Châu Âu tăng cường nhập khẩu dầu Nga trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực
6 tháng kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, bức tranh về thị trường năng lượng toàn cầu vẫn đang hỗn loạn khi EU vẫn đang tăng cường nhập khẩu dầu Nga trước bối cảnh cơn khát năng lượng dâng cao và lệnh cấm vận sắp có hiệu lực. Về phía Nga, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 8 bất chấp các lệnh trừng phạt và nhờ vào các tàu chở dầu nước ngoài.
Châu Âu tăng cường nhập khẩu dầu
Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga từ ngày 5 tháng 12. Tuy nhiên đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng, khối này đang tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga trước khi bước vào mùa đông lạnh lẽo.
Lệnh cấm vận nhằm trừng phạt Moscow vì xung đột tại Ukraine dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nga sang EU. Lệnh cấm đang chờ xử lý bao gồm hàng hóa vận chuyển qua tàu nhưng không bao gồm dầu vận chuyển qua đường ống.
Theo phân tích dữ liệu của Bloomberg khi quan sát các chuyến tàu đến chở dầu, châu Âu nhập khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 2/9, mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn con số 1,28 triệu thùng/ngày vào tháng 6 vừa qua.
Theo Bloomberg, EU dự kiến sẽ giảm bớt hoạt động mua dầu của Nga ít nhất một tháng trước lệnh cấm ngày 5/12 để đảm bảo tuân thủ đúng thời hạn.
Bloomberg cũng chỉ ra tổng các chuyến hàng dầu thô của Nga qua đường biển đã tăng lên 3,32 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 2 tháng 9 - tăng 13% so với một tuần trước. Các lô hàng đến Bắc Âu tăng 20% so với tuần trước trong khi các lô hàng đến châu Á vẫn ổn định. Cụ thể, các chuyến hàng đến Hà Lan - nơi có trung tâm lọc dầu lớn của châu Âu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp - đã tăng 13% so với một tuần trước.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, doanh thu từ thuế xuất khẩu dầu thô của Điện Kremlin lên tới 167 triệu USD trong tuần tính đến ngày 2 tháng 9 - cao hơn 12% so với tuần trước. Điều này cũng chỉ ra sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga vẫn còn rất lớn và thách thức trong việc từ bỏ dầu khí khỏi gã khổng lồ năng lượng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, vào năm 2021, châu Âu đã mua khoảng một nửa sản phẩm dầu mỏ và 3/4 lượng khí đốt tự nhiên của Nga.
Lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu cũng diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với thị trường năng lượng vốn đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung ngay cả trước khi Nga xảy ra xung đột với Ukraine vào đầu năm nay. Giờ đây, EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga đóng cửa đường ống dẫn khí đốt tự nhiên. Nguồn cung cấp dầu cũng hạn chế.
Ông van Beurden, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell nói rằng: "Các thị trường dầu đang dần trở nên eo hẹp và vẫn duy trì tình trạng này trong thời gian tới. Về phía nguồn cung, một thực tế rất nổi tiếng là OPEC không thể sản xuất với khối lượng đã tuyên bố, đơn giản là vì năng lực của họ cũng đang dần bị cạn kiệt.”
Ông Van Beurden cũng cho biết thêm rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động mạnh sau ngày 5/12, thời điểm lệnh cấm vận bắt đầu có hiệu lực.
Sản lượng xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng mạnh
Về phía Nga, sau 6 tháng kể từ khi xung đột xảy ra, lô hàng dầu của Nga đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong tháng 8 trong tháng theo dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Trong đó các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Hy Lạp đóng vai trò lớn nhất trong việc giúp dầu của Nga tiếp cận thị trường quốc tế. Nhà kinh tế trưởng của IIF Robin Brooks đã chia sẻ rằng sức chứa của các tàu chở dầu rời các cảng của Nga đạt 160 triệu thùng trong tháng 8, nhiều hơn so với các con số cùng kì trước đây.
Nga xuất khẩu phần lớn dầu thô của mình thông qua các tàu chở dầu của nước ngoài. Hy Lạp đã nổi lên như một trung tâm mới cho dầu của Nga thông qua các chuyến bốc hàng từ tàu sang tàu (Ship to ship). Kinh doanh dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga hiện nay vẫn là hợp pháp vì các thành viên EU vẫn chưa thống nhất hoàn toàn về các lệnh cấm đối với dầu Nga.
Đối với tất cả các cuộc thảo luận gay gắt về việc từ bỏ các mặt hàng năng lượng của Nga, Nga vẫn đang cố gắng bán một lượng lớn dầu và khí đốt của mình. Theo dữ liệu theo dõi tàu và cảng, các công ty như Vitol của Thụy Sĩ, Glencore, Gunvor và Trafigura của Singapore, đều tiếp tục nâng khối lượng lớn dầu thô và các sản phẩm của Nga, bao gồm cả dầu diesel.
Công ty Vitol đã cam kết ngừng mua dầu thô của Nga vào cuối năm nay, nhưng đó còn là một chặng đường dài. Trafigura cho biết họ sẽ ngừng mua dầu thô từ Rosneft của Nga trước ngày 15/5, nhưng có thể tự do mua hàng hóa dầu thô của Nga từ các nhà cung cấp khác. Glencore cho biết họ sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động kinh doanh thương mại "mới" nào với Nga. Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc đang bù đắp phần lớn thiệt hại cho Nga.