Châu Âu trước nguy cơ 'thắt lưng buộc bụng' năng lượng

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 07:46:23

Nếu dòng chảy nhiên liệu từ Nga dừng lại, châu Âu có thể phải áp dụng những biện pháp hạn chế phân phối xăng dầu, khí đốt nhằm kiểm soát nguồn cung.

Các nước châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU) và Anh áp đặt một loạt lệnh trừng phạt lên Moskva, trong đó có giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Vào đầu tháng ba, EU cam kết cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trước cuối năm nay, trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm.

Nhưng những động thái này được đánh giá là khá rủi ro đối với một khu vực vốn đang đối mặt khủng hoảng năng lượng. Nguồn cung hạn chế đã khiến giá bán buôn khí đốt tăng lên mức cao kỷ lục ở châu Âu vào năm ngoái.

Các phương tiện xếp hàng dài đổ xăng tại London, Anh, hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Đức hôm 30/3 cảnh báo nước này có thể sớm rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt và bắt buộc phải áp dụng hạn mức trong phân phối khí đốt. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho hay giới chức hiện chưa tính đến phương án này, nhưng kêu gọi người tiêu dùng và các công ty giảm tiêu thụ năng lượng.

Cùng ngày, chính phủ Áo thông báo đã kích hoạt bước đầu tiên trong kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn nhằm kiểm soát thị trường khí đốt chặt chẽ hơn. Theo giới chức, yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble mà Nga đưa ra là lý do họ phải kích hoạt kế hoạch dự phòng, lưu ý rằng trong kịch bản tồi tệ nhất, biện pháp phân phối khí đốt theo hạn mức có thể được áp dụng.

Theo Chi Kong Chyong, giám đốc Diễn đàn Chính sách Năng lượng Đại học Cambridge, các quốc gia khác ở châu Âu cũng có khả năng phải thực hiện những biện pháp khẩn cấp như Áo và Đức, nếu phương Tây tiếp tục cuộc "đối đầu năng lượng" với Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine.


Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin sẽ yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Hôm qua, ông Putin cho biết đã ký một sắc lệnh yêu cầu khách hàng nước ngoài thanh toán khí đốt Nga bằng ruble từ ngày 1/4.

74% khí đốt xuất khẩu của Nga được chuyển đến các thành viên ở châu Âu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm ngoái, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

"Dù thời tiết đã ấm hơn và lượng tiêu thụ khí đốt ít hơn, chúng ta vẫn cần dự trữ khí đốt để sử dụng trong những tháng mùa đông sắp tới", Chyong nói. Chuyên gia này cho rằng trong kịch bản đó, các nước châu Âu sẽ phải tiến hành những chiến dịch vận động quy mô lớn để thuyết phục người dân hạn chế sử dụng khí đốt trong mùa đông.

Theo Russell Hardy, giám đốc điều hành công ty kinh doanh hàng hóa và năng lượng Vitol của Thụy Sĩ, ngoài khí đốt, châu Âu còn nhập khẩu 50% lượng dầu diesel từ Nga và 50% còn lại từ Trung Đông. "Tình trạng thiếu hụt dầu diesel mang tính hệ thống bắt nguồn từ đây và áp hạn mức phân phối là một khả năng".

EIA ước tính Nga xuất khẩu khoảng 4,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2021, gần một nửa trong số đó được xuất sang các nước thuộc OECD ở châu Âu. Hà Lan, Đức và Ba Lan nhập khẩu dầu của Nga nhiều nhất trong khu vực.

Phát biểu tại Ủy ban Ngân sách Quốc hội Anh hồi tháng trước, Amrita Sen, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn về năng lượng và kinh tế vĩ mô Energy Aspects, cảnh báo các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga có thể gây tác động nghiêm trọng đến châu Âu.

"Chúng tôi lo ngại đến cuối tháng này, Đức có thể phải thực hiện phương án áp hạn mức với dầu diesel", Sen cho hay. "Điều đó cũng hoàn toàn có thể xảy ra ở Anh".

Jim Watson, giáo sư về chính sách năng lượng kiêm giám đốc Viện Tài nguyên Bền vững thuộc Đại học London, cho rằng "gần như chắc chắn" chính phủ Anh sẽ phải áp dụng hạn mức nhiên liệu cho xe hơi.

Theo ông, Anh gặp nhiều khó khăn để "cai" dầu mỏ Nga hơn là khí đốt, vì nước này phụ thuộc nhiều hơn vào dầu nhập khẩu.

Năm ngoái, làn sóng mua xăng tích trữ ở Anh đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn cung, khiến nhiều trạm xăng cạn kiệt. Nhà chức trách phải triển khai cả quân đội hỗ trợ vận chuyển nhiên liệu tới các trạm xăng.

Watson cảnh báo tình hình năm nay hoàn toàn khác, khi nguồn cung khan hiếm do Anh chủ động giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Chính sách này có nguy cơ khiến giá tiêu dùng tiếp tục tăng ở Anh, quốc gia đang đối mặt cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo Watson, để ứng phó với tình hình, chính phủ Anh có thể phải thực hiện các chính sách kéo giảm nhu cầu xăng dầu của người dân, khuyến khích họ sử dụng phương tiện công cộng và thay đổi hành vi tiêu dùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây công bố một báo cáo nêu lên 10 chính sách mà cơ quan này cho rằng sẽ giúp nhanh chóng cắt giảm nhu cầu dầu toàn cầu khoảng 2,7 triệu thùng/ngày.

Một số chính sách được đề xuất gồm giảm tốc độ tối đa trên đường cao tốc, giảm giá vé phương tiện công cộng, đề xuất sáng kiến ngày Chủ nhật không có ôtô và lưu thông ôtô cá nhân theo ngày chẵn lẻ ở các thành phố lớn.

Rory Stewart, cựu bộ trưởng phát triển quốc tế Anh, thành viên cấp cao tại Viện Jackson Đại học Yale, tin rằng Anh có thể giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga bằng cách giảm nhu cầu trong nước.

"Nhưng điều đó cần đến nỗ lực phối hợp giữa người dân và chính phủ, như cách chúng ta ứng phó với đại dịch Covid-19", ông nói.

Những đề xuất chính sách của Stewart gồm giảm tốc độ tối đa ở Anh xuống còn 80 km/h, miễn phí giao thông công cộng và kêu gọi các công ty như Uber mở công nghệ cho phép người dân chia sẻ xe cá nhân với nhau.

"Điều này sẽ kéo giảm nhu cầu của người dân cũng như giá dầu Nga, từ đó tác động tới chính sách của Tổng thống Vladimir Putin", Stewart nhấn mạnh.

Chuyên gia Chyong từ Đại học Cambridge cũng cho rằng chìa khóa để châu Âu giảm phụ thuộc vào nhiên liệu Nga là tập trung cho các chính sách "thắt lưng buộc bụng" năng lượng, cắt giảm nhu cầu sử dụng xăng dầu, khí đốt.

"Giữa nhu cầu và giá cả tồn tại mối quan hệ tiêu cực, vì chúng ta đang đối mặt với một hệ thống năng lượng rất chặt chẽ trên toàn cầu, bất cứ nhu cầu nào tăng thêm đều đẩy giá lên cao", Chyong nói. "Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa nếu chúng ta giảm nhu cầu, giá năng lượng cũng sẽ giảm".


Vũ Hoàng (Theo CNBC )

Chia sẻ Facebook