹ có tỷ lệ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới

Chia sẻ Facebook
27/08/2022 20:36:18

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, châu Mỹ đã thay thế châu Âu trở thành khu vực có tỷ lệ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới.


Châu Mỹ hiện chiếm hơn 2/3 số ca mắc mới đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn cầu trong vài tuần qua.

Mặc dù số ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu giảm 21% nhưng các trường hợp mắc mới lại gia tăng ở châu Mỹ. Trong một tháng qua, châu Mỹ chiếm khoảng 60,3% các trường hợp mắc mới bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới, so với tỉ lệ 38,7% của châu Âu.


CDC Mỹ cho biết, hiện rất ít người dân nước này chủ động tiêm mũi vaccine đậu mùa khỉ thứ hai dù vấn đề nguồn cung vaccine đã được khắc phục.

Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới. Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tăng đột biến trong bối cảnh nước này đang tăng cường năng lực xét nghiệm nhằm sớm kiểm soát chuỗi lây lan của dịch bệnh.

Người dân đăng ký tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại New York, Mỹ, ngày 14/7/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một số chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng, phạm vi lây nhiễm đang ngày càng mở rộng và tỷ lệ nghịch với khả năng ngăn chặn sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ.

Hiện các ca bệnh phần lớn được ghi nhận ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, khi số lượng ca nhiễm gia tăng, các khả năng lây truyền khác cũng xuất hiện.

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức kích hoạt cảnh báo cao nhất và tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp (PHEIC) đối với bệnh đậu mùa khỉ. Điều này đồng nghĩa với việc WHO coi sự bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa đến sức khỏe toàn cầu, và các nước cần phối hợp để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh lây lan.


Các triệu chứng đầu tiên khi mắc đậu mùa khỉ có thể bao gồm sốt và mệt mỏi. Vài ngày sau khi nhiễm virus, các vết phát ban trên cơ thể bệnh nhân có thể chuyển thành những vết tổn thương da gây đau đớn, chứa dịch mủ. Tình trạng này có thể kéo dài vài tuần cho đến khi bệnh nhân khỏi bệnh.

Chia sẻ Facebook