Châu Âu thống nhất 'lộ trình' khống chế giá năng lượng
Cuộc họp đến tận sáng 21-10 của các lãnh đạo châu Âu vẫn không thống nhất được việc áp giá trần cho khí đốt, thay vào đó là một "lộ trình" để khống chế giá. Một số nước như Đức lo ngại việc áp giá trần sẽ làm giảm nguồn cung cho châu Âu.
"Chúng tôi hiện có một lộ trình rất tốt và vững chắc để tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng ", Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố sau cuộc họp kéo dài đến 2h sáng, giờ địa phương.
Theo thông báo sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ giao cho các bộ trưởng năng lượng soạn kế hoạch về "hành lang giá linh hoạt tạm thời với các giao dịch khí đốt tự nhiên" để hạn chế việc tăng giá, và giá trần cho khí đốt dùng để sản xuất điện. Bộ trưởng năng lượng các nước sẽ họp bàn vào tuần sau tại Luxembourg.
Các nước cũng ủng hộ các đề xuất mà EC đưa ra trong tuần này về việc lập giá chuẩn cho khí đốt hóa lỏng và giao dịch khí đốt chung.
Dù tuyên bố cố gắng thể hiện sự đoàn kết nhưng rõ ràng cuộc đàm phán về vấn đề giá trần khí đốt vẫn rất khó khăn.
Ngay sau cuộc họp, nhiều lãnh đạo đã lên tiếng phàn nàn việc Đức phản đối vấn đề này.
"Chúng tôi được yêu cầu thể hiện sự đoàn kết trong việc chia sẻ năng lượng nhưng không có sự đoàn kết nào đối với những lời kêu gọi của chúng tôi về việc kiềm chế giá", một quan chức thuật lại lời thủ tướng sắp mãn nhiệm của Ý Mario Draghi nói.
Thủ tướng Alexander de Croo của Bỉ, nước xuất khẩu khí đốt sang nước láng giềng Đức, cũng bày tỏ thất vọng. "Sự đoàn kết không nên chỉ về nguồn cung, nó cũng phải về vấn đề giá cả", ông nói tại cuộc họp.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo EU cũng tranh cãi về việc một số nước giàu chi mạnh tay để hỗ trợ các ngành công nghiệp và người dân vượt qua khủng hoảng năng lượng. Nhiều ý kiến chỉ trích rằng việc này là không công bằng và tổn hại đến sự cạnh tranh trong thị trường chung của khối.
EU đang phải vật lộn với giá năng lượng cao dẫn đến lạm phát và gia tăng triển vọng suy thoái trên toàn châu lục. Nguy cơ càng trầm trọng hơn khi Nga cắt giảm các dòng khí đốt sau cuộc xung đột ở Ukraine hồi tháng 2-2022.
27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý lấp đầy các kho dự trữ khí đốt và lấy doanh thu từ các công ty năng lượng để chi cho việc giúp đỡ người tiêu dùng.
Tuy nhiên việc áp giá trần khí đốt là vấn đề tranh cãi từ nhiều tháng qua. "Chúng tôi đang xem xét rất cẩn thận các đề xuất của EC. Giới hạn giá được thiết lập về mặt chính trị luôn tiềm ẩn rủi ro rằng các nhà sản xuất sẽ bán khí đốt của họ sang nơi khác, và chúng ta, những người châu Âu, cuối cùng sẽ có ít khí đốt hơn", Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo ngày 20-10.