Châu Âu vẫn tranh cãi nảy lửa về trần giá dầu Nga
Đúng một tuần nữa, G7 cùng với EU sẽ chính thức áp giá trần với dầu nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mức giá trần là bao nhiêu vẫn là con số tranh cãi.
Ngày 5/12, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (gọi tắt là G7) cùng với Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ áp giá trần với dầu nhập khẩu từ Nga trong phạm vi 7 nước thuộc G7 và 27 nước thuộc EU.
Mức giá trần mà nhóm G7 đưa ra hiện nay với 1 thùng dầu của Nga là từ 65 - 70 USD. Con số này đã liên tục được bàn thảo tại Liên minh châu Âu tuần qua. Song đến phiên họp quyết định tối thứ 6 ngày 25/11, cuộc họp đã bị hoãn phút chót.
Hiện có 2 luồng ý kiến lúc này. Ba Lan, Cộng hoà Estonia và Cộng hoà Litva muốn mức trần thấp hơn nhiều, khoảng 30 USD/thùng và cho rằng mức này sát với chi phí sản xuất của Nga.
Trong khi đó, Cộng hoà Cyprus, Hy Lạp và Malta lại muốn một mức cao hơn. Thực tế đây là những quốc gia vốn có ngành vận tải đường biển đang phục chính trong hoạt động vận chuyển dầu xuất khẩu của Nga vào EU. Những nước này cho rằng mức giá đề xuất là quá thấp, đưa ra yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại kinh doanh mà họ phải gánh chịu hoặc cần có thêm thời gian để họ tiến hành điều chỉnh hoạt động.
Những tranh luận hiện nay tại châu Âu liên quan đến áp giá trần dầu Nga
Bài toán khó của các nước G7 cũng như của Liên minh châu Âu là phải xác định một mức giá trần đủ thấp để đánh vào nguồn thu và năng lực quân sự của Nga, nhưng phải đủ cao để nước Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu thô.
Nếu giá bán quá thấp, lợi nhuận ít, nước Nga sẽ mất động lực xuất khẩu, dẫn tới giá dầu tăng trên thị trường thế giới thì lại thành bất lợi cho những nước lệ thuộc vào dầu mỏ, đặc biệt là các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Tới lúc này vấn đề là liệu các nước G7 và Liên minh châu Âu có thực hiện biện pháp này vào đầu tuần sau hay không, không phải là mức trần sẽ là bao nhiêu.
Báo chí Nga đang nói gì về mức giá trần?
Biện pháp áp giá trần dầu Nga nằm trong gói trừng phạt thứ 9 của EU với Moskva liên quan đến xung đột tại Ukraine. Đây được xem là biện pháp mạnh mẽ nhất để cắt nguồn USD mà Nga có được. Vậy từ Nga họ đang có những tính toán gì trước việc phương Tây sẽ thực hiện lệnh cấm này?
Cuối năm 2021, Bộ Năng lượng Nga từng đưa ra con số ước tính phi chí sản xuất dầu ở Nga dao động trong khoảng 15 - 40 - 45 USD/thùng. Số liệu này gần như là tương ứng với của Công ty phân tích độc lập Rystad Energy, khi tính giá dầu Nga từ 20 đến 50 USD/ thùng, tuỳ thuộc vào cách xử lý các con số.
Báo Nga đã dẫn dữ liệu của Cơ quan thống kê liên bang Rosstat, trong 5 năm qua, chi phí sản xuất dầu Nga đã tăng gấp đôi, mà chưa tính đến thuế cũng tăng.
Theo Bộ Tài chính Nga, vào tháng 10/2022 một thùng dầu xuất khẩu Urals của Nga có giá hơn 70 USD, thấp hơn khoảng 24USD so với dầu Brent. Điều này, theo các chuyên gia của FG Finam trên tờ Quan điểm thì giá trần - nếu áp đặt ở mức 65 - 70 USD, đang gần với giá dầu thị trường hiện tại của Nga. Và việc Mỹ và EU áp giá dầu trần chỉ là hình thức.
Chuyên gia của Quỹ an ninh năng lượng Nga, ông Stanislav Mitrakhovich, dự báo giá cận biên của dầu Nga được đặt ở mức 65 USD/ thùng. Nếu giá dầu xuống dưới mức trung bình 50 - 60 USD/thùng, các vấn đề về sản xuất dầu của Nga sẽ ngay lập tức nổi lên, đánh vào điểm dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế Nga đó là ngân sách nước này.
Nga đã cảnh báo không bán dầu cho các nước tham gia áp mức giá trần. Thực tế là dù nguồn cung dầu và các sản phẩm dầu Nga sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc giảm 2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2022, việc chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác đã cho phép Nga giảm tổn thất sản xuất.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu Nga cắt giảm sản lượng lớn để đáp trả việc áp đặt giá trần quá thấp, điều này có thể sẽ gây sốc cho thị trường.
Giới chuyên gia Nga ước tính, nếu lệnh cấm vận và áp trần giá dầu dẫn đến xuất khẩu dầu Nga giảm một triệu thùng mỗi ngày thì giá dầu có thể lên tới 120 USD/thùng, trong khi vẫn duy trì hạn ngạch sản xuất trong tháng 11 của các nước OPEC +. Nếu xuất khẩu từ Nga giảm 0,5 triệu thùng thì giá dầu sẽ là 100 -110 USD/thùng.
Trong khi đó, Nhà phân tích của Tổ chức Tự do tài chính toàn cầu Georgy Vashenko cho rằng, nếu Ấn Độ và Trung Quốc không tham gia lệnh cấm mới, việc giảm xuất khẩu từ Nga sẽ được bù đắp bằng báo giá mới ngày càng tăng trên thế giới.
Báo chí Nga nhận định, việc Mỹ và EU liên tục tăng trần cho thấy bản thân phương Tây cũng lo ngại, nếu dầu mỏ Nga thực sự rời khỏi EU, rời khỏi một phần thị trường thế giới nói chung thì không thể tránh được hậu quả thiếu hụt dầu, làm rối loạn thị trường năng lượng.
Châu Âu chưa tính hết tác động ngược của trần giá dầu
Châu Âu cấm vận dầu mỏ Nga từ ngày 5/12, tức là từ thứ Hai tuần sau, các nước châu Âu sẽ không mua dầu thô của Nga. Quyết định này đã có từ lâu và tuần sau sẽ có hiệu lực.
Từ ngày 5/2 năm sau, châu Âu sẽ không nhập bất cứ loại dầu gì từ Nga, dầu thô cũng như dầu thành phẩm như xăng và diesel. Dầu diesel là loại nhiên liệu lạc hậu, gây ô nhiễm, có ít quốc gia sản xuất loại dầu này. Từ nhiều năm qua, các nước châu Âu đang loại bỏ dần động cơ diesel, nhưng hiện giờ 20% xe hơi ở châu Âu vẫn chạy động cơ diésel, với nguồn cung chủ yếu từ Nga.
Có thể không phải là dầu thô, không phải là xăng, mà chính là thiếu hụt diesel mới trở thành vấn đề đối với châu Âu.
Theo các chuyên gia, thị trường năng lượng tuần này sẽ ghi nhận nhiều biến động, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của EU liên quan đến mức giá trần áp với dầu Nga. Giá vàng đen đã liên tục giảm những ngày gần đây và hiện đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Một cuộc họp cũng sẽ rất thu hút sự chú ý đó là của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác, tức nhóm OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật (4/12), tức trước thời điểm lệnh áp giá trần có hiệu lực ngày 5/12.
Tuần trước, tờ Thời báo phố cho biết, OPEC+ đang tính đến khả năng tăng sản lượng, nhưng sau đó Saudi Arabia đã lên tiếng bác bỏ thông tin này. Liệu phương Tây có thể thực thi việc áp giá trần với dầu Nga hay không?